Bloomberg: Để dập tắt biến chủng Delta, chỉ vắc xin là chưa đủ
Là biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất cho đến nay, Delta dường như đang thử thách hệ thống y tế cộng đồng của nhiều nước trên thế giới. Tin tốt là trong hầu hết trường hợp, hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 vẫn được bảo toàn và đa số trường hợp nhiễm biến chủng Delta xảy ra ở những người chưa tiêm chủng.
Song, Bloomberg cảnh báo rằng chỉ riêng vắc xin thì không thể tạo thành lá chắn an toàn trước biến chủng Delta. Các chuyên gia y tế cộng đồng ngày càng nhấn mạnh rằng để chống lại biến chủng Delta, các nước cần nhiều chiến lược mới hơn.
1. Tại sao Delta lại khó ngăn chặn hơn các chủng khác?
Theo Bloomberg, biến chủng Delta vừa dễ lây nhiễm vừa có thể làm giảm khả năng miễn dịch dù người bệnh đã được tiêm ngừa hoặc từng nhiễm bệnh trước đó. Đến nay, các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân cụ thể tại sao nhưng họ tin rằng đây có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 8, biến chủng Delta (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ hồi tháng 10 năm ngoái) đã xuất hiện ở hơn 130 quốc gia trên toàn cầu.
2. Cách phòng chống tốt nhất trước biến chủng Delta?
Tiêm chủng đầy đủ, thường là hai mũi tiêm, là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, tránh trường hợp phải nhập viện nếu nhiễm biến chủng Delta. Để dập tắt mối đe dọa của Delta, nguồn cung vắc xin cần phải được phân bổ trên khắp thế giới và phần lớn cộng đồng dân cử phải được tiêm ngừa.
Nếu không, các nước sẽ chịu thiệt hại lớn, dẫn đến số lượng ca nhiễm, nhập viện và tử vong cao. Khi kịch bản tồi tệ này xảy ra, số người còn trụ vững sẽ phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên, khiến tốc độ lây lan của Delta chững lại và cuối cùng chấm dứt.
Song, cho phép điều đó diễn ra không chỉ gây mất mát cho cộng đồng và vắt kiệt sức của các nhân viên y tế, mà còn có nguy cơ làm phát sinh các biến chủng mới.
3. Các vắc xin hiện nay có hiệu quả với biến chủng Delta?
Theo Bloomberg, câu trả lời là có. Lợi ích của việc tiêm ngừa là giúp hệ miễn dịch nhận biết và chống lại virus SARS-CoV-2 nhanh hơn, giúp ngăn chặn rủi ro phát triển thành bệnh nặng hơn.
Các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao thường có tỷ lệ ca nhiễm phải nhập viện thấp hơn, chứng tỏ vắc xin đang có hiệu quả đối với biến chủng Delta.
4. Tại sao tiêm vắc xin vẫn nhiễm biến chủng Delta?
Đến nay, không có vắc xin ngừa COVID-19 nào giúp bảo vệ người dân hoàn toàn khỏi khả năng nhiễm bệnh. Kháng thể sản sinh sau khi tiêm ngừa có thể ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa biến chủng Delta, là chìa khóa để ngăn nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh.
Tuy nhiên, mỗi người phản ứng với vắc xin khác nhau, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa số lượng và chất lượng kháng thể mà cơ thể tạo ra sau khi tiêm chủng.
Nghiên cứu cho thấy, một số cá nhân đã tiêm vắc xin nhưng không sản sinh đủ kháng thể trong đường hô hấp trên (upper airways) để ngăn biến chủng Delta tái tạo trong mũi và cổ họng.
Dù vậy, một người được tiêm chủng đầy đủ thường có thể loại bỏ virus nhanh hơn so với người không được tiêm chủng hoặc chỉ mới tiêm chủng một phần. Điều này không chỉ ngăn ngừa virus gây ra các triệu chứng nặng hơn mà còn rút ngắn thời gian nhiễm bệnh và giảm khả năng lây lan cho người khác.
5. Có thể làm gì để vắc xin hiệu quả hơn?
Giới chức y tế ở một số nước giàu có đã bắt đầu tiêm liều bổ sung để tăng cường mức độ miễn dịch, có thể là mũi thứ ba của hầu hết loại vắc xin khác hoặc mũi thứ hai của vắc xin một liều Johnson & Johnson.
Bloomberg cho rằng, các chuyên gia y tế đưa ra quyết định trên có thể bắt nguồn từ các lo ngại về hiệu quả của những mũi tiêm trước, mức độ miễn dịch suy giảm theo thời gian và nhu cầu bảo vệ các nhóm đặc biệt dễ bị tổn hại, nhất là người già và người mắc chứng suy giảm miễn dịch.
Trong tương lai, các nước có thể cần phải tiêm liều vắc xin tăng cường theo định kỳ để củng cố và mở rộng dãy kháng thể. Cho đến nay, một số nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng miễn dịch sẽ tăng lên khi sử dụng kết hợp các loại vắc xin khác nhau.
Song, việc tiêm liều bổ sung đang gây tranh cãi. Một số chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng đây là hành động phi đạo đức khi mà các nước nghèo hơn còn đang chật vật tìm kiếm nguồn cung vắc xin để tiêm mũi đầu tiên cho người dân.
6. Liệu chỉ vắc xin là đủ?
Bloomberg dẫn lời các chuyên gia y tế lưu ý, vắc xin là chưa đủ để ngăn chặn biến chủng Delta trong các cộng đồng có tỷ lệ lây lan cao. Theo đó, các nước cần thực hiện thêm một số biện pháp bổ sung để chặn đà lây nhiễm của Delta.
Các chiến lược này chính là những biện pháp mà chúng ta triển khai trước khi có vắc xin: đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách với người khác, tránh tập trung đông người,... Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu còn kêu gọi chính phủ cải tạo hệ thống thông gió.
Trong một bài viết trên tập san Science, 39 nhà khoa học từ 14 quốc gia đã yêu cầu WHO mở rộng hướng dẫn về chất lượng không khí trong nhà để ngăn chặn các tác nhân gây bệnh trong không khí như virus SARS-CoV-2.