|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thương hiệu cà phê nào có độ nhận diện cao nhất tại Việt Nam?

15:31 | 21/12/2022
Chia sẻ
Theo khảo sát từ Q&Me, một số thương hiệu cà phê đang có được độ phủ và nhận diện thương hiệu cao hơn các chuỗi khác tại Việt Nam như Trung Nguyên, Highlands Coffee, The Coffee House, Starbucks,...

Mới đây, công ty nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me đã công bố báo cáo về thị trường cà phê Việt Nam năm 2022, cùng với đó là bảng xếp hạng những chuỗi cà phê được người dùng Việt yêu thích nhất trong năm.

Theo Q&Me, các cửa hàng cà phê là một trong những địa điểm phổ biến nhất được người Việt Nam lựa chọn để dành thời gian cho người thân và bạn bè. Cùng với sự phổ biến này, các chuỗi cà phê cũng đã có sự vươn mình để trở thành những chuỗi cà phê từ binh dân tới cao cấp, được nhiều người biết tới như Highlands Coffee, Trung Nguyên, The Coffee House, Starbucks, Phúc Long,…

Tháng 8, Q&Me đã quyết định thực hiện một cuộc khảo sát với một nhóm 405 người dùng ở độ tuổi từ 16 đến 49 nhằm tìm hiểu về mức độ phổ biến của các thương hiệu cà phê tại Việt Nam.

Tính tới giai đoạn cuối năm 2022, Highlands Coffee là chuỗi cà phê có nhiều cửa hàng nhất trong số các chuỗi cà phê hàng đầu tại Việt Nam với tổng cộng 503 cửa hàng, bao gồm 175 cửa hàng tại TP HCM, 124 cửa hàng tại Hà Nội và 204 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Theo khảo sát của Q&Me, ngoài Highlands Coffee, chỉ có hai chuỗi cà phê khác có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc tính tới cuối năm 2022, là Trung Nguyên (482 cửa hàng) và The Coffee House (150 cửa hàng).

Ngoài ra, một số chuỗi cà phê khác cũng có số lượng cửa hàng tương đối lớn so với đa số chuỗi cà phê khác tại Việt Nam có thể kể tới như Phúc Long (96 cửa hàng), Passio (80 cửa hàng), Starbucks (79 cửa hàng), Aha Coffee (73 cửa hàng) hay Cộng Cà Phê (57 cửa hàng).

Highlands Coffee dẫn đầu danh sách "Top-of-Mind coffee chain". (Nguồn: Q&Me).

Q&Me cũng công bố danh sách “Top-of-mind Coffee Chain”, tạm hiểu là thương hiệu cà phê đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Theo danh sách này, Highlands Coffee là thương hiệu cà phê xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của người tiêu dùng với tỷ lệ 43%. Trong khi đó, Trung Nguyên xếp ở vị trí thứ hai với tỷ lệ 40%.

Các thương hiệu cà phê khác xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của người tiêu dùng tại Việt Nam có thể kể tới như The Coffee House (26%), Starbucks (18%), Phúc Long (13%) hay Cộng Cà Phê (5%).

Trung Nguyên là thương hiệu có độ nhận diện thương hiệu cao nhất. (Nguồn: Q&Me).

Tuy nhiên, khi nhắc tới độ nhận diện thương hiệu, Trung Nguyên lại tỏ ra vượt trội hơn so với các chuỗi cà phê khác khi được 75% người tham gia khảo sát công nhận. Đứng ở vị trí thứ hai là Highlands Coffee với tỷ lệ 67%.

Các thương hiệu cà phê khác có độ nhận diện thương hiệu cao tại Việt Nam có thể kể đến như The Coffee House (60%), Phúc Long (53%), Starbucks (42%), Cộng Cà Phê (33%), Passio (19%) hay Aha Coffee (17%).

Khi xét theo vị trí địa lý, thương hiệu cà phê Trung Nguyên đều đạt tỷ lệ nhận diện thương hiệu cao nhất tại TP HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác với tỷ lệ lần lượt là 78%, 63% và 79%.

Trong khi đó, nếu xét về nhóm tuổi các khách hàng, thương hiệu cà phê Trung Nguyên đạt tỷ lệ nhận diện thương hiệu cao nhất với nhóm khách hàng từ 16 đến 34 tuổi. Đối với nhóm khách hàng từ 35 tuổi trở lên, Highlands Coffee lại là thương hiệu cà phê có độ nhận diện thương hiệu cao hơn so với Trung Nguyên (77% so với 74%).

Trung Nguyên và Highlands Coffee là hai thương hiệu cà phê được người dùng Việt dùng nhiều nhất. (Nguồn: Q&Me).

Hai thương hiệu Trung Nguyên và Highlands Coffee tiếp tục cạnh tranh và đứng lần lượt ở hai vị trí thứ nhất và thứ hai trên bảng xếp hạng các thương hiệu cà phê được người Việt sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ lần lượt là 34% và 32%.

Đứng ở các vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng lần lượt là The Coffee House (14%), Phúc Long (10%), Starbucks (6%), Aha Coffee (2%) và Cộng Cà Phê (2%).

Xét theo vị trí địa lý, người tiêu dùng tại TP HCM và Hà Nội sử dụng sản phẩm của Highlands Coffee nhiều hơn so với Trung Nguyên. Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, người dùng lại dùng sản phẩm của Trung Nguyên nhiều hơn so với Highlands Coffee.

Cũng theo báo cáo của Q&Me, hình ảnh của cà phê Trung Nguyên trong mắt người tiêu dùng được biết tới như một thương hiệu cà phê có hương vị và giá cả phù hợp. Trong khi đó, người tiêu dùng lại đánh giá cao thương hiệu Highlands Coffee ở yếu tố thương hiệu nổi tiếng cũng như thái độ phục vụ của nhân viên và độ đa dạng trong menu sản phẩm.

Trong năm 2022, cả Trung Nguyên và Highlands Coffee đều đánh dấu những cột mốc mới trong hành trình phát triển của các thương hiệu cà phê này. Với Trung Nguyên, ngày 21/9, cửa hàng đầu tiên của Tập đoàn Trung Nguyên tại thị trường Trung Quốc đã chính thức khai trương. Đây là cửa hàng Thế Giới Cà Phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại thị trường quốc tế, tọa lạc tại Trung tâm thương mại Taikoo Hui, 699 đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải, Trung Quốc.

Đối với Highlands Coffee, cuối tháng 11, chuỗi Highlands Coffee đã đăng tải dòng thông báo về việc thay đổi logo và ra mắt thông điệp “Highlands Coffee® Là Của Chúng Mình”. Theo Highlands, điểm nhấn của việc thay đổi logo mới chính là việc có thêm phần nền trong suốt để có thể hòa vào màu sắc của từng cộng đồng và có thể tạo nên một Highlands khác biệt.

Anh Nguyễn