Bloomberg: Thị trường việc làm Trung Quốc đang có nhiều vấn đề
Theo hãng tin Bloomberg, phân tích độc lập từ các bài đăng tuyển dụng trực tuyến cũng như từ các khảo sát kinh tế khác cho thấy thị trường việc làm của Trung Quốc đã yếu đi trong quý III năm nay.
Một số dữ liệu cho thấy đà suy yếu đã kéo dài sang tháng 10 và 11. Niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn thấp và doanh nghiệp Trung Quốc nhìn chung đang đề xuất mức lương thấp hơn.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở khu vực thành thị vào tháng 10 là 5%, đi ngang so với tháng 9 và thấp hơn con số 5,5% ghi nhận vào đầu năm.
Sự khác biệt giữa dữ liệu chính thức và loạt báo cáo từ các tổ chức độc lập khiến các nhà kinh tế lo ngại rằng tỷ lệ thất nghiệp do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố không phản ánh được tình hình chung.
Bên cạnh đó, sự khác biệt cũng cho thấy niềm tin người tiêu dùng vẫn còn trì trệ và có khả năng sẽ gây thêm áp lực giảm phát trong nền kinh tế. Các chuyên gia coi đây là một thách thức lớn đối với tăng trưởng GDP.
Bà Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, nhận định: “Tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở khu vực thành thị không còn phản ánh những khó khăn trên thị trường việc làm”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Trung Quốc bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp sau hàng chục năm bứt tốc hay đang sa chân vào suy thoái? 25/08/2023 - 15:19
Hạn chế về dữ liệu
Một trong những nguồn dữ liệu thay thế đến từ QuantCube Technology. QuantCube đã tổng hợp một thước đo về việc làm dựa trên danh sách tuyển dụng trên mạng. Kể từ tháng 7, thước đo này vẫn thấp hơn cuối năm ngoái khoảng 40%.
Điều đó chứng tỏ “thị trường việc làm Trung Quốc đã suy yếu đáng kể và chưa có dấu hiệu phục hồi”, ông Thanh Long Huynh, CEO của QuantCube, nhận xét.
Các nhà kinh tế đã chỉ ra một số thiếu sót trong tỷ lệ thất nghiệp chính thức, khiến chỉ số này không thực sự phát huy tác dụng như một chỉ báo về thị trường lao động nói chung. Họ nói tỷ lệ thất nghiệp chỉ tính đến các khu vực thành thị và có thể đã bỏ qua một số lao động đến từ những miền quê nhỏ.
Bà Wang của Hang Seng Bank cho biết: “Tình trạng thiếu việc làm đã trở thành một vấn đề mới, một đề thực thụ đối với Trung Quốc”. Theo vị chuyên gia, một số người phải chấp nhận làm bán thời gian, trong khi số khác phải rời thành phố và trở về quê tìm việc.
Ngoài ra, dữ liệu việc làm chính thức cũng trở nên ít chi tiết hơn trong năm nay. Mùa hè này, với lý do dữ liệu có sai sót, Bắc Kinh đã ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp theo từng nhóm tuổi, bao gồm nhóm người trẻ.
Ngân hàng trung ương cũng đã ngừng công bố một cuộc khảo sát hàng quý về triển vọng việc làm của các hộ gia đình kể từ tháng 6 mà không đưa ra lời giải thích.
Áp lực giảm phát
Một thước đo khác do Gavekal Dragonomics phát triển dựa trên chỉ số PMI chính thức đã âm trong suốt quý III và giảm mạnh hơn vào tháng 10.
Bà Ernan Cui, nhà phân tích tại Gavekal, cho hay: “Niềm tin của người dân Trung Quốc đã phục hồi một chút khi nước này mới mở cửa trở lại vào đầu năm 2023, nhưng sau đó lại quay đầu giảm. Điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn rất bất an về triển vọng kinh tế và việc làm”.
Dữ liệu chính thức cho thấy áp lực giảm phát trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn. Giá tiêu dùng đã lần nữa giảm so với cùng kỳ năm trước vào tháng 10.
Thị trường lao động yếu ớt thường được coi là nguyên nhân dẫn đến giảm phát, vì tỷ lệ thất nghiệp cao thường đẩy tiền lương đi xuống, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng và giá cả.
“Lạm phát lõi tính theo CPI hiện nay đang rất thấp so với những giai đoạn trước đây, khi mà tỷ lệ thất nghiệp cũng tụt xuống mức thấp. Chúng tôi cho rằng tình hình còn tồi tệ hơn những gì số liệu lạm phát chính thức chỉ ra”, bà Cui nói.
Theo một cuộc khảo sát cư dân Thượng Hải do Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải công bố, thị trường việc làm suy yếu cũng đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng trong quý III. Chỉ số điều kiện việc làm của cuộc khảo sát đã lần đầu tiên rơi xuống ngưỡng 100 trong năm nay.
- TIN LIÊN QUAN
-
Giảm phát không phải chuyện lạ ở Trung Quốc nhưng chu kỳ lần này có thể rất đáng lo 07/09/2023 - 18:14
Lương thấp hơn
Việc các công ty Trung Quốc đưa ra mức lương thấp hơn cho nhân viên mới cũng làm bức tranh việc làm thêm u ám.
Theo dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng Zhaopin, mức lương trung bình cho nhân viên mới tại các thành phố lớn đã giảm 0,5% so với cùng kỳ vào quý III. Đây là lần đầu tiên thước đo này giảm hai quý liên tiếp kể từ năm 2016.
Dữ liệu từ Caixin cho thấy mức lương khởi điểm cũng đi xuống ngay cả trong các lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao và công nghệ thông tin. Trong tháng 10, tiền lương trung bình tại Trung Quốc là 13.757 nhân dân tệ (tương đương 1.925 USD), sụt 3,2% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tiền lương hiện là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy chi tiêu tại đất nước tỷ dân, theo ghi nhận của Bloomberg.
Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình từng đi xuống sau khi chính phủ chấm dứt chính sách Zero COVID, giúp củng cố tiêu dùng. Song, tỷ lệ tiết kiệm đã quay trở lại gần mức trước đại dịch và tiêu dùng cần một yếu tố hỗ trợ khác.
Các doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng cho biết nhu cầu đang yếu đi. CFO Ian Borden chia sẻ vào tháng trước rằng khi “niềm tin người tiêu dùng xuống thấp”, McDonald’s đã phản ứng bằng cách phát triển các sản phẩm burger giá rẻ.
Tại một sự kiện khác, ông Andy Yeung, CFO của Yum China, nhấn mạnh: “Kể từ cuối tháng 9, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đã kém đi....” Yum China là công ty đang vận hành các chuỗi KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc.
“Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm tới giá trị món hàng”, ông Yeung nói thêm.
Sau khi Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ để củng cố quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID, một số động lực vẫn còn nguyên. Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu chính thức “khoảng 5%” của chính phủ.
Tuy nhiên, thị trường việc làm có vẻ đang tụt lại đằng sau đà tăng trưởng chung, CEO Robert Wu của hãng phân tích BigOne Lab cho hay.
“Có thể phải mất thêm một thời gian để các lĩnh vực khác của nền kinh tế phục hồi, từ đó giúp doanh nghiệp tự tin mà bắt đầu tuyển dụng thêm lao động”, ông nhận định.