Hiệp hội dệt may Mỹ kiến nghị ông Biden gửi thêm vắc xin cho Việt Nam
Trong hai bức thư gửi đi hôm 27/7, Hiệp hội Dệt may và Giày dép Mỹ (AAFA, trụ sở tại thủ đô Washington) lần lượt kiến nghị Tổng thống Joe Biden gửi thêm vắc xin cho Việt Nam, và mong muốn Việt Nam ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân may mặc và giày da trong nước.
Theo Nikkei Asia, AAFA là cơ quan đại diện cho khoảng 1.000 thương hiệu thời trang toàn cầu, trong đó có Gap và Adidas. Các thành viên của hiệp hội này sản xuất đa dạng sản phẩm, từ áo sơ mi Calvin Klein đến giày ECCO và ba lô Jansport.
Trong thư, AAFA trình bày, các hãng sản xuất thiết bị điện tử tại Việt Nam đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách thực hiện phương án "3 tại chỗ", cho nhân viên ngủ lại nơi làm việc để duy trì hoạt động liên tục.
Tuy nhiên, do có biên lợi nhuận thấp hơn, các nhà máy sản xuất hàng dệt may không có đủ năng lực để chi trả cho phương án trên. Hiện tại, Việt Nam là nguồn cung hàng may mặc và giày dép lớn thứ hai của Mỹ, sau thị trường Trung Quốc.
AAFA kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden gửi thêm vắc xin cho Việt Nam. Theo phía hiệp hội, động thái này không chỉ cứu sống hàng triệu sinh mạng còn có thể giúp kinh tế Mỹ khởi sắc hơn nữa.
Ngoài ra, AAFA đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính bổ sung công nhân của các nhà máy dệt may vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, bên cạnh các nhân viên y tế và quân đội.
Cụ thể hơn, hiệp hội kêu gọi Việt Nam chuyển nhiều vắc xin hơn đến các trung tâm công nghiệp ở phía nam, vốn đang là tâm dịch trong đợt bùng phát thứ 4.
"Thành công của ngành dệt may Mỹ phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe của công nhân dệt may tại Việt Nam", CEO Steve Lamar của AAFA nhấn mạnh trong thư.
Đại dịch COVID-19 bùng phát mới đang đe dọa đến các công ty như Nike. Hãng thời trang này khẳng định có 200 nhà cung ứng trên khắp Việt Nam, chiếm khoảng 50% sản lượng giày của Nike trên toàn cầu trong năm tài chính 2020.
Trong một báo cáo gần đây, Panjiva, một công ty con của S&P Global, cho biết nguồn cung ứng giày dép của Nike có thể đang ở mức thấp do sự gián đoạn mà đại dịch gây ra tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, các nhà thầu chính của Nike như Pouchen, Changshin, Feng Tay Enterprises và Eclat Textile đã phải tạm dừng sản xuất để phòng, chống đại dịch COVID-19.
Khi được Nikkei Asia hỏi liệu hãng có đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng hay không, Nike cho biết họ có thể vượt qua những hạn chế trong ngắn hạn này.
"Chúng tôi mong muốn các nhà cung ứng của hãng tại Việt Nam ưu tiên sức khỏe và sinh kế của công nhân, đồng thời tiếp tục tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy tắc ứng xử của Nike về việc cấp phát tiền lương, phúc lợi,... cho người lao động", một phát ngôn viên của Nike chia sẻ.
Các khách hàng tại Mỹ ngày càng tin dùng hàng hóa Việt Nam. Tính từ đầu năm đến tháng 5 vừa qua, các lô hàng dệt may từ Việt Nam đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ.