|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Squid Game trở thành cảm hứng cho loạt mô hình kinh doanh mới từ bánh kẹo, chuỗi cà phê tới cửa hàng quần áo

08:55 | 20/10/2021
Chia sẻ
Rất nhiều nhà hàng Trung Quốc đã bắt kịp xu hướng, tạo ra những sản phẩm ăn theo loạt phim này

Kể từ khi ra mắt, series phim "Squid Game" (tạm dịch: Trò chơi con mực) được phát trên nền tảng Netflix đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, trở thành loạt phim thành công nhất của nền tảng này. Tính đến tháng 10, "Squid Game" đã thu hút 111 triệu lượt xem trên toàn thế giới.

Đồng thời. Netflix cũng cho biết đây là series phim đầu tiên đạt mốc 100 triệu người xem trong tháng đầu tiên ra mắt. "Squid Game" đã dễ dàng phá vỡ kỷ lục trước đó mà loạt phim "Bridgerton" thiest lập, đạt mốc 82 triệu lượt xem sau 28 ngày ra mắt.

Dù thành công là vậy, nhưng series này lại đối mặt với khả năng không được công chiếu chính thức tại thị trường Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới. Theo South China Morning Post, một CEO của nền tảng phát video trực tuyến iQiyi Trung Quốc, đơn vị do gã khổng lồ Baidu nắm phần lớn cổ phần, cho biết sẽ không có phiên bản "Squid Game" tại Trung Quốc do series này quá "đen tối" và hệ tư tưởng của bộ phim không phù hợp với giá trị đạo đức đất nước.

"Ở giai đoạn này, loại chủ đề phản ánh mặt tối của bản chất con người chắc chắn sẽ không được sản xuất ở Trung Quốc", Wang Xiaohui, giám đốc nội dung của iQiyi, nói trên kênh truyền thông địa phương TMTPost. "Về sản xuất nội dung, chúng tôi phải tuân theo hệ tư tưởng và xu hướng xã hội, bao gồm cả sự nhiệt tình và đoàn kết của người dân Trung Quốc".

Bên cạnh đó, ông chia sẻ series phim do Netflix sản xuất phản ánh mặt xấu của bản chất con người và vẫn có một số tiết lộ tốt vào cuối mùa. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn ưu tiên nội dung quảng bá "chân, thiện, mỹ". Dù vậy, sức hút mà "Squid Game" tạo ra vẫn đặc biệt thu hút sự quan tâm. Rất nhiều nhà hàng Trung Quốc đã bắt kịp xu hướng, tạo ra những sản phẩm ăn theo loạt phim này.

Trong bộ phim, hình ảnh về những chiếc bánh quy có các họa tiết ở giữa đã trở thành một phần không thể thiếu, in sâu vào tâm trí người xem. Ngoài đời thực, một số chủ cửa hàng tại Trung Quốc cũng quyết định bán các loại bánh quy tương tự.

Lynn, một chủ cửa hàng bánh tại Bắc Kinh chia sẻ từng nhìn thấy loại bánh này tại Hàn Quốc từ những năm 2008, nhưng sau khi về nước cô đã quên mất. Dù vậy, với sức hút từ "Squid Game", cô đã nhớ lại và quyết định thử vận may với việc bán các loại bánh quy này. Mặc dù có công thức khá đơn giản là trộn từ đường và bột nở, nhưng muốn chất lượng bánh tốt nhất cần phải căn chỉnh thời gian cũng như nhiệt độ thật chính xác.

Squid Game: Bị cấm chiếu nhưng vẫn tạo thành chủ đề cho hàng loạt mô hình kinh doanh, từ bánh kẹo, cà phê tới quần áo, sự kiện giải trí - Ảnh 1.

Những chiếc bánh quy được bán rất chạy sau khi "Squid Game" được công chiếu. (Ảnh: SCMP).

Trong khoảng thời gian đầu, cô chỉ có thể làm khoảng 10 chiếc bánh/ngày, biến căn bếp thành một mớ hỗn độn. Dần dần, cô đã quen và có thể sản xuất nhiều hơn. Khách hàng khi tới tiệm bánh cũng có thể tham gia trò chơi tương tự như trên phim – lấy họa tiết ở giữa mà không làm vỡ bánh. Người thắng cuộc có thể chọn thêm một chiếc bánh khác. Chính điều này đã thu hút số lượng lớn khách hàng tới tham gia, giúp tiệm bánh của Lynn bội thu.

Không những vậy, những bộ trang phục đặc trưng trong bộ phim còn tạo cảm hứng thiết kế cho những trang phục trong mùa lễ hội Halloween sắp tới. Hashtag liên quan đến trang phục Halloween lấy cảm hứng từ "Squid Game" đạt gần một triệu lượt xem trên TikTok, nền tảng thuộc tập đoàn ByteDance, Trung Quốc. Trên Amazon cũng ngập tràn các bộ đồ thể thao của những thí sinh tham gia trò chơi, được bán với giá từ 20 đến 30 USD.

Không chỉ tại Trung Quốc, cơn sốt "Squid Game" cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia khác. Tại Indonesia, một quán cà phê cũng tạo dựng các thử thách lấy cảm hứng từ "Squid Game" kết hợp chủ đề Halloween, thu hút rất nhiều người tới tham gia.

Squid Game: Bị cấm chiếu nhưng vẫn tạo thành chủ đề cho hàng loạt mô hình kinh doanh, từ bánh kẹo, cà phê tới quần áo, sự kiện giải trí - Ảnh 2.

Quán cà phê tại Indonesia. (Ảnh: SCMP).

Trong khi đó, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng "Squid Game" toàn cầu. Rất nhiều sản phẩm như quần áo, ốp điện thoại, túi xách,… được thiết kế lấy cảm hứng từ loạt phim này được bán với giá dao động từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng.

Đặc biệt, một sự kiện mang tên "Squid game Hạ Long" vừa qua đã được tổ chức tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút sự tham gia của hàng trăm người. Sự kiện này được tổ chức mô phỏng lại những cuộc thi trong loạt phim.

Quốc Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.