Ngành công nghiệp K-pop nhìn từ chặng đường đã qua của nhóm nhạc BTS
Thăng trầm của BTS
BTS là một trong các ban nhạc Hàn Quốc đầu tiên đạt được những thành công và trở thành một cái tên thân thuộc tại thị trường Mỹ. Sản phẩm của nhóm xuất hiện ở khắp các trung tâm thương mại và làm nhạc nền cho nhiều video khoe vũ đạo trên TikTok. 7 thành viên cũng từng phát biểu trước Liên Hợp Quốc và là khách mời thường xuyên trên chương trình giải trí đêm chính thống ở Mỹ.
Đĩa đơn tiếng Anh thứ hai của BTS - "Butter", lọt vào Top 10 Spotify Streaming tại Mỹ chỉ hai tuần sau khi được phát hành, trong khi album gần nhất "Map of the Soul: 7" đã bám rễ hơn 60 tuần trên bảng xếp hạng BillBoard 200.
Cho đến nay, BTS đã sở hữu trong tay ba bài hát quán quân bảng xếp hạng Billboard Hot 100 mà các nghệ sĩ trên khắp thế giới hằng ao ước, lần lượt là Dynamite, Life Goes On và Butter. Ngoài ra, BTS còn là nhóm nhạc K-pop đầu tiên được đề cử Grammy.
Nhân vật góp công cho chiến thắng thương mại của BTS chính là ông Bang Si-hyuk, nhà sáng lập Big Hit Entertainment (nay là Hybe), Nikkei Asia viết. Có biệt danh "Hitman", ông Bang bắt đầu sự nghiệp bằng việc đầu quân cho JYP, một trong các công ty lớn nhất K-pop hiện nay và sau đó tự tách ra để thành lập Big Hit vào năm 2005.
Sau nhiều vòng tuyển chọn khắc nghiệt theo thông lệ của K-pop, BTS phát hành album đầu tay vào năm 2013. Tuy nhiên, album này và các sản phẩm về sau vẫn không tạo được nhiều tiếng vang, bất luận ở quê nhà Hàn Quốc hay ở thị trường nước ngoài.
Cuối cùng, BTS đạt được bước tiến lớn vào năm 2015 với mini album thứ ba, lấy chủ đề về tuổi trẻ. Âm nhạc của nhóm làm người khác liên tưởng đến cuộc đấu tranh của những người trẻ Hàn Quốc, những người phải đối diện với áp lực học hành và cuộc sống tương lai khó khăn.
Sợi dây liên kết nghệ sĩ và người hâm mộ
Thành công của BTS sẽ không thiếu dấu chân của Army - đội quân người hâm mộ nhiệt thành bậc nhất K-pop.
Theo Nikkei, các học giả nghiên cứu về fandom (tức cộng đồng người hâm mộ của các nhóm K-pop) cho biết Army có thể so sánh với những người yêu mến The Beatles. Âm nhạc của The Beatles khiến người hâm mộ say sưa qua nhiều thập kỷ và bất chấp chênh lệch về tuổi tác.
Mối quan hệ giữa BTS và Army gần như là bạn bè, chứ không giống giữa những ngôi sao và người theo dõi đơn thuần
Giáo sư Lee Ji-young của Đại học Sejong (Hàn Quốc) nhận xét.
Dù các nghệ sĩ Hàn Quốc từ lâu đã có lượng người theo dõi lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á thì Mỹ - thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới, dường như lại khó chạm đến hơn.
Tháng 4 năm nay, Hybe đã công bố một thỏa thuận giá trị ước tính 1 tỷ USD để mua lại 100% cổ phần của "đế chế" Ithaca Holdings, tức chủ sở hữu của SB Projects - công ty giải trí quản lý những ngôi sao đình đám như Ariana Grande, Justin Bieber, Demi Lovato,....
Tham vọng của Hybe là đưa các nghệ sĩ của Ithaca lên Weverse, một nền tảng do công ty chủ quản BTS phát triển bằng cách kết hợp các chức năng của Twitter, Instagram và YouTube thành một kênh tích hợp để nghệ sĩ giao lưu với người hâm mộ.
"K-pop liên tục phát triển nhưng không có diễn đàn nào để fandom quốc tế có thể tụ họp để giao lưu và kết nối. Chúng tôi cảm thấy chúng ta cần một không gian để người hâm mộ khắp mọi nơi có thể giao lưu với nghệ sĩ mà không tồn tại rào cản ngôn ngữ... Đó chính là Weverse", CEO Bang Si-hyuk chia sẻ.
