CNN: COVID-19 bùng phát ở các nước tiêm vắc xin Trung Quốc không có nghĩa là vắc xin không hiệu quả
Các bệnh viện tại Mông Cổ đều trong tình trạng quá tải, còn ở quần đảo Seychelles nhỏ bé cũng phải đối diện với việc ghi nhận hơn 100 ca mắc COVID-19 hàng ngày. Hay tại Chile, mặc dù đã phải dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc nhưng số ca nhiễm được báo cáo hàng ngày vẫn ở mức hàng nghìn trường hợp.
Theo CNN, điểm chung giữa các quốc gia này là đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ cho hơn 50% dân số, phần lớn đều là vắc xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất. Điều này đã dấy lên nghi vấn về hiệu quả của các loại vắc xin này.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng khẳng định mặc dù những loại vắc xin Trung Quốc có thể không hiệu quả cao như một số loại khác, nhưng chúng chắc chắn không phải là sự thất bại. Các chuyên gia cũng khẳng định, không có vắc xin nào bảo vệ 100% trước COVID-19, vì vậy các trường hợp nhiễm bệnh sau khi tiêm là điều đã được lường trước.
Các chuyên gia này nhấn mạnh rằng, thước đo sự thành công của một loại vắc xin là khả năng ngăn ngừa tử vong và nhập viện chứ không phải nhắm đến số ca nhiễm COVID-19 bằng 0.
Tại sao những người đã được tiêm chủng vẫn mắc COVID-19?
Trong khi các quốc gia phương Tây tích trữ nguồn cung vắc xin cho người dân của họ, Trung Quốc lại gửi vắc xin cho các quốc gia khác trên thế giới. Vào hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này đã chuyển giao hơn 350 triệu liều vắc xin COVID-19 cho hơn 80 quốc gia.
Hiện Trung Quốc có hai loại vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng khẩn cấp là Sinovac và Sinopharm. Cả hai loại vắc xin này đều sử dụng công nghệ vi rút bất hoạt để tạo ra phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân, đây là phương pháp đã được thử nghiệm và ứng dụng lâu năm.
Trong khi đó, vắc xin Pfizer và Moderna sử dụng một công nghệ mới hơn là mRNA. Phương pháp này hoạt động theo cách "dạy" các tế bào của cơ thể con người tại ra một đoạn protein tăng đột biến của vi rút SAR-CoV-2 để kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Nếu chúng ta muốn giảm các ca bệnh nặng và số ca tử vong thì vắc xin Sinopharm, Sinovac có thể giúp
Jin Dong-yan, Giáo sư về vi rút học phân tử tại Đại học Hồng Kông
Đến nay, các thử nghiệm cho thấy vắc xin Sinopharm và Sinovac có hiệu quả chống lại COVID-19 thấp hơn so với loại vắc xin sử dụng công nghệ mRNA. Theo dữ liệu thử nghiệm được gửi cho WHO, trong các thử nghiệm ở Brazil, Sinovac có hiệu quả khoảng 50% đối với COVID-19 có triệu chứng và 100% hiệu quả đối với bệnh nặng. Hiệu quả của Sinopharm đối với cả bệnh có triệu chứng và ngăn ngừa nằm viện ước tính là 79%, theo WHO.
Cả hai vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna đều có hiệu quả hơn 90% với COVID-19 có triệu chứng. Các nghiên cứu về hiệu quả toàn cầu của vắc xin Johnson & Johnson cho thấy hiệu quả 66% với bệnh từ trung bình đến nặng, 85% với bệnh nặng và 100% hiệu quả trong việc ngăn ngừa tử vong. Các thử nghiệm diễn ra vào những thời điểm khác nhau và ở những nơi có các biến thể khác nhau đang được lưu hành.
Các chuyên gia nhận định sự bùng phát dịch ở những nơi đã tiêm vắc xin Trung Quốc là điều có thể lường trước với tỷ lệ hiệu quả này.
Ông Ben Cowling, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, cũng cho rằng vắc xin Trung Quốc dường như vẫn đang hạn chế số ca bệnh nghiêm trọng và tử vong: "Tôi nghĩ rằng vắc xin Trung Quốc đang hoạt động hiệu quả và chắc chắn chúng đã cứu sống rất nhiều người”.
Vậy điều gì đang xảy ra tại Chile, Mông Cổ và Seychelles?
Chile gần đây ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày. Quốc gia này đã tiêm chủng đầy đủ cho 55% dân số, trong số đó có tới 80% được tiêm vắc xin Sinovac.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Chile, 73% trường hợp phải chữa trị tại khoa Hồi sức tích cực từ ngày 17 đến 23/6 là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Seychelles, nơi các nhà chức trách cho biết, hầu hết các trường hợp bệnh nặng hay nguy kịch do COVID-19 đều là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Quốc gia này đang sử dụng vắc xin Sinopharm cho những người trưởng thành dưới 60 tuổi, trong khi những người trên 60 tuổi sử dụng Covishield, vắc xin AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ, có tỷ lệ hiệu quả tương tự 76% đối với bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng và 100% đối với bệnh nghiêm trọng.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Facebook hồi tháng 6, Bộ Y tế Seychelles cho biết, trong số 63 trường hợp tử vong do COVID-19 ở nước này vào thời điểm đó, chỉ có ba người đã được tiêm đủ hai liều và ở độ tuổi từ 51 đến 80.
