|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lo ngại chuỗi cung ứng đứt gãy vì dịch COVID-19, đơn hàng dệt may đang dịch chuyển?

16:59 | 27/07/2021
Chia sẻ
Kể từ khi các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội đã có đến 97% doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa vì không thể vừa sản xuất vừa chống dịch. Điều này trở thành thách thức lớn cho doanh nghiệp khi đã nhận được đơn hàng nhưng không thể thực hiện.

Giãn cách xã hội khiến đơn hàng dệt may đang dịch chuyển

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chỉ thị mới nhất của TP HCM đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố là chỉ được hoạt động khi tuân thủ nghiêm nguyên tắc "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) và "một cung đường, hai điểm đến" (chỉ duy nhất tuyến đường từ nơi sản xuất đến nơi ở). 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng đáp ứng được quy định để duy trì nhà máy, hoặc nếu có thể đáp ứng thì hoạt động sản xuất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chia sẻ với người viết, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết với phương án "3 tại chỗ" công ty chỉ sắp xếp được chỗ ở cho khoảng 35% trong số 3.500 công nhân ở lại làm việc. 

Mặc dù đơn hàng của Việt Thắng Jean đã trải dài đến cuối năm nhưng với tình hình hiện nay doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 35% số lượng đã nhận bởi dịch bệnh căng thẳng công ty không thể nhận thêm công nhân vào làm việc và khả năng duy trì sản xuất bên trong cũng rất khó lường nếu xảy ra trường hợp lây nhiễm.

Trong khi đó các nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty cũng bị đứt gãy do các nhà cung cấp trong nước phải đóng cửa vì dịch bệnh càng khiến doanh nghiệp khó khăn.

"Tình hình dịch nếu kéo dài đến tháng 9 với việc hoạt động "3 tại chỗ" giảm năng suất như hiện nay thì không doanh nghiệp nào chịu nổi. Chưa kể công ty không biết phản hồi như thế nào với khách hàng về thời gian quay trở lại sản xuất theo nhịp độ bình thường khiến đơn hàng dịch chuyển sang các nước khác", ông Việt chia sẻ.

Thực tế với hơn 90% các doanh nghiệp ngành dệt may đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh các doanh nghiệp này rất khó hoàn thành đơn hàng để giao cho khách.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết: "Trong hai quý đầu năm nay, các doanh nghiệp dệt may đã nhận nhiều đơn hàng để thực hiện trong quý III và quý IV, tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát đã khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, một số đơn hàng buộc phải chuyển dịch để đáp ứng yêu cầu của đối tác. 

Vì dệt may là mặt hàng nặng tính mùa vụ, nếu để chậm trễ đến hết mùa vụ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của các nhãn hàng, đối tác", ông Giang chia sẻ.

Theo số liệu của Vitas thời điểm này có đến 97% các doanh nghiệp trong ngành dệt may tại các tỉnh phía Nam đều phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19. Còn lại khoảng 3% vẫn hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", chủ yếu phục vụ khâu phát triển mẫu hoặc do có các đơn hàng gấp, nếu dừng sản xuất thì thiệt hại rất lớn.

Cũng theo ông Giang việc cam kết với đối tác thời điểm sản xuất trở lại là rất khó. Chính điều này dẫn đến việc đối tác lo ngại chuỗi cung ứng hàng hóa của họ sẽ bị đứt gãy. Do đó tạm thời các đối tác sẽ chuyển đơn hàng sang các nước khống chế dịch tốt hơn.

"Hiệp hội đang làm việc với các nhãn hàng, đối tác để chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất như giãn thời gian giao hàng nhưng vấn đề không biết phải giãn đến thời gian nào. Đây là thách thức rất lớn và không ai dám khẳng định đến thời điểm nào hết dịch và thời điểm nào các địa phương sẽ bỏ giãn cách để doanh nghiệp quay lại sản xuất", Chủ tịch Vitas chia sẻ.

Lo ngại chuỗi cung ứng đứt gãy vì dịch COVID-19, đơn hàng dệt may đang dịch chuyển? - Ảnh 1.

97% các doanh nghiệp trong ngành dệt may tại các tỉnh phía Nam đều phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Giữ chân lao động mới là vấn đề đáng lo ngại

Ông Phạm Văn Việt cho rằng khi dịch bệnh qua đi thì Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn tốt nhất trong mắt đối tác. 

Minh chứng là trong 6 tháng đầu năm, dệt may Việt Nam xuất khẩu 18,8 tỷ USD, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thị trường EU có khởi sắc rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, chất lượng tay nghề của người lao động Việt Nam đang ngày càng nâng cao, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn mà các nhãn hàng yêu cầu. Do đó, các đối tác dần chuyển đơn hàng sang nước khác hiện tại không phải là điều quá lo lắng. 

Trong khi đó, theo đại diện Việt Thắng Jean cái mà doanh nghiệp dệt may cần quan tâm nhất thời điểm này là có biện pháp giữ chân nguồn nhân lực. 

"Khi dịch bệnh ổn định vấn đề lo ngại là lao động quay lại làm việc có đủ hay không vì hiện tại một số đã về quê tránh dịch và khả năng sẽ có không ít người lao động trong ngành dệt may tìm kiếm cơ hội làm việc mới sau khi trở lại thành phố", ông Việt nói.

Còn theo Chủ tịch Vitas, với vấn đề người lao động, Hiệp hội đề nghị Chính phủ bằng mọi cách sớm có vắc xin tiêm cho người lao động vì chỉ có vậy họ mới yên tâm quay lại sản xuất khi các địa phương dở bỏ giãn cách.

"Bên cạnh đó cần phải có chỉ đạo xuyên suốt hơn từ Chính phủ đến địa phương về việc kiểm soát đi lại, xét nghiệm COVID-19 vì thực tế lao động đến từ nhiều địa phương khác nhau, nếu các quy định không thống nhất sẽ là thách thức lớn với doanh nghiệp và áp lực tâm lý cho người lao động khi muốn trở lại nhà máy", ông Giang cho biết.

Ngoài ra, theo đại diện Hiệp hội các cơ quan, ban ngành như thuế, bảo hiểm, lao động cần sớm trình Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ cho công nhân các ngành sản xuất như dệt may, da giày, thủy sản bị mất việc vì dịch bệnh để có được các khoản hỗ trợ để duy trì cuộc sống, từ đó mới tạo được nền tảng khôi phục ngành hàng trong thời gian tới.

Như Huỳnh