|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mạng viễn thông của châu Âu có thể bị tê liệt trong mùa đông

22:31 | 29/09/2022
Chia sẻ
Vào mùa đông, mạng lưới viễn thông của châu Âu ngừng hoạt động do thiếu các giải pháp dự phòng khi điện năng bị cắt.

Theo Reuters, mạng viễn thông ngừng hoạt động, điều tưởng chừng như không thể xảy ra ở châu Âu, lại đang trở thành một nguy cơ hiện hữu trong mùa đông sắp tới.

Quyết định ngừng dòng chảy khí đốt của Nga tới châu Âu đã làm tăng khả năng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông. Ở Pháp, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn khi nhiều nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa để bảo trì.

Các quan chức ngành viễn thông lo sợ rằng mùa đông lạnh lẽo có thể khiến cơ sở hạ tầng viễn thông của châu Âu chịu áp lực. Hiện tại, nhiều nước châu Âu không có đủ hệ thống dự phòng để đối phó với mất điện trên diện rộng.

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, bao gồm Pháp, Thụy Điển và Đức đang cố gắng đảm bảo hoạt động viễn thông có thể duy trì ngay cả trong trường hợp mất điện kéo dài khiến pin dự phòng trên các trạm phát sóng hết sạch.

Châu Âu có gần nửa triệu tháp viễn thông, và đa số chỉ có đủ pin để hoạt động trong vòng 30 phút nếu mất điện.

 

Pháp

Ở Pháp, kế hoạch của công ty phân phối điện Enedis bao gồm cả khả năng cắt điện lên tới 2 giờ trong trường hợp xấu nhất, nguồn tin của Reuters cho biết. Mất điện thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới một số vùng của Pháp trên cơ sở luân phiên. Các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện, cảnh sát và chính phủ sẽ không bị ảnh hưởng.

Chính phủ Pháp, các nhà mạng và Enedis đang thảo luận về vấn đề cấp điện trong suốt mùa hè. Liên đoàn Viễn thông Pháp (FFT), một nhóm vận động hành lang đại diện cho quyền lợi của các nhà mạng Orange, Bouygues Telecom và SFR đang tạo áp lực lên Enedis do không nhận được miễn trừ trong tình huống cắt điện.

Enedis từ chối đưa ra bình luận về các cuộc thảo luận trên. Enedis nói với Reuters rằng tất cả khách hàng thông thường đều được đối xử công bằng trong trường hợp mất điện xảy ra. Công ty cho biết chính quyền địa phương mới có thẩm quyền quyết định xem ai nằm trong danh sách ưu tiên có điện.

Một quan chức Bộ Tài chính Pháp cho biết “Không dễ để có thể tách mạng lưới ăng ten viễn thông [ra khỏi phần còn lại của lưới điện]”.

Pháp đang có khoảng 62.000 trạm viễn thông, và sẽ không thể nâng cấp pin dự phòng mới cho tất cả, Chủ tịch FFT Liza Bellulo nói. 

Một trạm phát sóng tại Pháp. (Ảnh: Pascal Rossignol/Reuters).

Thụy Điển, Đức và Italy

Các doanh nghiệp viễn thông tại Thụy Điển và Đức cũng đã lên tiếng lo ngại về nguy cơ mất điện với chính phủ.

Nhà điều hành viễn thông PTS của Thụy Điển đang làm việc với những doanh nghiệp viễn thông và cơ quan chính phủ để tìm ra giải pháp, bao gồm cả kịch bản trong trường hợp phải hạn chế sử dụng điện.

PTS đang tài trợ việc mua các trạm nhiên liệu và phát sóng di động để đối phó với tình trạng mất điện kéo dài.

Cơ quan vận động hành lang về viễn thông của Italy mong muốn mạng lưới di động sẽ được loại trừ khỏi bất cứ đợt cắt điện hay tiết kiệm năng lượng nào, và sẽ đưa ra yêu cầu trên với chính phủ mới của nước này.

Ông Massimo Sarmi, người đứng đầu cơ quan vận động hành lang trên cho biết mất điện sẽ tăng khả năng khiến các linh kiện điện tử hỏng hóc khi chúng chịu sự gián đoạn đột ngột.

Tại Đức, công ty Deutsche Telekom đang vận hành khoảng 33.000 tháp viễn thông cho biết hệ thống năng lượng khẩn cấp không đủ cho tất cả. Deutsche Telekom sẽ phải dùng đến hệ thống năng lượng di động, chủ yếu chạy bằng diesel trong trường hợp mất điện kéo dài. 

Biện pháp tiết kiệm

Những công ty sản xuất linh kiện viễn thông như Nokia và Ericsson đang làm việc với các nhà mạng để giảm thiểu ảnh hưởng của việc mất điện. Các nhà mạng sẽ cần phải nghiên cứu lại mạng lưới để giảm tiêu thụ năng lượng, hiện đại hóa trang thiết bị bằng cách sử dụng các thiết kế phát sóng vô tuyến hiệu quả hơn.

Để tiết kiệm năng lượng, các nhà mạng đang sử dụng phần mềm để tối ưu hóa lưu lượng, đưa các trạm phát sóng vào trạng thái “nghỉ” khi không sử dụng và tắt một vài tấn số sóng.

Do đã quen với nguồn điện ổn định trong nhiều thập kỷ, các nước châu Âu thường không có máy phát điện để sử dụng trong trường hợp mất điện kéo dài.

“Chúng tôi có lẽ đã quá quen với việc điện năng ổn định và tốt ở nhiều khu vực tại châu Âu”, một giám đốc viễn thông cho biết. “Đầu tư vào dự trữ năng lượng (pin) tại một số quốc gia có thể là không đủ”.

Minh Quang