Đức chi 200 tỷ EUR hỗ trợ kinh tế, nhiều nước EU phản đối gay gắt
Chia rẽ trong EU
Theo Financial Times, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhanh chóng phản đối gói hỗ trợ năng lượng của Đức. Các quốc gia còn lại của châu Âu cho rằng quyết định hành động một mình của Berlin đẩy hộ gia đình và doanh nghiệp của khối đối mặt với giá năng lượng đắt đỏ hơn.
Cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết gói hỗ trợ 200 tỷ USD được công bố tuần trước đã làm suy yếu sự thống nhất của châu Âu. “Đối mặt với mối đe dọa chung của thời đại, chúng ta không thể chia rẽ theo khả năng tài chính của từng quốc gia”.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và người đồng cấp Ireland Paschal Donohoe cũng kêu gọi toàn khối có sự phối hợp tốt hơn. Vào hôm 5/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng kêu gọi áp giá trần với khí đốt chung trên phạm vi toàn khối, giải pháp mà Đức đã phản đối.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người đã dành đa số thời gian trong năm đối đầu với Brussels, lần này cũng đồng tình với các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Ông Orban gọi kế hoạch của Berlin là “ăn thịt người”, và vi phạm các quy tắc của EU trong việc viện trợ nhà nước, bằng cách giúp các doanh nghiệp Đức vượt qua bão tố “bằng hàng trăm tỷ euro”, trong khi gây ảnh hưởng tới các nước khác.
Quy mô khoản viện trợ
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner khẳng định rằng gói viện trợ Lá chắn Bảo vệ Toàn diện là “tương xứng” với quy mô và nguy cơ của nền kinh tế Đức. Nhưng dù theo tiêu chuẩn nào thì Đức cũng đang tung ra một gói viện trợ lớn.
Đa phần kế hoạch trị giá 200 tỷ EUR sẽ được tài trợ bằng nợ và tương đương với 5,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức năm 2021.
Ông Lindner cho biết gói hỗ trợ sẽ có thời hạn hai năm. Ngoài ra, Đức còn có thêm một gói hỗ trợ khác trị giá 100 tỷ EUR đã được thông qua. Nói cách khác, các doanh nghiệp Đức và hộ gia đình sẽ nhận được 8,4% GDP thông qua các khoản trợ cấp năng lượng.
300 tỷ EUR trợ cấp sẽ nhiều hơn gấp 2 lần những hỗ trợ tài chính của cả Italy và Pháp cộng lại, hai nền kinh tế chỉ đứng sau Đức tại EU. Tính theo tỷ lệ % GDP, gói hỗ trợ lớn hơn ít nhất ba lần so với đa số các nước còn lại tại khu vực đồng tiền chung euro.
Ông Antonio Fatas, Giáo sư kinh tế tại INSEAD cho biết quy mô của gói trợ cấp “đặt ra những câu hỏi về việc liệu Đức có đang tiến hành viện trợ nhà nước cho các doanh nghiệp của mình hay không”.
Các con số được đưa ra là mức giới hạn. Chính phủ Đức cũng có thể chi tiêu ít hơn nếu giá năng lượng giảm. Trong thời kỳ COVID, Berlin cũng đã chịu chỉ trích về quỹ ổn định kinh tế khổng lồ. Ban đầu, quỹ có giới hạn 600 tỷ EUR nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Nhưng sau cùng, Đức chỉ sử dụng khoảng 50 tỷ EUR.
Đức là đầu tàu sản xuất của khu vực đồng euro. Vào năm 2021, sản lượng của Berlin lớn hơn Italy, Pháp và Ireland cộng lại.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng trầm trọng tới các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều năng lượng của Đức. Một số người bảo vệ chính sách của Đức cho rằng mức chi tiêu 300 tỷ EUR là hợp lý với nền sản xuất của nước này.
Những người khác lập luận rằng trong khi một giải pháp toàn châu Âu sẽ là lựa chọn tốt nhất, gói hỗ trợ vẫn sẽ giúp ích cho các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại gần gũi.
