|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Các công cụ điều tiết cung tiền (Monetary Policy Tools) của Ngân hàng trung ương là gì?

16:53 | 05/09/2019
Chia sẻ
Các công cụ điều tiết cung tiền (tiếng Anh: Monetary Policy Tools) là những công cụ để Ngân hàng trung ương có thể kiểm soát cung tiền và các điều kiện tín dụng của một quốc gia.
o

Hình minh hoạ (Nguồn: finance)

Các công cụ điều tiết cung tiền của Ngân hàng trung ương

Khái niệm

Các công cụ điều tiết cung tiền trong tiếng Anh được gọi là monetary policy tools.

Các công cụ điều tiết cung tiền là những công cụ để Ngân hàng trung ương có thể kiểm soát cung tiền và các điều kiện tín dụng của một quốc gia. 

Các công cụ bao gồm: nghiệp vụ thị trường mở, các qui định về tỉ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu (lãi suất cho các ngân hàng thương mại vay).

Các công cụ

- Nghiệp vụ thị trường mở

Nghiệp vụ thị trường mở liên quan đến việc mua và bán chứng khoán của ngân hàng trung ương. Giao dịch chứng khoán của ngân hàng trung ương làm thay đổi cơ sở tiền: Việc mua làm tăng cơ sở tiền, và việc bán làm giảm cơ sở tiền. 

Trái lại, giao dịch giữa các tổ chức tài chính, các hãng kinh doanh, hoặc cá nhân đơn thuần chỉ tái phân phối lượng cơ sở tiền sẵn có trong nền kinh tế mà không làm thay đổi tổng cơ sở tiền.

- Tỉ lệ dự trữ bắt buộc

Ngân hàng trung ương cũng có thể tác động tới cung ứng tiền tệ thông qua tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Tỉ lệ dự trữ bắt buộc là tỉ lệ dự trữ tối thiểu mà các ngân hàng thương mại phải duy trì theo qui định của ngân hàng trung ương. Tỉ lệ dự trữ bắt buộc ảnh hưởng đến lượng tiền mà hệ thống ngân hàng có thể tạo ra từ mỗi đồng dự trữ. 

Sự gia tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc hàm ý các ngân hàng phải dự trữ nhiều hơn, do đó cho vay ít hơn từ mỗi đồng mà nó nhận được dưới dạng tiền gửi. Kết quả là, nó làm tăng tỉ lệ dự trữ, làm giảm số nhân tiền và làm giảm cung tiền. Ngược lại, biện pháp cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc làm tăng số nhân tiền và cung tiền.

Nhìn chung, các ngân hàng trung ương rất ít khi thay đổi tỉ lệ dự trữ bắt buộc bởi vì sự thay đổi thường xuyên có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng. 

Ví dụ, khi ngân hàng trung ương tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, một số ngân hàng nhận thấy họ bị thiếu hụt dự trữ, mặc dù họ không thấy có sự biến động nào trong tiền gửi. Trong trường hợp như vậy, họ phải từ chối cho vay cho đến khi tạo ra được đủ mức dự trữ theo qui định mới.

- Lãi suất chiết khấu

Công cụ thứ ba mà ngân hàng trung ương có thể sử dụng để kiểm soát cung tiền là lãi suất chiết khấu, tức lãi suất mà ngân hàng trung ương áp dụng khi cho các ngân hàng thương mại vay tiền. 

Khi không đủ dự trữ bắt buộc, ngân hàng thương mại phải vay tiền của ngân hàng trung ương. Tình huống này có thể xảy ra bởi vì ngân hàng đã cho vay quá nhiều hoặc bởi vì có quá nhiều các khoản tiền được rút ra. 

Khi ngân hàng trung ương cho một ngân hàng vay tiền, hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều dự trữ hơn và họ có thể tạo ra nhiều tiền hơn.

Ngân hàng trung ương có thể thay đổi cung ứng tiền tệ bằng cách thay đổi lãi suất chiết khấu. Lãi suất chiết khấu càng cao, các ngân hàng càng ít vay tiền của ngân hàng trung ương để bù đắp dự trữ. 

Đồng thời, để có thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng trong khi ít vay tiền hơn từ ngân hàng trung ương, các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng tỉ lệ dự trữ và làm giảm số nhân tiền. 

Bởi vậy, biện pháp tăng lãi suất chiết khấu có xu hướng làm giảm cơ sở tiền và số nhân tiền, dẫn đến cung ứng tiền tệ giảm. 

Ngược lại, biện pháp giảm lãi suất chiết khấu sẽ khuyến khích các ngân hàng vay tiền nhiều tiền hơn từ ngân hàng trung ương và dự trữ với tỉ lệ thấp hơn, dẫn tới cơ sở tiền và số nhân tiền tăng và cung ứng tiền tệ tăng.

(Tài liệu tham khảo: Tiền tệ và chính sách tiền tệ, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.