|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cha đẻ TikTok đang phát triển chuỗi cà phê được yêu thích hơn cả Starbucks tại Trung Quốc

15:57 | 06/07/2021
Chia sẻ
Hai cái tên hàng đầu trong giới công nghệ Trung Quốc là Tencent và ByteDance đã đầu tư vào Manner Coffee và Tim Hortons.
'Cha đẻ' của TikTok đang phát triển chuỗi cà phê được yêu thích hơn Starbucks tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Thị trường cà phê của Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng 15% hàng năm. (Ảnh: Reuters).

Theo Nikkei Asia, Tencent Holdings và ByteDance, hai công ty công nghệ nổi tiếng Trung Quốc đã đầu tư vào các sản phẩm và cửa hàng cà phê. Bất chấp ký ức về vụ bê bối của Luckin Coffee vào năm ngoái vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người tiêu dùng, các công ty công nghệ lớn không ngừng để mắt đến tiềm năng của các chuỗi cà phê đang phát triển tại Trung Quốc.

Trong tương lai, thị trường kinh doanh quán cà phê tại quốc gia này dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng hai con số. Được hỗ trợ bởi nhà phát triển TikTok - ByteDance, Manner Coffee, chuỗi cà phê nổi tiếng với hạt tự rang và phong cách tối giản đẹp mắt đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.

"Cà phê ở đây rất ngon và tôi thích thiết kế đơn giản của quán", Chen, nhân viên tại một công ty Thượng Hải thường lui tới Manner Coffee cho biết. Starbucks từng là chốn nghỉ chân yêu thích của Chen, nhưng Manner Coffee đã chiến thắng nhờ vào lợi thế về giá cả.

Manner Coffee, được thành lập vào năm 2015. Ở thời điểm hiện tại, chuỗi cà phê vẫn phục vụ thực khách bằng những sản phẩm có giá từ 10-20 nhân dân tệ (tương đương 1,55 -3,10 USD). Đây được xem là mức giá giúp Manner Coffee tạo nên lợi thế trước Starbucks, khi thực đơn chủ yếu của thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới này dao động từ 20-40 nhân dân tệ (gấp đôi giá của Manner Coffee).

'Cha đẻ' của TikTok đang phát triển chuỗi cà phê được yêu thích hơn Starbucks tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Manner Coffee được yêu thích bởi thực đơn hợp lý và thiết kế tối giản đẹp mắt. (Ảnh: Naoki Matsuda)

Sự nổi lên của Manner Coffee đã gây chú ý với các ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu Trung Quốc. Vào tháng 5/2021, Manner Coffee đã được rót vốn từ Meituan.

Bên cạnh đó, Tim Hortons, chuỗi cửa hàng cà phê và bánh rán của Canada cũng là một cái tên đáng gờm. Quy mô hiện tại của Tim Hortons đã lên đến 200 cơ sở chỉ sau hai năm hoạt động kể từ năm 2019. Tencent đã hai lần rót vốn cho Tim Horton tại thị trường Trung Quốc, lần đầu tiên vào tháng 5/2020 và gần đây nhất vào tháng 2/2021.

Các chuỗi cà phê mới nổi sẽ sử dụng nguồn vốn này để đẩy nhanh chiến lược tăng trưởng. Theo báo chí Trung Quốc, Tim Hortons có kế hoạch mở thêm 200 cửa hàng trong năm nay. Dưới sự hợp tác của Tencent, Tim Hortons có kế hoạch xây dựng đế chế 1.500 cửa hàng trong vòng vài năm tới.

Mặc dù chỉ có hơn 130 cửa hàng, nhưng công ty phân tích ITJuzi (Bắc Kinh) đã định giá Manner Coffee ở mức 2,5 tỷ USD.

Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang theo đuổi thị trường kinh doanh quán cà phê bởi tiềm năng tăng trưởng vô cùng hấp dẫn. Theo Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan, thị trường này sẽ đạt mức 120 tỷ nhân dân tệ (18,5 tỷ USD) vào năm 2023, tăng từ khoảng 90 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020. Nâng mức mở trộng thị trường trung bình hằng năm lên hơn 15% kể từ năm 2018. 

Sức mạnh tổng hợp giữa dịch vụ và kỹ thuật sẽ được phát huy mạnh mẽ bởi sự can thiệp của những gã khổng lồ công nghệ. Sau khi nghiên cứu các chuỗi cà phê được giới trẻ thường xuyên lui tới, họ nhận thấy cơ hội quảng bá dịch vụ thông qua các địa điểm này, bao gồm việc phát hành trò chơi điện tử và các video trực tuyến. Sự gia tăng tương tác giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng sẽ góp phần thúc nâng cao danh tiếng thương hiệu.

Tencent, một nhà phát triển game tên tuổi, đã cùng với Tim Hortons mở các cửa hàng cà phê thể thao điện tử. ByteDance dự kiến sẽ hợp tác với Manner Coffee bằng cách khai thác ứng dụng Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, để quảng bá sản phẩm.

'Cha đẻ' của TikTok đang phát triển chuỗi cà phê được yêu thích hơn Starbucks tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Chuỗi cà phê Tim Hortons có kế hoạch mở 1.500 cửa hàng tại thị trường Trung Quốc trong vài năm tới. (Ảnh: Reuters).

Lãnh đạo thương mại điện tử Trung Quốc - Alibaba Group Holding đã bắt tay với Starbucks vào năm 2018. Theo thỏa thuận, ứng dụng Ele.me của Alibaba sẽ giúp Starbucks giao thức uống cho khách hàng. Sự hợp tác giữa đôi bên đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử kể cả việc xây dựng các chương trình khuyến mãi.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của Ele.me - Meituan đang hợp tác với Manner Coffee nhằm xúc tiến quá trình bán hàng.

Có thể nói sau khi gia nhập thị trường vào năm 1999, Starbucks đã đặt nền móng cho văn hóa cà phê của Trung Quốc mà Pacific Coffee và Costa Coffee, chuỗi cửa hàng của Anh dưới sự bảo trợ của Coca-Cola là những nhân vật theo sau.

Trong những năm gần đây, số lượng cửa hàng Starbucks tăng vọt bất chấp bối cảnh kinh doanh mờ nhạt. Trước khi dính vào vụ bê bối kế toán buộc phải đóng cửa hầu hết các cơ sở, Luckin Coffee đã từng vượt qua Starbucks về số lượng cửa hàng.

Luckin hiện đang tái cấu trúc nhờ vào sự tài trợ từ các công ty cổ phần tư nhân. Vào tháng 1/2021, có nguồn thông tin cho rằng Luckin đang đối mặt với những vấn đề nội bộ. Nhiều giám đốc điều hành đã cùng nhau đệ thư yêu cầu công ty sa thải một giám đốc điều hành khác.

Bỏ mặc những nghi ngờ, Luckin vẫn là chuỗi cà phê lớn thứ hai Trung Quốc sau Starbucks. Với sự nhập cuộc của các ông lớn công nghệ, thị trường cà phê được dự đoán sẽ có những chuyển biến đáng kể trong thời gian tới.

Quỳnh Hoa

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.