|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xu hướng Omni Shopper trong bán lẻ tại Việt Nam: Thị trường lớn chưa được khai phá

14:47 | 19/10/2022
Chia sẻ
Tại sự kiện Vietnam Online Marketing Forum 2022, đại diện Nielsen IQ Việt Nam đã đưa ra những nhận định lạc quan về thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Mua sắm đa kênh

Tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Vietnam Online Marketing Forum 2022 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc mảng Ecommerce của NielsenIQ cho biết Omni Shopper (mua sắm đa kênh) đã trở thành xu hướng mới.

NielsenIQ chỉ ra rằng 8/10 người tiêu dùng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương tiếp tục lựa chọn xu hướng mua sắm đa kênh.

Ông Đức nhận định thị trường đang thay đổi và mua sắm đa kênh càng trở nên phổ biến với 57% người tiêu dùng Việt thường xuyên mua sắm đa kênh.

Trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng kết hợp mua sắm online lẫn offline sau đại dịch, các nhà sản xuất mặt hàng tiêu dùng đang tiếp nhận xu hướng mới, tiếp cận khách hàng ở nền tảng online nhiều hơn.

Trái ngược với cách tương tác truyền thống, nhiều thương hiệu đã triển khai áp dụng công nghệ nhằm mang tới những trải nghiệm tiện dụng hơn cho người dùng qua hình thức online, có thể kể đến mô hình Virtual Makeup Try On của Maybelline được áp dụng ở Trung Quốc hay cửa hàng trong vũ trụ ảo metaverse của 7-Eleven tại Hàn Quốc…

Bên cạnh đó, ông Đức cho biết các cửa hàng offline truyền thống đang cải thiện trải nghiệm khách hàng khi mua sắm, mang tới sự thuận tiện cho người dùng, ví dụ nâng cao chất lượng giao hàng, trong ngày hoặc thậm chí là trong một buổi sáng.

Nói về vấn đề này, ông  Nguyễn Tiến Huy, CEO DigiPencil có đưa ra một khái niệm mới có tên là “Shoppertainment”. Đây là một xu hướng đã quá phổ biến tại Hàn Quốc, Trung Quốc và có thể cắt nghĩa đơn giản là mua sắm online kết hợp giải trí, theo đó khách hàng không chỉ mua hàng theo cách đơn thuần mà còn có thể tham gia tương tác với người bán.

“Khi đi chợ, niềm vui của chúng ta có ba thứ là được nghe tám chuyện, trò chuyện cùng ai đó và được mặc cả. Niềm vui khi đi chợ đang mất dần trong thời kỳ thương mại điện tử phát triển, mang lại cho chúng ta quá nhiều tiện ích. Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch, mong muốn niềm vui khi đi chợ đang trở lại”, ông Nguyễn Tiến Huy nhận định.

CEO DigiPencil cho rằng muốn tận dụng xu hướng này để tạo ra lợi nhuận, nhà bán hàng phải xây dựng được cá tính, có chất riêng nhằm thu hút sự quan tâm của người dùng và giữ được họ ở trên kênh của mình. 

 Ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc thương mại điện tử NielsenIQ Việt Nam. (Ảnh: Doanh Chính).

Sẽ có những cái tên mới nhập cuộc

Dự báo giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt 39 tỷ USD, trong khi năm 2021 là 13 tỷ USD, COVID-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng nhưng mỗi năm chỉ tăng từ 5-6 tỷ USD.

Đại diện NielsenIQ tin rằng đầu tư dành cho phát triển hạ tầng thương mại điện tử tại thị trường trong nước sẽ tiếp tục tăng lên, ví dụ như logistic hỗ trợ giao hàng.

Các nhà sản xuất cũng sẽ đầu tư nhiều hơn vào mảng online để đón nhận xu hướng mới sau đại dịch trong bối cảnh thị trường cũng sẽ tiếp tục đón nhận những cái tên mới tham gia cuộc chơi ngoài những tên tuổi quen thuộc như Shopee, Lazada.

“COVID-19 chỉ là bước đầu giúp mọi người tiếp cận mua hàng online, chưa phải chuyển động hoàn toàn. Dù có thể mua sắm trên mạng phát triển mạnh trong thời kỳ này nhưng các cô các mẹ vẫn ra ngoài để mua thực phẩm để lấp đầy tủ lạnh của họ”, ông Đức nhận xét.

Theo đại diện NielsenIQ, thị trường thương mại điện tử Việt Nam chỉ mới tập trung vào một số ngành hàng như mỹ phẩm, thời trang…, trong khi thị trường hàng tiêu dùng rộng lớn lại chưa được khai phá.

 Tọa đàm về Sự chuyển dịch thói quen mua sắm online. (Ảnh: Doanh Chính).

Vượng Phát