Còn tại Mông Cổ, bà Enkhsaihan Lkhagvasuren, người đứng đầu Bộ Y tế về thực hiện chính sách y tế công cộng, cho biết họ đã tiêm chủng đầy đủ cho 53% dân số, trong số đó có 80% được tiêm vắc xin Sinopharm. Khoảng 1/5 số ca mắc COVID-19 tại Mông Cổ là những người đã tiêm phòng đầy đủ, nhưng có tới 96% số ca tử vong là những người chưa được tiêm phòng hoặc mới chỉ tiêm một liều.
Để đạt được miễn dịch cộng đồng, nước này cần tiêm chủng cho hơn 80% dân số. Đất nước 3 triệu dân này vẫn còn đến 1,6 triệu người dễ bị tổn thương trước tác động của dịch COVID-19.
Chúng tôi không thể nói là vắc xin này tệ hay vắc xin kia tốt. Bởi tất cả các loại vắc xin hiện có đều giảm nguy cơ mắc bệnh nặng
Bà Enkhsaihan Lkhagvasuren, đại diện Bộ Y tế Mông Cổ
Cô Odgerel Chuluunbat, chủ một doanh nghiệp đã được tiêm phòng đầy đủ ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, đã từng bị mắc COVID-19 và hồi phục tại nhà, cho biết cô tin rằng tình trạng bệnh của mình có thể sẽ tồi tệ hơn nếu không có vắc xin Sinopharm.
"Tôi không hối hận khi được tiêm vắc xin. Nếu không có nó, tình hình đất nước sẽ rất tồi tệ", cô nói.
Trong bối cảnh nguồn cung vắc xin toàn cầu đang thiếu hụt, nhiều quốc gia đang phát triển có rất ít lựa chọn khác. Mông Cổ đã được phân bổ hơn 112.000 liều AstraZeneca và 126.000 liều Pfizer thông qua sáng kiến COVAX, nhưng vấn đề sản xuất và dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ đã khiến việc giao hàng bị trì hoãn.
Nhân viên y tế ở Indonesia tử vong không liên quan vắc xin Trung Quốc
Tại Indonesia, nơi vừa nhận được cảnh báo đang "bên bờ vực thảm họa", đã có ít nhất 88 bác sĩ đã tử vong vì COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến ngày 26/6. Trong đó, ít nhất 20 người đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin Sinovac, 35 người khác chưa được tiêm phòng và 33 trường hợp còn lại vẫn đang chờ kết luận điều tra.
Ước tính đã có khoảng 1.600 bác sĩ ở Indonesia bị nhiễm COVID-19 chỉ trong tháng 5 và tháng 6 nhưng không rõ bao nhiêu người trong số đó đã được tiêm phòng.
Theo Tiến sĩ Adib Khumaidi, nguyên nhân khiến các nhân viên y tế này tử vong không phải do vắc xin, mà do họ bị quá tải với công việc, khi có quá nhiều bệnh nhân và quá ít thời gian để nghỉ ngơi.
"Dựa trên dữ liệu điều tra của chúng tôi, trường hợp tử vong của các nhân viên y tế không liên quan gì đến vắc xin Sinovac. Điều quan trọng nhất là tiêm vắc xin và mọi người nên tiếp tục tuân thủ các quy trình chăm sóc sức khỏe", ông Adib cho biết.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hermawan Saputra, nhà dịch tễ học và là thành viên của Hiệp hội Chuyên gia Y tế Cộng đồng Indonesia, cho biết các biến chủng với độc lực lớn hơn có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin.
Vấn đề người được tiêm chủng vẫn tử vong do COVID-19 không chỉ xảy ra với vắc xin Trung Quốc. Một báo cáo của Tổ chức Y tế cộng đồng Anh vào tháng 6/2021 cho thấy trong số 117 người tử vong trong vòng 28 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với biến chủng Delta ở Anh thì 50 người đã được tiêm hai liều vắc xin.
Song những trường hợp tử vong như vậy rất hiếm, tổng cộng có 92.029 ca mắc biến thể Delta, trong đó 58% trường hợp không được tiêm chủng. Ngoài vắc xin AstraZeneca sử dụng công nghệ vector vi rút, Anh hiện đang sử dụng vắc xin Moderna và Pfizer/BioNTech, cả hai đều là vắc xin mRNA.
Giáo sư về vi rút học phân tử Jin Dong-yan cảnh báo một số người được tiêm vắc xin nhưng vẫn nhập viện vì COVID-19 có thể do bị suy giảm miễn dịch, đồng nghĩa là cơ thể họ không thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
Trong tình trạng nguồn cung vắc xin không đủ cầu như hiện tại, ông Scott Rosenstein, Giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại tổ chức Eurasia Group (Mỹ), nói: “Dù vậy, tiêm vắc xin Trung Quốc vẫn tốt hơn là không có gì. Ở những nơi mà đó (vắc xin Trung Quốc) là lựa chọn duy nhất, nó vẫn là lựa chọn tốt nhất”.
Ông Scott Rosenstein cũng lo ngại rằng những hoài nghi về vắc xin Trung Quốc có thể tạo ra tâm lý do dự, trì hoãn và chờ đợi đến khi có loại vắc xin khác khiến tiến độ tiêm chủng toàn cầu bị chậm trong bối cảnh biến thể của vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành.