Cặp vợ chồng sản xuất tã vải gọi vốn bất thành trong Shark Tank Việt Nam
Công ty giấc ngủ ‘trắng tay’ trong Shark Tank Việt Nam |
Xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam vào tối 25/7, cặp vợ chồng Phú Quốc, Trần Nhung kêu gọi 5 tỷ đồng cho 15% cổ phần thương hiệu Bỉm vải hiện đại Dorabe. Hai nhà sáng lập gây bất ngờ cho nhà đầu tư bằng “khúc dạo đầu” tưng bừng của những em bé mặc bỉm.
Màn trình diễn của những em bé mặc bỉm trong Shark Tank Việt Nam vào tối 25/7. |
“Khi du học ở Australia và sinh con đầu lòng, hai vợ chồng tôi đã dùng tã vải hiện đại. Khi về nước, chúng tôi bắt đầu tiến hành sản xuất bỉm vải”, Nhung kể.
Sản phẩm chính của Dorabe là bỉm vải hiện đại, nhân văn, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, nó còn rất thời trang, giúp các bà mẹ tiết kiệm gần 29 triệu đồng tiền bỉm cho bé trong giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi. Ngoài ra, Dorabe còn sản xuất một số mặt hàng như ga chống thấm sử dụng công nghệ nano, ga chống thấm cho người già và bỉm vải dùng một lần.
Hiện tại, kênh phân phối bỉm vải Dorabe chủ yếu trên website, mạng xã hội, các bà mẹ. Thị trường chủ lực là miền Bắc. Công ty tự sản xuất vải bỉm và cải tiến lớp trên cùng bằng sợi thấm (chất liệu thường dùng để may áo thể thao) thay cho hóa chất thấm hút của các loại tã giấy thông thường.
Khác với tã vải xa xưa chỉ sử dụng một lớp vải xô, Dorabe có 3 lớp thấm hút. Sau một năm, phụ huynh nên dùng giấm luộc sơ vải để đảm bảo vệ sinh cho bé. Nhận thấy thị trường bỉm vải chưa thực sự lớn, hai doanh nhân muốn phát triển dòng sản phẩm cao cấp organic (tự nhiên) dùng một lần.
Nhung khẳng định sản phẩm có cơ hội xuất khẩu sang Mỹ - thị trường rất ưa chuộng bỉm vải. Thậm chí, hội các bà mẹ cuồng dòng tã vải sẵn sàng sử dụng hàng second-hand (hàng đã qua sử dụng). Công ty sẽ thâm nhập thị trường Amazon, Mỹ trong thời gian sắp tới.
“Nếu có 5 tỷ đồng, Dorabe sẽ đầu tư 1 tỷ đồng vào bán hàng, marketing, hàng tồn kho 1 tỷ đồng và máy may tự động khoảng 1,5 tỷ đồng”, Nhung nói.
Cặp vợ chồng Phú Quốc, Trần Nhung trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 25/7. |
Cho rằng nếu Dorabe đưa sản phẩm Amazon, họ sẽ lạc lối trong hàng trăm sản phẩm cùng loại, nữ doanh nhân Thái Vân Linh hứa tư vấn, góp ý cho hai người sáng lập. Trong chương trình, bà quyết định không đầu tư vì thị trường Việt Nam quá nhỏ cho sản phẩm bỉm vải Dorabe. Phạm Thanh Hưng cũng lắc đầu vì không phải lĩnh vực sở trường của ông.
Ông Nguyễn Xuân Phú nhận định người Việt chuyển từ tã vải sang tã giấy để tiết kiệm thời gian giặt. Thời gian để người dân thay đổi ý thức bảo vệ môi trường khá lâu nên ông từ chối rót vốn.
Theo “cá mập” Dzung Nguyễn, thị trường tã bỉm rất lớn, nhưng thói quen sử dụng tã giấy của người tiêu dùng khó thay đổi. Bởi vậy, Dorabe khó cạnh tranh và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Với lý do ấy, ông quyết định không đầu tư.
Sản phẩm bỉm vải hiện đại mang thương hiệu Dorabe. |
Ngược lại, doanh nhân Nguyễn Thanh Việt khẳng định Dorabe mới là công nghệ của tương lai. Ông khuyên nhà sáng lập nên “lách qua khe cửa hẹp để đi đến thị trường lớn”. Thay vì đầu tư trong chương trình, ông sẵn sàng làm khách hàng tiềm năng của Dorabe vì ông đang đầu tư cho bệnh viện.
Mặc dù không thể gọi vốn, Phú Quốc, Trần Nhung cảm thấy an ủi khi hai nhà đầu tư hứa sẽ tư vấn, hỗ trợ họ sau chương trình.
Xem thêm |