Bảo dưỡng cơ hội (Opportunistic maintenance) là gì?
Bảo dưỡng cơ hội
Khái niệm
Bảo dưỡng cơ hội trong tiếng Anh gọi là: Opportunistic maintenance.
Về bản chất, bảo dưỡng cơ hội là việc thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa với các hư hỏng không có trong kế hoạch khi dây chuyền hay thiết bị phải dừng vì một nguyên nhân nào đó: hỏng đột ngột ở một bộ phận khác, mất điện, hết đơn hàng.
Tuy một số chuyên gia không coi đây thực sự là một phương pháp bảo dưỡng nhưng trên thực tế, hình thức bảo dưỡng cơ hội có ý nghĩa tương đối lớn trong việc giảm chi phí và thời gian bảo dưỡng. Nó cũng có thể áp dụng tốt với bảo dưỡng phòng ngừa theo tình trạng thiết bị.
Ưu điểm
Tổng quan, việc áp dụng bảo dưỡng cơ hội nhằm hai mục đích chính: (Theo An Intelligent Opportunistic Maintenance (OM) System: A Genetic Algorithm Approach, Department of Industrial Engineering, Hashemite University, Zarka, Jordan)
1. Để kéo dài tuổi thọ thiết bị hoặc ít nhất là thời gian trung bình cho lần hư hỏng tiếp theo mà việc sửa chữa có thể tốn kém. Chính sách bảo trì này dự kiến có thể giảm tần suất gián đoạn của dịch vụ và nhiều hậu quả không mong muốn đi kèm sự gián đoạn đó, và
2. Để tận dụng các nguồn lực, công sức và thời gian đang dành cho việc bảo trì các bộ phận khác trong hệ thống để cắt giảm chi phí.
Giải thích các thuật ngữ liên quan:
Bảo dưỡng phòng ngừa theo tình trạng thiết bị là phương pháp bảo dưỡng phòng ngừa tiên tiến được phát triển từ bảo dưỡng phòng ngừa theo thời gian, được áp dụng trong các ngành công nghiệp khoảng từ giữa những năm 1950.
Nội dung chính của phương pháp này là: Doanh nghiệp xác định chế độ bảo dưỡng thiết bị trên cơ sở thực trạng kĩ thuật- công nghệ của thiết bị.
Bảo dưỡng thiết bị được định nghĩa là mọi việc làm có thể duy trì hoặc khôi phục một thiết bị tới một điều kiện xác định có thể tạo ra sản phẩm mong muốn.
Nó bao gồm các tác vụ giúp bảo tồn năng lực thiết bị, qua đó đảm bảo tính liên tục và chất lượng của sản xuất. Bảo dưỡng diễn ra trong toàn bộ thời gian sử dụng (tuổi thọ) của thiết bị.
(Tài liệu tham khảo: Quản lí kĩ thuật và công nghệ, PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)