|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi cà phê check in nổi tiếng Sài Gòn bất ngờ đóng cửa: Lý do đằng sau là gì?

11:50 | 11/12/2024
Chia sẻ
Từ trường hợp của Tiệm Trà Tháng Tư, có thể thấy sự phát triển và thách thức của mô hình cà phê concept tại Việt Nam.

Theo thông báo mới đây, ngày 25/12 sẽ là ngày hoạt động cuối cùng của Tiệm Trà Tháng Tư, một trong những quán cà phê nổi tiếng với các concept độc lạ tại TP HCM. Thông báo này được đăng tải trên trang fanpage chính thức của quán, khép lại hành trình 5 năm mang đến không gian sáng tạo và phong cách sống ảo cho giới trẻ.

 Concept trang trí mô phỏng làng hương Thuỷ Xuân (Huế) của Tiệm Trà Tháng Tư. (Ảnh: Tiệm Trà Tháng Tư).

Tiệm Trà Tháng Tư từng là điểm đến yêu thích của giới trẻ Sài Gòn nhờ không gian đẹp mắt và các concept được đầu tư chỉn chu như Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán hay mùa thu lãng mạn. Với 5 chi nhánh tại TP HCM, quán từng là cái tên dẫn đầu trong xu hướng cà phê sống ảo. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của mô hình này cũng kéo theo nhiều thách thức.

Theo các chuyên gia F&B, việc duy trì một quán cà phê concept đòi hỏi mức chi phí cao cho việc trang trí, đổi mới không gian liên tục để giữ chân khách hàng. Mặc dù hút khách trong thời gian ngắn, những quán cà phê kiểu này thường đối mặt với áp lực tài chính và thiếu tính bền vững khi lượng khách quay lại không cao.

Trước Tiệm Trà Tháng Tư, nhiều quán cà phê concept khác cũng gặp khó khăn. Điển hình là Tứ Phủ Coffee, một quán cà phê độc đáo tại TP HCM, đã đóng cửa chỉ sau một năm hoạt động. Ra mắt vào tháng 7/2022, Tứ Phủ Coffee gây chú ý khi lấy cảm hứng từ tín ngưỡng thờ Mẫu và hầu đồng, với không gian trang trí tinh xảo cùng phong cách ma mị.

Dù từng thu hút lượng lớn khách hàng nhờ concept mới lạ, Tứ Phủ lại không thể duy trì sức hút lâu dài. Sau vài tháng, quán buộc phải kết hợp thêm mô hình nhà hàng chay và bán các sản phẩm phong thủy để cắt lỗ. Bà Hoàng Phú, nhà sáng lập quán, từng chia sẻ rằng việc đầu tư 15 tỷ đồng vào không gian đã tạo áp lực tài chính lớn, dẫn đến quyết định đóng cửa vào giữa năm 2023.

Không chỉ gặp vấn đề về chi phí, các quán cà phê concept như Tiệm Trà Tháng Tư và Tứ Phủ Coffee còn phải đối mặt với sự phản ứng từ một bộ phận khách hàng. Một số người cho rằng không gian quá ồn ào, thiếu sự yên tĩnh để trò chuyện hoặc làm việc, trong khi một số khác cảm thấy trải nghiệm uống cà phê bị lấn át bởi mục tiêu sống ảo. Những nhận định này cho thấy một phần hạn chế của mô hình, khi không đáp ứng đồng thời cả yếu tố thẩm mỹ và sự tiện nghi.

Việc Tiệm Trà Tháng Tư thông báo đóng cửa cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của những quán cà phê concept tại Việt Nam. Mô hình này, dù mang đến sự độc đáo và thu hút trong ngắn hạn, lại khó duy trì lợi thế cạnh tranh trước sự thay đổi nhanh chóng của thị hiếu khách hàng. Những hạn chế như chi phí đầu tư cao, không gian thiếu đa dụng và sự phụ thuộc vào lượng khách đến chụp ảnh đã trở thành rào cản lớn, khiến các quán cà phê theo đuổi mô hình này khó bám trụ lâu dài.

Nửa đầu năm 2024, ít nhất 30.000 cửa hàng ăn uống tại Việt Nam đã đóng cửa, theo báo cáo của iPOS. Điều này cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường F&B trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn. Tổng giá trị doanh thu ngành F&B đạt 403.900 tỷ đồng, tương đương 68,5% doanh thu của cả năm 2023. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không đồng đều, và nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển kinh doanh.

Theo báo cáo, 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô hiện tại, trong khi đó chỉ hơn một phần ba dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới. Các doanh nghiệp đã có sự thận trọng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Mặc dù vậy, ngành F&B vẫn có sức hút lớn đối với người tiêu dùng. Tần suất ăn bên ngoài ở mức cao (3-4 lần mỗi tuần và hàng ngày) gần như không thay đổi. Thậm chí, 88% người được khảo sát cho biết họ chọn đi ăn nhà hàng cùng gia đình và bạn bè dịp sinh nhật thay vì tổ chức tại nhà như trước đây.
 
Tuy nhiên, sự thay đổi nhu cầu thị trường cũng đang ảnh hưởng đến ngành F&B. Nhu cầu đi cà phê đang giảm do áp lực công việc tăng cao. Theo khảo sát, có 41,7% người được hỏi chỉ thỉnh thoảng đi quán nước và 32,3% đi với tần suất 1-2 lần mỗi tuần. Điều này cho thấy sự cần thiết của các doanh nghiệp trong việc thích nghi với sự thay đổi nhu cầu thị trường và tìm cách để duy trì và phát triển kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

 

Thành Vũ