|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bức tranh 'nhuốm màu' COVID-19 của ngành F&B

14:40 | 22/10/2021
Chia sẻ
Là một trong những ngành kinh tế quan trọng, thực phẩm – đồ uống (F&B) cũng chịu những tác động không nhỏ.

Sức chiến đấu của doanh nghiệp đuối dần

Theo khảo sát của Vietnam Report (VNR) thực hiện trong tháng 8/2021 cho ngành F&B cũng như nhiều ngành kinh tế khác, bị "bóng ma" COVID-19 che phủ.

Trước năm 2020, thị trường F&B Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2021-2025) là 4,98%. Quy mô thị trường dự kiến đạt 678 triệu USD với lượng người dùng dự kiến sẽ đạt 17,1 triệu vào năm 2025. 

Trong năm 2020, do Việt Nam làm tốt công tác ngăn chặn đại dịch xâm nhập vào đất nước, ngành F&B không phải chịu tác động quá lớn, có gần 48% doanh nghiệp F&B tham gia khảo sát của VNR cho biết tác động của đại dịch đối với họ rất ít, không đáng kể, thậm chí là không có tác động.

Tuy nhiên, các đợt bùng phát dịch liên tiếp và kéo dài đã đẩy tỷ lệ tác động của "bóng ma" COVID-19 lên tới hơn 91%. VNR nhận định điều này cho thấy sức chống chọi của doanh nghiệp đã có dấu hiệu đuối dần.

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Vấn đề liên quan đến logistics và phân phối chiếm 91% tác động đến ngành F&B, theo đó khi mà một số vùng kinh tế trọng điểm của nước ta buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đó là đứt gãy nguồn lao động, nguyên vật liệu và cả chuỗi cung ứng... 

Một số biện pháp của Chính phủ như mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hay cơ chế “luồng xanh” tỏ ra chưa phù hợp với tất cả các địa phương do đặc điểm mỗi địa phương khác nhau, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa.  

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp cho biết do đặc thù ngành sử dụng lực lượng lao động lớn, chi phí xét nghiệm cho lao động sẽ trở thành một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp nếu không có được sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Bức tranh 'nhuốm màu' COVID-19 của ngành F&B - Ảnh 1.

VNR đã thực hiện khảo sát từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021. (Nguồn: Vietnam Report).

Bên cạnh những khó khăn trên, khoảng 17% số doanh nghiệp F&B cho biết đang gặp thách thức về tính thanh khoản. Đại diện một số doanh nghiệp trong ngành cho biết, ngay cả khi có lượng dự trữ tiền mặt lớn, các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng sẽ gặp khó khăn nếu tình trạng giãn cách xã hội tiếp tục duy trì. 

Hiện tại, các đợt bùng phát dịch đã đang dần được kiểm soát, tạo đà phục hồi kinh tế vào quý IV. Nhờ các chiến dịch phủ rộng vắc xin, dự kiến ít nhất 70% dân số trưởng thành sẽ được tiêm chủng vào giữa năm 2022, ngành F&B dự kiến có thể phục hồi với những tín hiệu tích cực. Theo VNR, 47% số doanh nghiệp ước tính mất khoảng 6 tháng, 33% số doanh nghiệp mất khoảng 7-12 tháng và 13% mất nhiều hơn 12 tháng để phục hồi trạng thái bình thường. 

Trên thực tế, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam xoay trục chiến lược phòng chống dịch bệnh theo hướng “sống chung an toàn với COVID-19”. Khi các lệnh giãn cách xã hội dần được nới lỏng một cách thận trọng, cộng đồng doanh nghiệp đang bắt đầu làm quen với những đặc điểm mới của thị trường hình thành trong quá trình thích nghi với đại dịch. 

Thùy Trang