|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ Golden Gate, Redsun cho tới Tokyo Deli, Soya Garden: Hàng loạt chuỗi F&B thu hẹp quy mô hoạt động sau dịch COVID-19

14:17 | 15/03/2021
Chia sẻ
Các hệ thống nhà hàng của Golden Gate, Redsun liên tục phải đóng cửa các nhà hàng trong thời gian gần đây.
Hệ thống Golden Gate thu hẹp quy mô ra sao sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Chuỗi Kichi-Kichi thuộc hệ thống Golden Gate. (Ảnh: F&B Vietnam).

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán ăn nên hàng loạt chuỗi nhà hàng chịu thiệt hại. Lựa chọn đóng cửa là một trong số các phương án mà các nhà điều hành chuỗi F&B đưa ra. Golden Gate cũng không phải là ngoại lệ.

Golden Gate được biết đến là một trong những chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất Việt Nam với hệ thống hơn 360 cửa hàng gồm hơn 20 thương hiệu khác nhau trong các phân khúc lẩu, nướng và nhà hàng bia tươi như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, SumoBBQ Hutong, Cowboy Jack's, Daruma hay Vuvuzela…

Tuy vậy, trải qua ba đợt dịch, các nhà hàng của Golden Gate buộc phải đóng cửa, thu hẹp hoạt động kinh doanh. Đơn cử như hệ thống nhà hàng Daruma, ngoài cơ sở Trung Hòa – Nhân Chính đóng vào cuối năm 2019, 2 cơ sở Daruma khác đã đóng cửa trong năm 2020 và không còn mở trở lại là Daruma Giảng Võ và Daruma Dịch Vọng Hậu.

Hiện tại hệ thống Daruma chỉ tồn tại ba cửa hàng ở Hà Nội gồm Mipec Tây Sơn, Indochina Plaza – Xuân Thủy, Vincom Nguyễn Chí Thanh.

Chuỗi thương hiệu Sumo Yakiniku thuộc hệ thống Golden Gate cũng phải thông báo dừng hoạt động một điểm kinh doanh tại cơ sở Huỳnh Thúc Kháng. Trước đó, thương hiệu thịt nướng Nhật Bản này cũng đóng cửa cơ sở Royal City vào tháng 3/2020. Hiện Sumo Yakiniku chỉ còn 7 cửa hàng tại Hà Nội.

Ngoài Sumo Yakiniku, Vuvuzela cơ sở Hoàng Đạo Thuý cũng thông báo tạm ngưng hoạt động đến ngày 26/3 để nâng cấp dịch vụ.

Theo bản đăng ký thay đổi thông tin gần nhất vào tháng 2/2020 trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Golden Gate có vốn điều lệ 76 tỷ đồng, trong đó 67,08% là vốn tư nhân, còn lại 32,92% là vốn nước ngoài do Prosperity Food Concepts PTE.LTD có trụ sở tại Singapore góp vốn.

Trong biên bản họp Đại HĐCĐ thường niên của Golden Gate vào đầu tháng 7/2020, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tính đến hết năm 2019 là 4.776 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ nhờ mở rộng mạng lưới và tăng doanh thu từ các cửa hàng được mở trong năm 2018. Lợi nhuận ròng sau thuế là 321 tỷ đồng, cũng tăng 20% so với cùng kỳ.

Đến cuối năm 2019, Công ty sở hữu tổng cộng 357 nhà hàng, hoạt động trên khắp cả nước. Ngoài việc mở rộng quy mô hoạt động, Công ty còn tăng chất lượng hoạt động như tăng lượt quay vòng bàn, chi tiêu trung bình của mỗi khách hàng và phát triển hệ thống phụ trợ.

Nhờ đó, trong tháng 1/2020, doanh thu và lợi nhuận thuần của Golden Gate tăng lần lượt 32% và 54% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, trong ba tháng tiếp theo, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Toàn hệ thống cửa hàng đóng cửa vào cuối tháng 3 và hầu hết vào tháng 4/2020.

Biên bản cho biết hệ thống có khoảng 90% nhà hàng hoạt động trở lại vào thời điểm 30/4 đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng thêm 79 nhà hàng mới và đóng cửa 18 nhà hàng do hoạt động không hiệu quả.

Trong giai đoạn cuối tháng 7, đầu tháng 8/2020, công ty đã phê duyệt phương án vay vốn tại nhiều ngân hàng như Vietcombank, VP Bank, MB Bank, VIB... 

Chia sẻ tại Hội nghị Thương Hiệu 2020 do Forbes Việt Nam tổ chức tại TP HCM vào chiều 17/12, ông Hà Thúc Tú, Giám đốc điều hành chi nhánh miền Nam công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) cho biết hệ thống đang thiết lập ứng dụng ERP vào quản trị doanh nghiệp dù việc này được đánh giá là không dễ với lượng nhà hàng như hiện tại.

