|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường nhà đất Trung Quốc vẫn khủng hoảng, cần chính phủ giúp đỡ nhiều hơn

11:13 | 22/11/2023
Chia sẻ
Theo các nhà phân tích, các chính sách hỗ trợ thị trường địa ốc của Bắc Kinh vẫn chưa giải quyết vấn đề quan trọng nhất là rủi ro tín dụng của các nhà phát triển.

(Hình minh họa: Telegraph). 

Vấn đề lớn nhất

Theo các nhà phân tích, chính phủ Trung Quốc cần trợ giúp thêm cho thị trường bất động sản để ngăn chặn tình hình xấu đi hơn nữa.  

Trong lưu ý hồi cuối tuần trước, kinh tế trưởng của ngân hàng Macquarie là ông Larry Hu cho biết giá nhà có sẵn tại Trung Quốc đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2014 vào tháng 10. Dư nợ cho vay bất động sản cũng đi xuống, lần đầu tiên trong lịch sử. Điều này cho thấy cung và cầu của thị trường đều gặp lực cản ngày càng lớn.

Tờ CNBC cho biết đến nay, chính sách của Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào thúc đẩy nhu cầu. Song, chính phủ vẫn chưa “giải quyết vấn đề quan trọng nhất là rủi ro tín dụng liên quan đến các nhà phát triển bất động sản”, theo báo cáo ngân hàng Macquarie.

Báo cáo viết: “Nếu các ngân hàng không vào cuộc, nỗi lo về cuộc khủng hoảng niềm tin có thể dễ dàng thành sự thật khi doanh số sụt giảm và rủi ro vỡ nợ kết hợp với nhau. Trên thực tế, rủi ro tín dụng của một số nhà phát triển bất động sản lớn gần đây đã gia tăng nhanh chóng”.

Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc của doanh nghiệp bất động sản vào nợ vay, đồng thời kìm hãm đà tăng của giá nhà để giúp các hộ gia đình trẻ dễ mua nhà hơn.

Các nhà phân tích của UBS ước tính rằng bất động sản và các ngành liên quan hiện chiếm khoảng 22% GDP của Trung Quốc, thấp hơn tỷ trọng 25% trong những năm trước.

Kể từ tháng 11/2022, các nhà chức trách Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp nhằm giúp các nhà phát triển bất động sản tiếp cận nguồn vốn và hạ lãi suất vay thế chấp. Tuy nhiên, ông lớn Country Garden vẫn vỡ nợ một lô trái phiếu USD vào tháng trước.

Về phía người mua nhà, Nomura ước tính Trung Quốc có khoảng 20 triệu căn nhà đã bán nhưng vẫn còn dang dở. Tại Trung Quốc, nhà ở thường được mở bán trước khi hoàn thiện. Việc các công ty bất động sản không bàn giao được nhà đã gây ra làn sóng tẩy chay nợ vay thế chấp vào năm ngoái.

Các dữ liệu gần đây cho thấy rắc rối của ngành bất động sản đang ngày càng trầm trọng hơn. Giá nhà trung bình tại 70 thành phố lớn đã sụt 0,6% so với tháng liền trước vào tháng 10 - mạnh hơn mức giảm 0,5% của tháng 9.

Dẫn đầu đà giảm là các thành phố lớn nhất, theo báo cáo của Nomura. Đây là điều đáng ngại vì các thành phố lớn được kỳ vọng là sẽ duy trì nhu cầu tốt hơn mặt bằng chung nhờ lợi thế về việc làm.

Báo cáo viết: “Ngành bất động sản Trung Quốc vẫn chưa tạo đáy. Thị trường có vẻ đã quá lạc quan về các chính sách kích thích ngành bất động sản trong hai tháng qua”.

Các tín hiệu cấp cao

Trong vài ngày qua, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nỗ lực ra hiệu rằng họ sẽ hỗ trợ thêm cho ngành bất động sản.

Chẳng hạn, vào cuối ngày 17/11, ngân hàng trung ương thông báo họ đã họp với một số cơ quan quản lý tài chính khác để hướng dẫn hệ thống ngân hàng thương mại cho các nhà phát triển "đang hoạt động bình thường" vay vốn. Các quan chức cũng kêu gọi doanh nghiệp xây dựng thêm nhà ở giá phải chăng.

Các nhà phân tích của Citi nhận định: “Cuộc họp này sẽ ngăn tín dụng thu hẹp trong hai tháng cuối năm, bởi các tổ chức tài chính thường sắp xếp hợp đồng cho vay mới vào đầu năm mới để tạo ra khởi đầu mạnh mẽ.

Các quan chức tiếp tục nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tiếp cận vốn và giải quyết vấn đề nợ nần của các công ty huy động vốn cho chính quyền địa phương (LGFV). Động thái này có thể ngăn rủi ro leo thang.

Để có thể bảo vệ đà tăng trưởng mỏng manh, Trung Quốc cần thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng. Cuộc họp của các cơ quan quản lý tài chính là một bước đi đúng hướng”.

Giang