|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ cửa hàng nhượng quyền Mixue: Quyết định giảm 25% giá khiến càng bán càng lỗ

14:58 | 30/09/2023
Chia sẻ
Chủ cửa hàng Mixue Hàng Bún (Hà Nội) bày tỏ bức xúc khi giá bán của Mixue kéo về ngang bằng với các điểm bán vỉa hè, trong khi chi phí đầu tư ban đầu và vận hành cửa hàng là rất lớn. Điều này khiến mục tiêu hòa vốn của bên mua nhượng quyền càng khó đạt được.

Gần đây, chủ nhiều quán nhượng quyền của thương hiệu Mixue đã không đồng tính với quyết định giảm 25% giá bán sản phẩm kèm với giảm 8% giá nhập nguyên liệu trên toàn hệ thống của quản lý thương hiệu này tại Việt Nam.

Nguyên nhân là chi phí đầu tư ban đầu lên tới 1 tỷ đồng trong khi mức giá sau khi giảm có thể về ngang với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm bán lưu động ở vỉa hè.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trung - chủ 3 cửa hàng Mixue tại khu vực Hà Nội, bày tỏ bức xúc với quyết định mới từ Mixue Việt Nam. "Quyết định này của Mixue khiến chúng tôi bán càng nhiều thì càng lỗ, khả năng hoàn vốn bằng 0 và chúng tôi gần như là đi làm không công cho Mixue", chủ cửa hàng tại Hàng Bún chia sẻ. 

 Giá đồ uống trên menu của Mixue ở thời điểm trước khi có quyết định giảm giá. (Ảnh: Thùy Trang).

Theo ông Trung, chi phí đầu tư cho một cửa hàng Mixue cách đây 6 tháng là 1 tỷ đồng và hiện tại lên tới 1,2 tỷ đồng. Xét theo doanh thu, ông Trung cho biết mỗi cửa hàng phải đạt 3,5 - 4 triệu đồng/ngày thì mới có thể hòa vốn sau 6 tháng. Song tại địa bàn Hà Nội ở thời điểm hiện tại, doanh thu trung bình của các cửa hàng chỉ đạt 1,8 - 2,8 triệu đồng/ngày.

"Như vậy là lỗ. Trong khi tiêu chuẩn Mixue đưa ra cao hơn so với giá, từ số lượng đèn trong cửa hàng đến thiết bị như TV hay điều hòa phải bật cả ngày...", ông Trung nói. Chủ cửa hàng Mixue ở Hàng Bún tiết lộ chưa có cửa hàng nào của mình có lãi. 

Việc các chủ cửa hàng tập trung tại trụ sở của Mixue Việt Nam để phản đối quyết định mới được xem là giọt nước tràn ly. Trước đó, hai bên đã có một buổi làm việc để tìm ra tiếng nói chung. Theo ông Trung, đại diện Mixue Việt Nam không đưa ra văn bản lý giải vì sao đưa ra quyết định giảm giá, thay vào đó là áp đặt thông báo khiến các bên mua nhượng quyền cảm thấy thiếu tôn trọng, cho rằng Mixue Việt Nam chèn ép.

"Ví dụ về mô hình cửa hàng hoàn vốn trong 6 tháng của Mixue Việt Nam là không đúng với hiện tại. Với những cửa hàng Mixue mở ra ở thời kỳ đầu, doanh thu cao thì mục tiêu đó hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, với quy mô gần 800 cửa hàng ở Hà Nội như hiện tại thì không bao giờ có thể đạt được mục tiêu đó", ông Trung chia sẻ.

Nhận định về sự việc này, ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập Pizza Home, một người am hiểu trong lĩnh vực F&B, cho rằng quyết định giảm giá bán lên tới 25% nhưng chi phí nguyên liệu chỉ giảm khoảng 10% của Mixue có tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của những đối tác mua nhượng quyền, khiến lợi nhuận của cửa hàng bị bào mòn.

Theo ông Tùng, việc điều chỉnh giá này sẽ theo sự quyết định của công ty bán nhượng quyền nhưng cũng sẽ phải có những biện pháp đi kèm để đảm bảo quyền lợi của bên mua nhượng quyền được cân bằng...

Nhiều chủ cửa hàng nhượng quyền Mixue tại Việt Nam đã tập trung trước trụ sở của đơn vị quản lý thương hiệu để phản đối quyết định mới. (Ảnh: NVCC).

"Về mặt đúng sai thì phải xem thử trong hợp đồng nhượng quyền của Mixue với bên mua mới biết chính xác được", ông Hoàng Tùng nói.

Đánh giá về xu hướng nhượng quyền Mixue đang thoái trào sau thời điểm bùng nổ mạnh mẽ, ông Tùng cho rằng: "Hệ thống của Mixue tăng trưởng bùng nổ trong thời gian qua và vượt mức 1.000 điểm bán tại Việt Nam. Có thể nói đây là mức tăng trưởng phi mã. Dĩ nhiên, tất cả những mô hình nào khi tăng trưởng quá nóng đều có thể dẫn đến những hệ quả nhất định, nặng nhất có thể sẽ là đổ vỡ hệ thống."

Tuy vậy, ông Tùng nêu quan điểm rằng nhu cầu của khách hàng với sản phẩm của Mixue vẫn đang khá tốt và thương hiệu này cũng đang quản lý tốt hệ thống trên toàn châu Á. "Phát triển nóng đi kèm với nhiều vấn đề phát sinh và sự kiện người mua nhượng quyền biểu tình là ví dụ. Dẫu sao, tôi cũng tin rằng Mixue sẽ có hướng giải quyết", ông Tùng cho biết.

Nhà sáng lập Pizza Home cũng đưa ra cảnh báo rằng mô hình Mixue đang trở nên ngày càng cạnh tranh và rủi ro ngày càng cao đối với nhà đầu tư phát triển nhượng quyền.

Thành Vũ

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.