Bài học marketing lớn từ Squid Game: Truyền miệng thành công hơn đổ tiền vào quảng cáo
Sau vài tuần lên sóng Netflix, loạt phim Squid Game (tựa đề tiếng Việt: Trò chơi con mực) đã mang lại hiệu ứng lan truyền trong cộng đồng.
Nói về bối cảnh ra đời, Squid Game phát sóng khi số lượng người dùng mạng xã hội đang hoạt động ở mức cao nhất lịch sử, các nội dung đem đến cho khán giả trở nên độc lập hơn. Điều này tạo cơ hội cho các thương hiệu vừa và nhỏ dễ dàng tỏa sáng.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các dịch vụ phát trực tuyến khiến người dùng có thể xem nội dung dễ dàng mà không cần tới kênh truyền hình với lịch xem cố định như "Game of Thrones" (tựa đề tiếng Việt: "Trò chơi vương quyền").
Mặt khác, Squid Game hầu như không được truyền thông hay marketing ở Mỹ trước khi ra mắt công chúng như các chương trình Netflix lớn khác; trước đó, kịch bản bộ phim được viết từ khoảng 2009 nhưng không ai muốn tạo ra một câu chuyện phi thực tế và bạo lực.
Nhưng, bộ phim vẫn trở thành chủ đề của năm 2021 và nổi tiếng nhờ sự kết hợp giữa may mắn và thời điểm ra mắt hoàn hảo.
Trước thành công của Squid Game, ông Pierre Subeh, một doanh nhân, tác giả kiêm nhà xuất bản, đã đúc kết 3 bài học quan trọng về marketing trong bộ phim.
Truyền miệng thành công hơn đổ đống tiền vào quảng cáo
Truyền miệng được coi là một kỹ thuật cổ điển mọi thời đại và có thể tìm thấy ở bất kỳ cuốn sách marketing 100 tuổi nào. Kỹ thuật này hoạt động như một yếu tố tối thiểu trong bất kỳ chiến lược marketing, nhưng đối với Squid Game, đây là yếu tố hàng đầu trong hoạt động quảng cáo.
Thực tế, thật không may là các công ty tiếp thị không thể mua hoặc đảm bảo thông tin truyền miệng, vì vậy họ thường được thực hiện một cách tự nhiên. Nhưng, bằng phương tiện truyền thông xã hội, các công ty có thể tiếp cận với các thương hiệu, doanh nghiệp nhằm kích hoạt làn sóng xu hướng thông qua phương thức truyền miệng.
Ông Subeh lấy ví dụ: "Tôi nghe kể về Squid Game từ những người bạn của tôi, họ không thể ngừng nói về nó, nhưng điều đó vẫn chưa thuyết phục tôi xem bộ phim. Khi mở điện thoại ra và thấy vô số meme tràn ngập thông tin về bộ phim trên Twitter, Facebook, Instagram và cả TikTok, tôi đã dừng lại một giây và phải thử xem chương trình.
Một chương trình truyền hình đi kèm với các xu hướng và meme dẫn đến một điều chắc chắn rằng nó gần như buộc bạn muốn xem để dễ dàng kết nối với cộng đồng và hiểu được những chuyện cười họ đang kể".
Ông Subah cho biết Netflix thậm chí đã đầu tư vào một số hoạt động marketing cho loạt phim này nhưng không thực sự thu hút nhiều sự chú ý. Subah kết luận rằng không có chiến dịch quảng cáo trả phí nào, ở bất kỳ quy mô nào, có thể đạt được thành công mà Squid Game đạt được chỉ bằng cách truyền miệng và tâm lý ủng hộ bộ phim.
Khi thương hiệu có xu hướng TikTok lan truyền, chắc chắn sẽ thành công
Theo nhận định của ông Subah, TikTok không chỉ định hình lại cách thương hiệu tiếp cận khán giả của mình mà còn đặt ra một tiêu chuẩn mới về việc các công ty nên làm sao để tiếp cận người dùng.
Ngày nay, người ta có thể chấp nhận một thương hiệu lớn bình luận về bài đăng mà không cần tỏ ra chuyên nghiệp. Thực tế, các thương hiệu tiếp cận người dùng một cách thân mật trên nền tảng sẽ nhận được nhiều lời khen ngợi và sự chú ý hơn. Việc này dẫn đến số lần hiển thị miễn phí cao hơn.
Đơn cử như ứng dụng hẹn hò Tinder nhận được rất nhiều lần hiển thị chỉ bằng việc bình luận nội dung hài hước liên quan đến các mối quan hệ. Giờ đây, các thương hiệu chuyên nghiệp muốn họ trở nên có sự kết nối sâu sắc hơn thay vì duy trì một ngữ điệu nghiêm túc nào đó.
Đối với Squid Game, bộ phim đã thu hút một lượng lớn sức hấp dẫn trên nền tảng xã hội và gần như hình thành một nhóm người xem ủng hộ và chia sẻ những câu chuyện cười bên lề.
Lợi thế cho Squid Game là cách duy nhất để hiểu những câu chuyện cười đang lan truyền trên mạng xã hội là xem bộ phim này. Điều đó tốt cho chiến lược marketing, làm cho chúng trở nên độc đáo và cụ thể để biến khán giả trở thành những người ủng hộ cho câu chuyện.
Không thể biết người dùng thực sự muốn gì đến khi họ cho chúng ta thấy
Squid Game được lan truyền rộng rãi chỉ khi người dùng thực sự xem bộ phim này. Ngoài ra, đây là thời điểm hoàn hảo để phát hành một chương trình như vậy vì khán giả đã chán những chương trình kiểu "copy-paste" xuất hiện tràn lan trên các nền tảng phát trực tuyến.
Bài học thứ ba và quan trọng nhất mà chương trình này đem lại đó là chúng ta thực sự không thể đoán trước được người dùng muốn thứ gì tiếp theo cho đến khi họ cho chúng ta thấy. Nghe có vẻ triết lý nhưng thực tế là đôi khi chúng ta không thực sự biết mình muốn gì cho đến khi được cung cấp thứ mà sau đó chúng ta mới nhận ra đây là điều mình muốn.
Ông Subeh giải thích rõ hơn thông qua một ví dụ: "Khi đến bất kỳ cửa hàng McDonald's nào, bạn sẽ được chào đón bằng những bức ảnh lớn gây sự chú ý về các món ăn - thứ mà bạn không thực sự biết là bạn muốn hoặc thèm khi vào cửa hàng".
Điều này chứng tỏ rằng không phải lúc nào chúng ta cũng tuân theo quy chuẩn thông thường mà phải phụ thuộc vào dữ liệu lịch sử để biết điều gì tiếp theo. Ông Subah gợi ý rằng các doanh nghiệp đổi mới phải luôn cân nhắc việc chấp nhận rủi ro có tính toán với các chiến lược marketing của mình.
Cuối cùng, ông Subeh đúc kết lại rằng Squid Game đã xác định lại ranh giới của một chương trình truyền hình, cách mạng hóa cách khán giả xem và tương tác với nội dung.
"Nội dung thông thường có thể thu hút sự chú ý tầm thường của doanh nghiệp bạn, nhưng một nội dung thực sự mạnh mẽ, hấp dẫn và mới mẻ có thể khiến bạn lan truyền, dẫn đến nhiều hoạt động marketing miễn phí", ông Subeh chia sẻ.