Nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc: Hơn 75% vốn ngoại vào thị trường chứng khoán đã rút lui
Trong vài tháng qua, các nhà đầu tư quốc tế đã xả hơn 25 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khôi phục niềm tin của công chúng vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Financial Times.
Tình trạng bán tháo nghiêm trọng có thể khiến giá trị cổ phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong cả năm 2023 rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Các nhà đầu tư nước ngoài từng gom cổ phiếu Trung Quốc với tốc độ kỷ lục vào tháng 1. Khi đó, họ kỳ vọng nền kinh tế tỷ dân sẽ bùng nổ sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách Zero COVID.
Tuy nhiên, các quỹ ngoại đã buộc phải bán ra cổ phiếu trong vài tháng gần đây do mối lo ngày càng lớn về cuộc khủng hoảng thanh khoản của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng như do các số liệu tăng trưởng đáng thất vọng.
Tính toán của Financial Times cho thấy, kể từ khi chạm mức đỉnh 235 tỷ nhân dân tệ (tương đương 32,6 tỷ USD) vào tháng 8 do chính phủ cam kết bơm thêm hỗ trợ kinh tế, dòng vốn ngoại ròng chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay đã giảm 77% xuống còn 54,7 tỷ nhân dân tệ.
Giới phân tích cho rằng do chính phủ Trung Quốc không tung ra các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư tổ chức không có lý do để chờ đợi cho đến khi tăng trưởng phục hồi và giúp thị trường chứng khoán nội địa tăng tính cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.
Trưởng đầu bộ phận giao dịch tại một ngân hàng đầu tư ở Hong Kong nhận xét: “Thị trường chứng khoán Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan đều giàu tiềm năng. Ngay lúc này, nhiều người nghĩ rằng họ không nên ở lại Trung Quốc vì danh mục sẽ khó có cơ hội phát triển”.
Ông Bruce Pang, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc, Hong Kong và Macau của JLL, cho biết những hứa hẹn của chính quyền Bắc Kinh nhằm cung cấp thêm hỗ trợ cho các nhà phát triển bất động sản tư nhân gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Vị chuyên gia nói: “Chính phủ đưa ra các cam kết tương tự nhau trong từng quý của năm 2023. Tuy nhiên, dữ liệu về giá nhà mới nhất cho thấy họ vẫn cần phải giúp đỡ hơn nữa để tạo ra sự phục hồi bền vững cho lĩnh vực bất động sản”.
Đà bán tháo của các quỹ ngoại đã đẩy chỉ số CSI 300 - thước đo đại diện cho các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến - đi xuống hơn 11% trong năm nay. Trong khi đó, các chỉ số chuẩn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều tăng 8 - 10%.
Năm nay, các nhà đầu nước ngoài ưu ái những thị trường như Ấn Độ và Hàn Quốc hơn. Theo ước tính từ Goldman Sachs, dòng vốn ròng chảy vào hai thị trường này lần lượt là 12,3 và 6,4 tỷ USD.
Trong khi các chiến lược gia cổ phiếu tại loạt ngân hàng đầu tư lớn trên Phố Wall kỳ vọng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ giao dịch tốt hơn trong năm 2024, dự đoán về quy mô tăng điểm rất khác nhau.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs gần đây cho biết vào cuối năm sau, chỉ số CSI 300 sẽ tăng khoảng 17% so với mức hiện tại nhờ lợi nhuận và định giá doanh nghiệp cao hơn.
Nhóm chuyên gia của Morgan Stanley lại cho rằng chứng khoán Trung Quốc sẽ tăng 7,5% trong 12 tháng tới. Song, họ cảnh báo là “không loại trừ khả năng nhà đầu tư sẽ tiếp tục giảm vị thế và chuyển dòng vốn ra khỏi Trung Quốc” nếu các nhà hoạch định chính sách không tích cực hỗ trợ tăng trưởng.
“Điều gì thuyết phục một nhà đầu tư đang điều hành một quỹ trị giá 1 tỷ USD rót 10% số vốn đó vào Trung Quốc”, trưởng bộ phận giao dịch của ngân hàng Hong Kong đặt câu hỏi.
“Câu trả lời là triển vọng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn phải khả quan hơn, nếu không thì nhà đầu tư sẽ không chọn Trung Quốc”, người này nhấn mạnh.