Các nước EU 'tìm tiếng nói chung' về mức trần giá khí đốt
27 quốc gia thành viên EU đã tranh cãi trong nhiều tháng qua về các biện pháp nhằm giảm hóa đơn năng lượng cho người dân và họ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 20-21/10 tại thủ đô Brussels (Bỉ) trong không khí ảm đạm.
15 quốc gia bao gồm Pháp, Italy và Ba Lan đang cố gắng thúc đẩy một mức trần giá năng lượng đầy tham vọng. Tuy nhiên, họ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan - lần lượt là nền kinh tế và khách hàng khí đốt lớn nhất châu Âu, đồng thời cũng là hai trung tâm buôn bán khí đốt hàng đầu của châu Âu.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã cố gắng thỏa mãn các quan điểm khác nhau bằng một loạt đề xuất mà họ hy vọng sẽ giúp người dân châu Âu giảm chi tiêu cho việc sưởi ấm khi mùa Đông đang đến gần.
Việc thúc đẩy một cách tiếp cận chung đã bị cản trở bởi sự mâu thuẫn giữa Pháp và Đức, lên tới đỉnh điểm vào ngày 19/10, khi họ trì hoãn một cuộc họp thường kỳ giữa các bộ trưởng. Khó có thể đạt được đột phá ở EU khi các cường quốc lớn nhất của khối không đối thoại trực tiếp.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU tham gia đàm phán cho biết: “Đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng không có đột phá cơ bản. Các ưu tiên của mỗi nước vẫn khác nhau: Đức đã lựa chọn an ninh nguồn cung vì nước này có thể mua được khí đốt với giá cao, nhưng nhiều nước không thể theo kịp chi phí này”.
Các đề xuất của EC bao gồm ý tưởng cho phép các công ty năng lượng khổng lồ của EU mua chung nhằm điều chỉnh mức giá rẻ hơn để bổ sung nguồn khí đốt dự trữ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nước thành viên EU cũng sẽ thảo luận về gói chi tiêu khẩn cấp để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đối với các nền kinh tế và 450 triệu công dân của họ.
Trong khi một số quốc gia kêu gọi khối phát hành trái phiếu chung để tài trợ cho các khoản nợ, thì các thành viên “chặt chẽ” hơn cho rằng hàng trăm tỷ euro chưa được sử dụng từ các chương trình hỗ trợ trước đó nên được chi tiêu trước.
Một bất đồng khác là liệu có nên cung cấp chương trình cứu trợ ngay lập tức thông qua trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, hay đầu tư vào năng lượng xanh sẽ làm cho khối phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Trong thư mời dự hội nghị gửi các nhà lãnh đạo châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ giải quyết các can thiệp thị trường ngắn hạn và dài hạn khác, chẳng hạn như một khuôn khổ của EU để giới hạn giá khí đốt cho sản xuất điện.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh triển vọng kinh tế của châu Âu sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách mà châu lục này quản lý cuộc khủng hoảng năng lượng của mình. Theo ông Charles Michel, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU nên tập trung vào việc điều phối các phản ứng chính sách kinh tế một cách hiệu quả, bao gồm cả sự hỗ trợ của các giải pháp chung của châu Âu.
Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ lại nhóm họp vào tuần tới, nhưng một nhà ngoại giao cấp cao khác của EU cho biết, họ không mong đợi các quyết định chi tiết được đưa ra hơn trước tháng 11.