|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Từ BTS tới Squid Game: Ngành giải trí đang mang về bao nhiêu tiền cho nền kinh tế Hàn Quốc?

07:47 | 19/10/2021
Chia sẻ
Từ cột mốc BTS "leo rank" trên bảng xếp hạng Billboard và xâm chiếm thị trường âm nhạc thế giới đến cơn sốt mà Squid Game tạo ra, có thể thấy ngành giải trí bây giờ không chỉ đứng bên lề mà còn đang bơm khá nhiều máu cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Từ lâu, Hàn Quốc đã được biết đến với năng lực sản xuất khổng lồ, là trung tâm của các ngành công nghiệp quan trọng như chế tạo chip và đóng tàu. Dù nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng đáng kể nhưng lĩnh vực giải trí lại thường được cho là đứng bên lề của nền kinh tế.

Giờ đây, khi các sản phẩm giải trí của làng Hàn Quốc, từ các bản hit của idolgroup BTS đến những tác phẩm điện ảnh và truyền hình như Parasite (Ký sinh trùng), Squid Game (Trò chơi con mực) khuấy động thị trường thế giới, ngành giải trí mới chứng tỏ mình đã có tiếng nói riêng trong nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Từ BTS, Squid Game mới nhận ra ngành giải trí đang bơm khá nhiều máu cho nền kinh tế Hàn Quốc - Ảnh 1.

BTS là một trong những nhóm nhạc có công đưa Hallyu ra phạm vi toàn cầu. (Ảnh: Getty Images).

Hallyu - vạch xuất phát để nền giải trí Hàn thăng hạng

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997 - 1998) không chỉ khiến nền kinh tế đình trệ mà còn gây tổn hại nghiêm trọng cho hình ảnh của Hàn Quốc, khiến đầu tư nước ngoài vào nước này giảm tốc và du lịch suy thoái.

Sau cuộc khủng hoảng, người dân Hàn Quốc nhận thấy họ quá phụ thuộc vào các chaebol; nếu chaebol thất bại, đất nước cũng nguy ngập. Do đó, Tổng thống khi đó là ông Kim Dae-jung đã dốc sức thay đổi bộ mặt của Hàn Quốc, lấy công nghệ thông tin và văn hóa đại chúng làm hai trụ cột cho kinh tế Hàn Quốc trong tương lai.

Từ BTS, Squid Game mới nhận ra ngành giải trí đang bơm khá nhiều máu cho nền kinh tế Hàn Quốc - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Kim Dae-jung được cho là đã giúp mở đường cho làn sóng Hallyu. Ông nắm quyền trong giai đoạn 1998 - 2003. (Ảnh: AP).

Từ năm 1999, sự ra mắt thành công của một số bộ phim Hàn Quốc như Swiri (Chiến dịch Shiri, 1999), Autumn in my heart (Trái tim mùa thu, 2000), My sassy girl (Cô nàng ngổ ngáo, 2001) và Winter Sonata (Bản tình ca mùa đông, 2004) trên khắp châu Á đã tạo tiếng vang lớn và là cái nôi sản sinh ra một hiện tượng văn hóa mới.

Cũng từ đó, thuật ngữ làn sóng Hallyu (hay gọi tắt là Hallyu) ra đời. Cụm này bắt nguồn từ tiếng Trung, có nghĩa là "làn sóng Hàn Quốc", bao hàm nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc từ âm nhạc, điện ảnh, truyền hình đến game online, ẩm thực,...

Về sau, góp phần cho sự lớn mạnh của Hallyu chính là nền công nghiệp K-pop. Ở gen 1 (tức thế hệ thứ nhất), chúng ta từng có những cái tên như H.O.T, Shinhwa, G.O.D, Sechskies, Seo Taiji and Boy,…

Sang gen 2, Big Bang, TVXQ, Super Junior, SNSD, 2NE1, Apink… là các nhóm tiêu biểu. Bước tới gen 3, BTS, EXO, Twice, Blackpink,…đang là những kẻ thống trị trên đường đua.

Hiệu ứng của làn sóng Hallyu vô cùng to lớn. Năm 2004, Hallyu đóng góp khoảng 1,87 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc, đến năm 2019 con số này tăng gấp 6,5 lần lên khoảng 12,3 tỷ USD, theo Martin Roll.

 

 

 

 

Không còn đứng bên lề nền kinh tế

Quy mô ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc còn tương đối nhỏ so với lĩnh vực chế tạo, song ngành này lại đang dần lớn mạnh hơn, dữ liệu từ Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) và Bộ Thương mại Hàn Quốc chỉ ra.

 

 

 

 

Cũng vào năm ngoái, giá trị xuất khẩu của nền giải trí Hàn Quốc, gồm trò chơi, âm nhạc, phim ảnh và chương trình truyền hình, tăng 6,3% so với cùng năm trước đó, ngay cả khi tổng lượng hàng hóa xuất khẩu sụt 5,4% do đại dịch COVID-19.