“[Viện trợ lớn] vẫn tốt hơn là không có hỗ trợ hoặc nền kinh tế Đức bị suy thoái sâu”, ông Silvia Ardagna, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Barclays nói.
“Do quan hệ thương mại gần gũi, EU sẽ chịu thiệt hại nếu kinh tế Đức yếu đi”, bà Sandra Horsfield, nhà kinh tế tại Investec cho biết. “Một cú sốc thương mại lớn [chẳng hạn như cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu] sẽ chỉ mang đến những lựa chọn không mong muốn. Vấn đề là lựa chọn kết quả ít tồi tệ nhất”.
Khiến đồng minh chịu lạm phát
Ông Nick Andrews, nhà phân tích tại Gavekal Research, cho rằng bằng cách làm giảm hóa đơn năng lượng, gói viện trợ của Đức có khả năng khiến nhu cầu tăng lên và nâng giá khí đốt trên thị trường châu Âu.
Ông Andrews cho biết: “Trong khi các công ty Đức sẽ được hưởng lợi từ giá năng lượng thấp, thì các đối tác của họ trên phần lớn châu Âu sẽ phải trả nhiều hơn, làm giảm khả năng cạnh tranh”.
Berlin tuyên bố các gói hỗ trợ vẫn sẽ khuyến khích tiết kiệm năng lượng vì kế hoạch này chỉ trợ cấp một khoản cơ bản cho hóa đơn khí đốt và điện. Đồng thời, Berlin cũng sẽ phải tuân thủ các quy tắc về viện trợ nhà nước, vừa được EU sửa đổi hồi tháng 7.
Theo một số quan điểm, gói viện trợ của Berlin cũng có thể làm công việc của các nhà hoạch định chính sách trong khu vực trở nên khó khăn. Năng lượng là lý do chính khiến lạm phát tại khu vực đồng euro lên mức cao kỷ lục 10% vào tháng 9, gấp hơn 5 lần so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Mức trợ giá 0,3 EUR/lít của Pháp đối với nhiên liệu có hiệu lực vào tháng 9 gần gấp đôi so với mức hỗ trợ 18 xu vào tháng 4. Ngoài ra, Pháp còn duy trì lá chắn thuế quan với giá khí đốt và điện. Lạm phát năng lượng của Pháp đã xuống dưới 20% vào tháng 9, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Eurozone.
Với quy mô gói hỗ trợ của Berlin, sự khác biệt về lạm phát giữa Đức và các nước còn lại có thể còn lớn hơn. Ông Andrews cho biết, một chính sách tiền tệ phù hợp với tất cả sẽ trở nên “khó khăn hơn và mang lại ít hiệu quả”.
Nguy cơ hoảng loạn trên thị trường
Kể từ khi Berlin triển khai chương trình của hỗ trợ, chi phí đi vay của nước này đã giảm xuống. Các quốc gia khác tại Liên minh châu Âu hiện nay không ở vị trí tài chính thuận lợi như Đức.
Sự hỗn loạn tại thị trường ở Anh, gây ra bởi việc cắt giảm thuế, là một lời nhắc nhở về những nguy cơ mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt nếu cố gắng hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp một cách hào phóng.
Với việc Đức từ chối tham gia vào áp giá trần khí đốt trên toàn EU, một số quốc gia, đặc biệt ở Đông và Nam Âu có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài chịu khủng hoảng nợ và chi thêm tiền để trợ cấp hộ gia đình và doanh nghiệp.
Ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại Pantheon Macroeconomics, cho biết các quốc gia tự đưa ra giải pháp riêng là chính đáng vì “EU không thể hành động đủ nhanh”.
Tuy nhiên, ông Fatas cho biết, trong khi việc phối hợp giữa các thành viên là rất khó khăn, do mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này, "không còn cách nào khác để tiến lên phía trước" ngoài một giải pháp chung.