|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khi các chuỗi đồ uống Việt đem chuông đi đánh xứ người

06:40 | 02/08/2023
Chia sẻ
Cộng cà phê, Highlands Coffee hay Trung Nguyên... đang là những cái tên tạo ra dấu ấn cho những thương hiệu F&B Việt Nam ở xứ người.

Cuối tuần qua, người hâm mộ K-pop ở Việt Nam mãn nhãn với đêm diễn của nhóm nhạc thần tượng nữ Blackpink. Đi kèm với sự nổi tiếng đó, nhiều người cũng chú ý tới các hoạt động liên quan tới các nghệ sĩ này. Trong đó hình ảnh của nhóm vũ công tham gia đêm diễn thưởng thức đồ uống tại chuỗi Cộng cà phê cũng nhận được sự chú ý từ người hâm mộ.

Hình ảnh Cộng cà phê được các vũ công Hàn Quốc chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình).

Cộng cà phê có lẽ không còn xa lạ là thương hiệu xa lạ với người Hàn Quốc. Năm 2018, chuỗi cà phê có nguồn cảm hứng từ cuộc sống miền Bắc những năm tháng xưa cũ đã bước chân vào thị trường đồ uống xứ sở Kim chi, với cửa hàng đầu tiên tại thủ đô Seoul.

Từ đó đến nay, những món đồ uống như cốt dừa cà phê, nâu đá, đen đá... của Việt Nam được Cộng cà phê mang tới nhiều nhiều thành phố khác nhau của Hàn Quốc. Bên cạnh 63 cửa hàng trong nước, Cộng đã có 9 cửa hàng tại Hàn Quốc với Seoul (3 cửa hàng), Gyeonggi (3 cửa hàng) và Busan (4 cửa hàng).

Số liệu từ Statista cho thấy doanh thu của thị trường cà phê Hàn Quốc trong năm 2023 ước đạt mức 16,08 tỷ USD. Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,57% trong giai đoạn 2023 – 2025.

Màu xanh lá đặc trưng cùng cách trang trí với những món đồ của thời bao cấp như ca nhôm, gối họa tiết con công, ngôi sao năm cánh... dễ tạo điểm nhấn của Cộng cà phê. 

Phong cách này gắn liền với một thời kỳ lịch sử của đất nước, gợi nhiều liên tưởng cho người nước ngoài về Việt Nam. Tiếp nối thành công ở Hàn Quốc, năm 2019, Cộng tiếp tục mở rộng sang thị trường Malaysia với các cửa hàng đặt tại Kuala Lumpur (2) và Selangor (1).

 Cửa hàng Cộng cà phê ở Seoul. (Ảnh: Yonhap).

Hồi đầu tháng 4, Tập đoàn Trung Nguyên cũng đã mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc sau thành công bước đầu tại thị trường tỷ dân Trung Quốc. Theo đánh giá của Trung Nguyên, Hàn Quốc là một thị trường cà phê giàu tiềm năng có mức tiêu thụ cà phê bình quân 367 cốc cà phê/người/năm, cũng như nổi tiếng sành cà phê, luôn dẫn dắt các xu hướng tiêu dùng, thưởng lãm cà phê của thế giới (theo Hội đồng Quốc gia Tổ chức tiêu dùng Hàn Quốc-năm 2022). 

Trung Nguyên đánh giá Hàn Quốc và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng và tiềm năng là ngang nhau. Trước đó, tháng 9/2022, Trung Nguyên đã ra mắt cửa hàng Thế Giới Cà Phê đầu tiên tại thị trường quốc tế, tọa lạc tại Trung tâm thương mại Taikoo Hui, 699 đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải, Trung Quốc.

 Bên trong cửa hàng Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Trung Nguyên).

Đặc điểm của không gian Thế giới cà phê Trung Nguyên là mặt bằng rộng rãi, trưng bày đa dạng sản phẩm làm nên tên tuổi của thương hiệu. Trung Nguyên cũng đầu tư cho mặt bằng ở vị trí sầm uất, nhộn nhịp lưu lượng người qua lại.

Sau 10 năm thâm nhập thị trường tỷ dân này, Trung Nguyên đã để lại dấu ấn. Theo xếp hạng từ Chnbrand (Trung Quốc), thương hiệu cà phê G7 của Trung Nguyên Legend đã trở thành thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng tại thị đây, giữ thị phần lớn thứ hai trên thương mại điện tử.

Hiện nay, Thế giới cà phê Trung Nguyên đã mở thêm cửa hàng thứ hai tại Thương Hải.

 Một cửa hàng Highlands Coffee ở Philippines. (Ảnh: Highlands Coffee Philippines).

Highlands Coffee là cái tên quen thuộc với ngành F&B Việt Nam, là chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng lớn nhất. Tính đến cuối tháng 7, chuỗi cà phê này có 674 cửa hàng tại Việt Nam, bỏ xa những cái tên khác như The Coffee House (150); Phúc Long (147)...

Highlands Coffee được ông David Thái thành lập năm 2009. Năm 2012, ông David Thái đã bán gần một nửa mảng kinh doanh của Công ty quốc tế Việt Thái (VTI) – chủ sở hữu Highlands Coffee cho Jollibee Foods.

Tập đoàn Philippines đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hong Kong của VTI do doanh nhân này sở hữu. Trong một diễn biến hồi cuối năm ngoái, Jolibee đã đặt Highlands Coffee ở mức định giá vào khoảng 800 triệu USD. 

Jollibee là đơn vị điều hành mạng lưới dịch vụ F&B lớn nhất ở Philippines với hơn 1.500 cửa hàng ở 17 quốc gia, bao gồm cả thương hiệu Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ và chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của có linh vật chú ong Jolibee của họ.

Tại thị trường Philippines, Jolibee cũng giúp Highlands Coffee đưa các món cà phê pha phin, đá xay tiếp cận người dân quốc gia này nhiều hơn. Hệ thống cửa hàng cà phê của chuỗi cà phê cao nguyên Việt Nam có mặt tại nhiều thành phố gồm Marikina; Quezon; Makati; Mandaluyong; Pasay; Taguig; Pasig; Parañaque; Manila.

Theo công bố trên website, tính tới ngày 1/8/2023, Highlands Coffee Philippines có 33 cửa hàng.

Thùy Trang