Bạn không lười biếng khi thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày: Ngủ trưa là thói quen của người làm việc hiệu quả, tận tâm và sáng tạo
Một bài viết của Galadriel Watson.
Theo Giáo sư khoa học nhận thức Sara Mednick, có hai yếu tố sinh học gây ra tình trạng buồn ngủ. Đầu tiên là chu kỳ sinh học (đó là cảm giác buồn ngủ vào buổi tối và thức dậy khi trời sáng). Vào giữa ngày, chu kỳ này làm nhiệt độ và hormon cortisol (hormon chống stress) của cơ thể giảm đi so với mức cao vào buổi sáng. Và sự điều chỉnh nhiệt độ này sẽ khiến bạn buồn ngủ.
Thứ hai là cân bằng nội môi. Ta sẽ dễ buồn ngủ hơn khi thức quá lâu. "Áp lực giấc ngủ" và nhu cầu ngủ sẽ tăng cao khi càng về cuối ngày. Và giữa trưa chính là thời điểm lý tưởng cho "cơn bão của sự mệt mỏi". Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm nhận được điều đó. Theo khảo sát vào năm 2009 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ ngủ trưa mỗi ngày.
Lawrence Epstein, cựu chủ tịch Học viện Y học về Giấc ngủ Mỹ cho rằng, mất ngủ kinh niên là một rắc rối. Nó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, khả năng tập trung, tâm trạng và sức khoẻ . Đồng thời, nó còn là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh béo phì, tăng huyết áp và bệnh tim.
Ngủ trưa giúp phục hồi sức mạnh não bộ
Theo Mednick, những giấc ngủ ngắn sẽ khiến tâm trạng của bạn trở nên tốt hơn, tăng khả năng sáng tạo, tốc độ xử lý thông tin, cải thiện trí nhớ và sức bền. Giấc ngủ ngắn có khả năng thúc đẩy và phục hồi sức mạnh của não bộ. Đối với người trưởng thành, ngủ trưa mỗi ngày sẽ giúp tăng khả năng chịu đựng và tính điềm tĩnh. Ngoài ra, nó còn làm chậm quá trình mất trí ở người cao tuổi. Theo đó, những người ngủ trưa 1-2 lần/tuần sẽ ít nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn nhóm còn lại.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ngủ trưa. "Ngủ trưa giống như một con dao hai lưỡi. Việc ngủ quá nhiều vào ban ngày sẽ khiến bạn mất ngủ khi đêm đến." Không những thế, buồn ngủ vào ban ngày còn là triệu chứng của chứng rối loạn giấc ngủ. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày và không thể chợp mắt vào buổi tối, hãy đến và gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Làm việc tại nhà là cơ hội để bạn rèn luyện thói quen ngủ trưa lành mạnh
Chất lượng giấc ngủ là yếu tố quan trọng nhất. Sự căng thẳng và áp lực sinh ra trong giai đoạn gần đây đã làm gián đoạn giấc ngủ hàng đêm của nhiều người. Điều đó đồng nghĩa với việc họ cần phải ngủ trưa nhiều hơn. Song, hình thức làm việc tại nhà cũng tạo ra nhiều thời gian và không gian hơn cho việc chăm sóc bản thân. Không có gì lạ khi chúng ta ngủ trưa nhiều hơn vào thời gian gần đây.
Theo Julia Hobsbawm, tác giả của quyển "The Simplicity Principle", bộ não của chúng ta hoạt động như một chiếc máy tính được bật trong nhiều ngày liên tục và sẽ bị xói mòn nhanh chóng. Làm việc tại nhà tạo điều kiện để ta điều chỉnh thói quen của mình và việc bổ sung một giấc ngủ ngắn vào lịch trình hằng ngày là vô cùng hữu ích.
Cách ngủ trưa hiệu quả
Một nghiên cứu của NASA cho thấy, giấc ngủ ngắn từ 10-20 phút là tốt nhất. Hãy tự trải nghiệm và tìm ra thời gian ngủ phù hợp, giúp bạn sảng khoái mà không làm hỏng giấc ngủ chính thức của mình.
Ngoài ra, việc nghỉ ngơi trên giường tốt hơn so với việc ngủ trên ghế hay sofa. Nếu cần, hãy dùng mặt nạ che mắt và nút bịt tai. Cố gắng gạt bỏ hết những lo lắng, hít thở chậm và sâu. Hãy tập trung vào việc thư giãn cơ bắp để bản thân thật thoải mái.
Hành động dội nước lên mặt hoặc bước ra nơi có ánh sáng sẽ giúp bạn trở nên tỉnh táo hơn sau giấc ngủ. Bạn có thể uống một ít cà phê sau khi tỉnh dậy nhưng không nên uống quá nhiều và quá muộn vì nó có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ buổi tối của bạn.
Ngủ trưa là thói quen của những người làm việc hiệu quả, tận tâm và sáng tạo
Theo Mednick, mọi người luôn tìm cách để chợp mắt nếu họ muốn. Họ có thể ngồi trong xe hơi hoặc dựa đầu vào tay với điệu bộ trầm tư. Giấc ngủ ngắn giúp nâng cao hiệu suất công việc. Nhưng không may, đó chẳng phải là điều mà quản lý của bạn muốn.
"Thật tuyệt, nếu bạn có thể chợp mắt vào buổi trưa. Nhưng nếu bạn không thể, hãy tìm đến những lựa chọn thay thế liên quan đến hoạt động thể chất chẳng hạn như đi bộ hay thậm chí là vẽ vời. Nó vẫn hiệu quả cho việc nạp lại năng lượng", Hobsbawm chia sẻ.
Mednick hy vọng các công ty sẽ cho phép nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà sau đại dịch để cải thiện chất lượng giấc ngủ: "Ngủ trưa không phải là điều mà những người lười biếng thường làm. Đó là thói quen của những người làm việc hiệu quả, tận tâm và sáng tạo".