Tuy vậy, ông Tú vẫn cho rằng chuyển đổi số là nhiệm vụ phải thực thi trong giai đoạn 4.0. Bên cạnh đó, cơ hội phát triển trong giai đoạn bùng nổ của thế hệ Gen Z cũng được nhắc tới, đây sẽ là bàn đạp để Golden Gate cũng như các chuỗi nhà hàng trong ngành F&B khác vực dậy trước khó khăn.

Loạt hệ thống nhà hàng, đồ uống thu hẹp quy mô hoạt động sau dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nhà hàng King BBQ. (Ảnh: King BBQ).

Đối thủ lớn của Golden Gate là CTCP Đầu tư thương mại quản trị Mặt trời đỏ (Redsun) cũng gặp tình cảnh phải đóng hàng loạt cửa hàng. Đơn cửa vào ngày 12/3 vừa qua, King BBQ, một thương hiệu ẩm thực nướng Hàn Quốc trực thuộc Redsun ITI Cor. mới thông báo ngừng hoạt động tại cơ sở Tòa nhà IPH, quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Trước đó, hai địa chỉ King BBQ Buffet tại tòa nhà Sun Ancora Lương Yên, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) và Sun Plaza Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng đã chính thức ngừng hoạt động kinh doanh từ 2/4/2020. Hiện tại, King BBQ còn lại 16 cơ sở kinh doanh tại Hà Nội và 28 cơ sở tại TP HCM.

Chuỗi nhà hàng ẩm thực Thái Lan Thai Express của Redsun đã đóng cửa tại địa chỉ Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào tháng 8 năm ngoái, hiện chỉ còn 10 cơ sở tại hà Nội và ba cơ sở tại khu vực miền Nam.

Tháng 11/2020, chuỗi ẩm thực Hàn Quốc BukBuk cũng thông báo đóng cửa cơ sở tại Bùi Thị Xuân. Loạt chuỗi nhà hàng ẩm thực mang hương vị quốc tế như Capricciosa, Seoul Garden, Khao Lao... của Redsun cũng phải tạm ngưng hoạt động do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Là đơn vị chủ quản của hàng loạt chuỗi nhà hàng ẩm thực quốc tế như King BBQ Buffet, Thai Express, Khao Lao, Seoul Garden, Capricciosa, Tasaki BBQ, Meiwei... CTCP Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun-ITI Corporation) thành lập từ tháng 2/2008, sau hơn 11 năm phát triển, đã có hơn 200 nhà hàng trên toàn quốc và cả nước ngoài.

Theo bố cáo đăng ký thay đổi vào tháng 2/2020, CTCP Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ nâng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng. Hiện tại, thống kê cho thấy hệ thống Redsun còn 180 trên toàn quốc, chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.

Loạt hệ thống nhà hàng, đồ uống thu hẹp quy mô hoạt động sau dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Một nhà hàng Tokyo Deli. (Ảnh: cuoituancuatui.com).

Ngoài các cửa hàng thuộc chuỗi nhà hàng lớn phải đóng cửa, một thương hiệu khác của Nhật Bản là Tokyo Deli cũng phải đóng cơ sở tại Tokyo Deli Ngụy Như Kon Tum từ ngày 2/2 sau khi hoạt động được 2 năm. Trước đó vào tháng 6/2020, chuỗi này cũng đã đóng cơ sở D2 Giảng Võ hoạt động từ năm 2015.

Theo thông tin giới thiệu về mình, nhà hàng Tokyo Deli đầu tiên được mở tại Phú Mỹ Hưng, quận 7 (TP HCM) vào năm 2007. Sau 10 năm, hệ thống nhà hàng có tổng cộng 20 chi nhánh, gồm 15 chi nhánh tại TP HCM và 5 chi nhánh tại Hà Nội. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, Tokyo Deli chỉ còn lại ba cửa hàng tại Hà Nội và 12 cửa hàng tại TP HCM.

Một thương hiệu của Việt Nam là Soya Garden cũng gặp tình cảnh tương tự. Khai trương cửa hàng đầu tiên tại Ô Chợ Dừa vào năm 2016, chỉ sau một năm hệ thống này phát triển thêm và có 11 chi nhánh rải rác ở khu vực các tỉnh phía Bắc.

Cuối năm 2017, Soya Garden nhận cam kết đầu tư 15 tỷ đồng từ ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Egroup, thông qua chương trình truyền hình thực tế Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ.

Tới năm 2019, Soya Garden đã có 50 cửa hàng trên toàn quốc, có mặt tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng. Tuy vậy, trải qua ba đợt bùng phát dịch COVID-19, chỉ sau một năm, Soya Garden liên tiếp đóng hàng loạt cửa hàng.

Hiện tại, hệ thống này chỉ còn lại 9 địa điểm tại Hà Nội và một điểm tại TP HCM, tức giảm 40 cửa hàng so với lần ghi nhận năm 2019.

Tường Vy