|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hiệu ứng truyền thông lôi cuốn hàng triệu người trên toàn cầu xem Squid Game

08:03 | 16/10/2021
Chia sẻ
Mỗi trò chơi trong Squid Game đều giống với các thử thách được “viral” - được đề cập và nói đến bởi hàng nghìn người dùng TikTok và Instagram.

Squid Game (tạm dịch: Trò chơi con mực) của Netflix là một bộ phim thuộc thể loại sinh tồn và kinh dị, kể về một nhóm người tuyệt vọng chống lại nhau trong một series các trò chơi trẻ em, chẳng hạn như bắn bi.

Hàng trăm người chơi đều bị lôi cuốn bởi phần thưởng khổng lồ 45,6 tỷ won, xấp xỉ 850 tỷ đồng, nên bất chấp tất cả để tham gia, thậm chí còn quay lại lần hai sau khi đã “xin dừng cuộc chơi".

Các trò chơi trong Squid Game dường như là lựa chọn cuối cùng bất đắc dĩ cho nhân vật chính Gi-hun và 455 người chơi khác, khi họ nhận ra nếu không chết ở đây thì cũng sẽ khó lòng sống nổi khi quay về xã hội ngoài kia. Vậy, tại sao không thử chứ? Ở đây không chỉ đơn thuần là một trò chơi, mà nó còn được gói gọn xung quanh một thông điệp xã hội. Đó là, chênh lệch giàu nghèo giữa con người rất lớn và rõ ràng.

*Dưới đây là các hiệu ứng truyền thông đã giúp Squid Game lôi kéo hàng triệu người tìm xem. Bài viết lược dịch theo phân tích của TS tâm lý học Pamela B. Rutledge.

Tâm lý của phim kinh dị

Phim kinh dị có thể giúp chúng ta giải quyết nỗi lo lắng và sợ hãi trong đời thực như chúng ta đã trải nghiệm với đại dịch COVID-19. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ưa thích dòng phim kinh dị ít gặp phải tình trạng đau khổ tâm lý do đại dịch hơn những người khác vì các tác phẩm viễn tưởng giúp chúng ta có sự chuẩn bị tinh thần và trải nghiệm những thứ “rùng rợn” ở một khoảng cách an toàn về tâm lý.

Tại sao hàng tỷ người xem trên toàn cầu lại say mê với Trò chơi Con mực? - Ảnh 1.

Lính gác canh giữ khu vực nghỉ ngơi của người chơi trong phim. (Ảnh: CNN).

Đồng thời, các thể loại viễn tưởng có thể cung cấp tất cả các loại trải nghiệm giúp người xem học hỏi, nhưng kinh dị là thể loại viễn tưởng duy nhất được tạo ra đặc biệt để khơi gợi nỗi sợ hãi một cách nhất quán và có chủ ý trong suốt câu chuyện.

Phim kinh dị có thể kích hoạt tất cả các loại phản ứng sinh lý, từ run rẩy, la hét cho đến dựng tóc gáy. Đồng thời, về mặt tâm lý, chúng mang lại nhiều loại cảm xúc, chẳng hạn như phấn khích, mong đợi, lo lắng, sợ hãi, đồng cảm và ghê tởm. 

Để rồi cái kết bộ phim mang lại phần thưởng cảm xúc cho người xem, cụ thể là khiến họ “thở phào nhẹ nhõm” khi biết giải pháp cho câu chuyện trong phim cũng như không còn phải tiếp tục “chịu đựng” các tình huống giật gân và máu me khiến họ căng thẳng. “Chiếc tàu lượn cảm xúc” này chính là cơ sở khiến dòng phim này ăn khách.

Squid Games chắc chắn tạo ra một cuộc hành trình đầy cảm xúc. Nó cũng tận dụng sự tương phản về nhận thức khi sử dụng trò chơi của trẻ em để tạo ra những mảng màu bí ẩn bên trong bức tranh lớn của toàn bộ phim.

Sự ngây thơ và dễ bị tổn thương mang tính biểu tượng của “thời con nít” được sử dụng để gây ra bạo lực - những trò chơi đơn giản nhưng ai chơi thua bị bắn chết ngay lập tức làm khuếch đại nỗi kinh hoàng và cảm giác bất lực trong khi vẫn giữ cho sự tò mò của người xem lên đến đỉnh điểm.

“Viral” nhờ mạng xã hội

Squid Games đã thêm phần thu hút vì cách nó gây được tiếng vang trên mạng xã hội. Mỗi trò chơi của bộ phim đều giống với các thử thách được “viral” - được đề cập và nói đến bởi hàng nghìn người dùng TikTok và Instagram, góp phần “meme hóa” bộ phim xuyên suốt qua các mạng xã hội.

Meme của Squid Games rất phong phú đến nỗi nhiều trang web đã xếp hạng chúng vào các mục yêu thích của họ, và nhà thiết kế trò chơi Ubisoft đã ngay lập tức nhảy vào công cuộc chế “meme” khó cưỡng này.

Hàng loạt các agency quảng cáo sáng tạo đang “vật vã” tìm hiểu xem thương hiệu và chiến dịch của họ có thể tận dụng lợi thế “trending” của bộ phim hay không - “đu trend’ không khéo hoàn toàn có thể phản tác dụng - hãy thử hỏi Burger King khi trót dại "nằm giữa" kênh đào Suez.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn của bộ phim trên mạng xã hội có nghĩa là nhiều người sẽ xem tất cả hoặc một số nội dung liên quan đến bộ phim để thỏa mãn sự tò mò và tránh FOMO (Fear Of Missing Out - Nỗi sợ bỏ lỡ một thứ gì đó). Mọi người đa phần ai cũng muốn biết xu hướng thịnh hành của xã hội là thứ gì, bằng không sẽ hơi có cảm giác “lạc quẻ”.

Trẻ em có nên xem bộ phim này không?

Đám trẻ nhà bạn có nên xem bộ phim đầy máu me này? Giá trị xã hội của việc biết về một thứ gì đó đang thịnh hành như thế này, giống như các bộ phim nổi tiếng khác như Cây táo nở hoa, nghĩa là bọn trẻ có thôi thúc cần được xem để tránh FOMO, cho “bằng bạn bằng bè”.

Các bậc phụ huynh nên nhận ra những động lực này là những động lực xã hội có ý nghĩa và quan trọng với con mình, đặc biệt là sau một năm cô lập với xã hội. Cấm xem phim sẽ chỉ làm tăng sức hấp dẫn của nó. Việc cấm cũng khó mà hiệu quả - bọn nhóc có thể “xem ké” một cách lén lút ở đâu đó, chẳng hạn vậy.

Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên xem phim cùng con họ, cho dù đó có phải là thứ chúng muốn xem hay không. Sự hiện diện của cha mẹ có thể cung cấp một “chỗ dựa” về cảm xúc và nếu cần, điều chỉnh cảm xúc của bọn trẻ trước các tình tiết mạnh bạo của bộ phim.

Tại sao hàng tỷ người xem trên toàn cầu lại say mê với Trò chơi Con mực? - Ảnh 2.

Người chơi đang chật vật trong màn "tách kẹo" trong phim - màn chơi đã được "chế" thành nhiều meme trên mạng xã hội. (Ảnh: Business Insider).

Sự sống còn và sự cứu rỗi

Ta cùng "lướt qua" một chút về Tâm lý học. Freud cho rằng kinh dị hấp dẫn vì nó cho phép thể hiện cảm xúc bị bản ngã kìm nén. Tương tự như vậy, các nghiên cứu của Jung đã chỉ ra rằng sức hấp dẫn của kinh dị nằm ở khả năng kết nối với những hình ảnh nguyên thủy trong vô thức. Lý thuyết quản lý mối đe dọa thì nói rằng những loại phim này có chức năng giúp mọi người vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách khiến ta cảm thấy rằng việc đánh bại nỗi sợ là khả thi.

Tôi đã xem Contagion (Tạm dịch: Sự truyền nhiễm - 2011) khi COVID-19 mới bùng phát và bây giờ thì hy vọng là có thể kết thúc đại dịch với Squid Games này. Nó ghi lại những cảm xúc của sự bất lực và ngờ vực trong một thế giới đang vật lộn để tồn tại. Rằng bất cứ ai vẫn đứng vững đến phút chót, thì họ thực sự vững dạ và khiến ta an tâm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đạt Thái

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.