Netflix rót mạnh tiền vào nội dung Hàn Quốc vài năm trở lại đây, 'Squid Game' là một trong những trái ngọt bất ngờ
Ra mắt vào ngày 17/9, "Squid Game" nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên toàn cầu.
Bộ phim này xoay quanh câu chuyện những người gặp khó khăn về tài chính ở Hàn Quốc tham gia những trò chơi của trẻ em trên hoang đảo. Người thua cuộc sẽ bị giết chết, trong khi đó, những người thắng cuộc nhận được phần thưởng khoảng 40 triệu USD.
"Squid Game" đạt được vị trí số 1 ở hơn 90 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, một bất ngờ với cả các lãnh đạo cấp cao của Netflix.
Bộ phim đang trên đà vượt qua hai bộ phim giữ kỷ lục của Netflix là "Bridgerton" và "Lupin" ở hai tiêu chí tổng số giờ thời lượng xem phim và số lượng người dùng đăng ký đã xem phim trong ít nhất 2 phút. Thông tin này được xác nhận bởi bà Minyoung Kim, Giám đốc hoạt động sáng tạo của Netflix ở thị trường Châu Á Thái Bình Dương (không tính Ấn Độ), theo WSJ.
Thành công của "Squid Game" một lần nữa cho thấy sự hấp dẫn các các nội dung không sử dụng Tiếng Anh với khán giả trên toàn thế giới. Thực tế, Netflix cũng đang dành ngày càng nhiều sự quan tâm dành cho các nội dung của Hàn Quốc.
Gần 5% các nội dung độc quyền của Netflix trên toàn cầu được thực hiện bằng Tiếng Hàn trong năm 2019. Các quốc gia Châu Á khác như Ấn Độ hay Trung Quốc tụt lại phía sau với tỷ trọng lần lượt là 2,1% và 1,9%.
Bên cạnh Châu Á, Netflix cũng tăng sự quan tâm dành cho các thị trường nói Tiếng Tây Ban Nha. Hồi năm 2019, Tây Ban Nha, Mexico và Argentina chiếm hơn 8% tỷ trọng các nội dung được Netflix sản xuất độc quyền. Trong đó, sự quan tâm dành cho Tây Ban Nha không phải một bất ngờ khi Netflix chọn quốc gia này là nơi đầu tiên tại Châu Âu để mở trung tâm sản xuất vào năm 2019.
Ở chiều ngược lại, tỷ trọng nội dung ở các thị trường sản xuất quan trọng của Netflix liên tục giảm trong các năm trở lại đây. Ví dụ, Canada từng có khoảng 8% lượng nội dung của Netflix vào năm 2017 song hiện tại Canada tụt lại so với Hàn Quốc với tỷ trọng 4,3%.
Theo Netflix, công ty này đã đầu tư khoảng 700 triệu USD cho các nội dung Hàn Quốc từ năm 2015 đến năm 2020. Chỉ tính riêng trong năm nay, Netflix lên kế hoạch sẽ bỏ ra nửa tỷ USD đầu tư vào nội dung Tiếng Hàn.
Để tiện so sánh, trong năm 2019 và 2020, Netflix đầu tư 400 triệu USD vào các nội dung Ấn Độ. Tính trên phạm vi toàn cầu, Netflix dành ra 17 tỷ USD để đầu tư cho nội dung. Sự thành công của "Squid Game" đến trong bối cảnh Netflix đang phải gặp phải cạnh tranh chưa từng thấy từ các đối thủ.
Các bộ phim Hàn Quốc rất được yêu thích ở Châu Á và cũng có tập khán khả nhất định ở cả thị trường Châu Âu, Mỹ Latinh và Mỹ thông qua các dịch vụ streaming như Viki hay DramaFever Corp (hiện đã dừng hoạt động). Dù vậy, các công ty này đều không có ngân sách đủ lớn để đầu tư vào sản xuất như Netflix. Netflix bắt đầu đẩy mạnh vào thị trường Hàn Quốc từ năm 2016.
Đến nay, Netflix đã sản xuất khoảng 80 bộ phim Tiếng Hàn. "Ông lớn" streaming này cũng tiết lộ rằng số lượng người Mỹ xem các nội dung Hàn Quốc tăng gấp đôi trong vòng 2 năm qua.
Trước đây, các nội dung Hàn Quốc thường xoay quanh nội dung tình yêu. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nội dung Hàn Quốc bắt đầu được đa dạng hoá. Năm ngoái, "Sweet Home", series phim tận thế Hàn Quốc, cũng đứng thứ ba Netflix Mỹ.
Khoảng 95% người xem "Squid Game" đến từ bên ngoài Hàn Quốc. Bộ phim này cũng đã có thuyết minh ở 13 thứ tiếng và được phụ đề ở 31 ngôn ngữ.
Bà Kim của Netflix nói rằng "Squid Game", dù vẫn mang đậm phong cách Hàn Quốc, những có mức độ hấp dẫn toàn cầu vì đưa ra một câu hỏi mang tính đạo đức mà ai cũng có thể liên hệ: "Chúng ta là ai?"
"Chúng ta không phải những con ngựa, chúng ta là con người. Đó là câu hỏi mà bộ phim mang đến cho người xem", bà chia sẻ.
Brittany Chang, một sinh viên đại học 22 tuổi ở Singapore, cho biết cô chưa từng xem phim Hàn Quốc, song từ gợi ý của bạn bè và chính Netflix, cô đã xem trailer "Squid Game" và rất thắc mắc vì sao người chơi lại tấn công lần sau. "Squid Game" làm cô nhớ đến bộ phim "The Hunger Games" (Đấu trường sinh tử).
"Tôi xem liên tục hết cả bộ phim", cô chia sẻ.