Các sản phẩm tiêu dùng liên quan đến Hallyu như mỹ phẩm, quần áo và thực phẩm tăng 5,5% trong năm 2020, theo một báo cáo của Quỹ Gia lưu Văn hóa Quốc tế Hàn Quốc (KOFICE).

BTS, nhóm nhạc tiên phong đưa K-pop ra thị trường quốc tế, liên tục oanh tạc các bản xếp hạng âm nhạc lớn từ Mỹ cho đến Nhật Bản, Việt Nam. Cho đến nay, BTS đã có 6 đĩa đơn xếp hạng 1 trên Billboard Hot 100, gồm Dynamite, Savage Love (bản remix hợp tác cùng Jason Derulo, Jawsh 685), Life Goes, Butter, Permission To Dance và My Universe (hợp tác cùng Coldplay).

Tại Nhật Bản - thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, BTS đã hai năm liên tiếp giữ ngôi vương về doanh số album K-pop, lần lượt là năm 2020 và 2021. Theo sau là các idolgroup khác như SEVENTEEN, TXT, TWICE, NCT, SHINee,… theo dữ liệu từ Oricon.

 

 

 

Ngoài ra, độ nổi tiếng của các concert âm nhạc và phim truyền hình lẫn điện ảnh Hàn Quốc cũng giúp ngành du lịch xứ kim chi phát triển mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là nhờ lượng du khách từ nước láng giềng Trung Quốc.

Trong tổng số khách du lịch ghé thăm Hàn Quốc vào năm 2019, ước tính có đến 13% du khách đến vì mục đích trải nghiệm văn hóa đại chúng và tham dự những sự kiện dành cho người hâm mộ. Tổng chi tiêu của nhóm này tại Hàn Quốc năm 2019 đạt 2,7 tỷ USD, theo KOFICE.

Chỉ riêng chuỗi ba concert do BTS tổ chức tại Seoul vào tháng 10/2019 đã thu hút khoảng 187.000 du khách, tương đương 67% lượng du khách nước ngoài đến Hàn Quốc để theo dõi Olympic Mùa đông Pyeongchang năm 2018.

 

Cơn sốt do Squid Game tạo ra cũng rất đáng kinh ngạc. Đại diện Netflix cho biết Squid Game chính là series có màn ra mắt ấn tượng nhất lịch sử hãng khi thu hút tổng cộng 111 triệu người xem trên toàn cầu kể từ khi phát hành vào ngày 17/9.

Hơn nữa, đây còn là series đầu tiên đạt mốc 100 triệu người xem trong tháng đầu tiên ra mắt, vượt loạt phim giữ kỷ lục trước đó là Bridgerton với 82 triệu lượt xem sau 28 ngày phát hành, theo CNBC.

Cũng từ bộ phim mà món kẹo đường đã giúp những người bán hàng rong ở Hàn Quốc hái bộn tiền. Reuters dẫn lời anh An Yong-hui cho biết, kể từ khi Squid Game ra mắt, cửa hàng của anh rất đông khách, doanh số bán hàng tăng 2,5 lần so với thường ngày. Tính trung bình, mỗi ngày cửa hàng của anh An thu về tới 1 triệu won (khoảng 843 USD).

 

Mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng giải trí lại là một trong những thị trường lao động phát triển nhanh nhất của Hàn Quốc, bên cạnh lĩnh vực công nghệ. Việc làm trong lĩnh vực giải trí rất đa dạng, từ thực tập sinh, dancer tại các công ty giải trí đến trợ lý, diễn viên, đạo diễn, stylist,…

Số lượng lao động trong các dịch vụ sáng tạo và nghệ thuật đã tăng 27% trong giai đoạn 2009 - 2019, trong khi ở lĩnh vực chế tạo - động cơ tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế Hàn Quốc, chỉ tăng khoảng 20% trong cùng kỳ.

Còn một lợi ích mà ít người lưu ý, chính là làn sóng Hallyu còn giúp Hàn Quốc truyền tải quyền lực mềm ra thế giới. Đây là sức mạnh vô hình mà một quốc gia có thể tận dụng từ hình ảnh của họ, ngược với quyền lực quân sự hoặc kinh tế. Một ví dụ về quyền lực mềm là cách Mỹ khiến thế giới cuồng nhiệt mua iPhone hoặc xem phim Hollywood.

Bloomberg nhận xét, cơn sốt mà những BTS hay Squid Game tạo ra báo hiệu rằng quyền lực mềm của Hàn Quốc đang lớn dần lên và lĩnh vực giải trí sẽ ngày càng bơm thêm nhiều máu cho nền kinh tế xứ củ sâm.

Yên Khê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.