Bộ Công Thương: Dệt may Việt Nam sẽ trở lại mức xuất khẩu trước dịch, sớm hơn so với dự báo
Báo cáo tình hình xuất khẩu của Bộ Công Thương cho biết 5 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng hơn 60%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.
Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến hết năm. Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng mạnh đơn hàng là sự chuyển dịch đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam.
Qua thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi sản xuất từ mặt hàng truyền thống như veston cao cấp, sơ mi cao cấp...sang đồ bảo hộ lao động, sản phẩm dùng cho y tế, may đồ dệt kim. Các doanh nghiệp ngoài việc đa dạng hóa dòng hàng, còn đa dạng hóa thị trường cũng như thích ứng với nền tảng cơ chế thanh toán theo bối cảnh mới.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào các thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu đựng áp lực của thị trường về chất lượng và giao hàng nhanh.
Dự báo xuất khẩu dệt may sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhờ sự phục hồi nhu cầu tại các thị trường. Điển hình như Mỹ là thị trường truyền thống đang phục hồi sau khi quốc gia này mở rộng tiêm vắc-xin cho người dân. Xuất khẩu 4 tháng đầu năm sang Mỹ tăng đến gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ, trong quý I/2021, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ đã tăng 4,3% và đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng.
Thị trường EU, Hàn Quốc phục hồi làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng nhập khẩu bình quân 3%/năm.
Trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tại thị trường EU mới chỉ chiếm khoảng 2% dư địa để nganh dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực là rất lớn.
Thực tế, kể từ tháng 8/2020 (thời điểm EVFTA có hiệu lực) đến hết quý I/2021 xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU bắt đầu cải thiện.
Thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu xơ sợi của Việt Nam đến 49%, tăng thêm 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ cho hàng dệt may xuất khẩu sang EU và các nước CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ vẫn còn là hạn chế đối với ngành dệt may Việt Nam.
Trong dài hạn, mức thuế nhập khẩu hàng dệt may sẽ tiếp tục được cắt giảm sâu, các chuỗi sản xuất khép kín từ nguyên liệu thô đến sản phẩm cuối cùng được hình thành sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tận dụng hiệu quả hơn nữa các ưu đãi do hiệp định FTA mang lại.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá thành phẩm chưa tăng tương ứng. Từ cuối năm 2020, giá sợi cao, nguyên nhân do mùa vụ bông vừa qua của thế gưới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Trong khi đó, giá vải chưa tăng lên, hoặc tăng không đáng kể.
Ngoài ra, là ngành hàng sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp dệt may luôn đối mặt với rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Mặc dù tình hình không bị đóng băng như năm 2020 nhưng cá biệt ở từng đơn vị, nếu không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy, buộc phải đóng cửa, ngừng sản xuất thì thiệt hại sẽ rất lớn.
"Các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm là hàng thu đông và sẽ có giá trị cao hơn. Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 có thể tăng khoảng 10% so với năm 2020, tương đương 39 tỷ USD và dệt may Việt Nam có thể quay trở lại mức xuất khẩu của năm 2019, sớm hơn khoảng một năm so với dự báo trước đó", Bộ Công Thương dự báo.