Chiến lược tiếp cận của Hybe với người hâm mộ đã mang lại quả ngọt, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Trong giai đoạn 2019 - 2020, doanh thu thường niên của công ty tăng 36%, trái với bối cảnh ảm đạm của ngành công nghiệp giải trí khi mà nghệ sĩ không thể đi lưu diễn nhiều nơi.
Riêng trong nửa đầu năm ngoái, BTS đem về 87,7% doanh thu của Hybe, theo phân tích của Mirae Asset. Tháng 10 cùng năm, Hybe (khi đó còn là Big Hit) niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc với mức định giá 4 tỷ USD - một con số cao ngất trong số các công ty giải trí hàng đầu "xứ củ sâm".
Tương lai của Hybe khi BTS nhập ngũ
Gần đây, công ty chủ quản của BTS liên tục đưa ra những thay đổi lớn, từ thay đổi tên thương hiệu từ Big Hit sang Hybe đến chuyển trụ sở từ khu Kangnam đến bên bờ sông Hàn. Điều đó cho thấy Hybe đã hiểu rằng, BTS - tương tự hầu hết nhóm nhạc khác, đều không thể mãi duy trì vị thế hàng đầu, Nikkei nhận định.
Tháng 12 năm ngoái, cơ quan lập pháp của Hàn Quốc đã thông qua một đạo luật cho phép các thành viên của BTS hoãn thực hiện nghĩa vụ bắt buộc cho đến tuổi 30. Người khởi xướng bộ luật này là ông Jeon Yong-gi, một nhà lập pháp của đảng cầm quyền.
Ông Jeon Yong-gi cho hay, mục đích của đạo luật mới là để ghi nhận những nghệ sĩ có đóng góp to lớn trên phương diện quảng bá đất nước Hàn Quốc ra nước ngoài và cho phép họ hoãn nghĩa vụ bắt buộc để giảm thiểu sự gián đoạn sự nghiệp riêng.
Ông Jeon đề cập trực tiếp đến BTS, cho rằng 7 thành viên đặc biệt xứng đáng vì những nỗ lực giới thiệu Hàn Quốc ra cộng đồng quốc tế. Đạo luật này có thể mở rộng sang các vận động viên thể thao điện tử (e-sport) nổi trội, ông Jeon nói thêm.
Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu Hybe có thể tìm thấy những "viên ngọc mới" thay thế đàn anh BTS và tạo ra doanh thu để bù đắp cho sự vắng mặt tạm thời của nhóm cũng như giúp định hình tương lai của công ty hay không.
Theo dự đoán của Nikkei, Hybe có thể sẽ tăng cường quảng bá cho Enhypen và TXT, hai nhóm có màn ra mắt tương đối thành công trong vài năm qua. Gần đây, Hybe cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với YG Entertainment - công ty đối thủ đang quản lý nhóm nhạc nữ Blackpink. Ngoài ra, công ty chủ quản của BTS còn đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa sang các lĩnh vực mới như sản xuất âm nhạc, kinh doanh nền tảng và dạy ngoại ngữ.
Nhận xét về chiến lược của Hybe, bà Jenna Gibson - giảng viên tại Đại học Chicago, cho hay: "Hybe đang làm những thứ mà các công ty khác từng làm trước đây, nhưng điểm khác biệt là họ làm nhanh hơn và đầu tư mạnh tay hơn. Ở thời điểm hiện tại, còn quá sớm để kết luận bất kì điều gì".
Đáng chú ý, đa phần các chuyên gia đều nhất trí rằng Army sẽ không bỏ quên BTS, hay cắt giảm hoạt động của fandom trong thời gian các thành viên thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Học giả Epps-Robertson tại Đại học North Carolina bày tỏ: "Tôi không nghĩ Army sẽ từ bỏ fandom vì âm nhạc và thông điệp của BTS không bị giới hạn ở một độ tuổi cụ thể nào".
Tôi tin âm nhạc của BTS có sức hấp dẫn với nhiều thế hệ, vì chúng phản ánh cảm xúc và trải nghiệm của chúng ta trong suốt cuộc đời
Bà Epps-Robertson, giảng viên tại Đại học North Carolina, bày tỏ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/