|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗi đau của hàng triệu người Trung Quốc sau sự sụp đổ của thị trường nhà ở

20:15 | 04/10/2022
Chia sẻ
Căn hộ thể hiện tầm quan trọng của một căn nhà trong suy nghĩ của người Trung Quốc. Đối với họ, nó không chỉ là mái nhà trên đầu mà còn là góp phần tạo nên một gia đình.

Li (34 tuổi), sống tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đã mua một căn hộ làm tổ ấm tương lai cho cô bạn gái đang mang thai con của anh. Họ đã lên kế hoạch cho đám cưới. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Hiện tại, người đàn ông 34 tuổi không vợ, không con và không nhà, 'đồng hành" cùng anh là một khoản thế chấp vay mua nhà kéo dài 20 năm, theo CNA.

Mọi thứ bắt nguồn từ việc dự án bất động sản ở Hồ Nam đã bị tạm dừng. Chính điều đó đã khiến cha mẹ của cô gái tin rằng con gái của họ không nên cưới Li. “Họ nói rằng một căn hộ chưa hoàn thiện không phải là nhà, vì vậy cô ấy đã phá thai và chia tay với tôi,” Li, một nhân viên hợp đồng kể lại.

“Vụ phá thai đã lấy đi tất cả niềm tin của tôi. Cả thế giới của tôi sụp đổ. Tôi tuyệt vọng nhưng tôi không thể làm gì được ”, người đàn ông bất lực.

 Bạn gái của Li phá thai vì anh không có nhà. (Ảnh: CNA).

“Bất kỳ người đàn ông Trung Quốc nào cũng có thể nói với bạn rằng: Nếu bạn không có tài sản riêng, bạn sẽ gần như không thể tìm được vợ trừ khi bạn được các cụ độ. Nếu bạn là một người đàn ông bình thường như tôi… thì ít nhất bạn cũng phải có một căn hộ. Còn không, sẽ không có ai sẵn sàng kết hôn với bạn. Ngay cả khi ai đó muốn, bạn có dám kết hôn với cô ấy không? Bạn có cảm thấy điều đó không công bằng với cô ấy không?", Li nói.

Căn hộ chưa hoàn thiện của Li nói lên rất nhiều điều. Căn hộ thể hiện tầm quan trọng của một căn nhà trong suy nghĩ của người Trung Quốc. Đối với họ, nó không chỉ là mái nhà trên đầu mà còn là góp phần tạo nên một gia đình.

Ở quốc gia tỷ dân này, có một khái niệm gọi là "nền kinh tế mẹ chồng" - nơi có hơn 35 triệu đàn ông độc thân thì các bà mẹ có quyền lựa chọn một người đủ khả năng cho con gái của họ một mái nhà.

Câu chuyện của Li cũng là nỗi đau của hàng triệu người dân Trung Quốc sau sự sụp đổ của thị trường nhà. Họ đang trong tình trạng lấp lửng khi các nhà phát triển bất động sản thiếu tiền tạm dừng xây dựng. 

Đối với thế hệ millennials Trung Quốc, những người lớn lên với hơn 30 năm tăng trưởng kinh tế không ngừng nghỉ, tình trạng mông lùng này được xem là cuộc khủng hoảng đầu tiên đối với họ. Hàng nghìn người mua nhà đã đe dọa tẩy chay các khoản thanh toán thế chấp và khiến phần còn lại phải trả giá.

Khu chung cư chưa hoàn thành của Li nằm ở Tương Đàm, một trong những thành phố cấp 4 của Trung Quốc. Anh ấy đã làm việc nhiều năm ở Thượng Hải nhưng cảm thấy mệt mỏi với môi trường đầy cạnh tranh của thành phố này. Đây là lý do tại sao anh ấy muốn định cư ở một nơi có nhịp sống chậm và có những ngôi nhà rẻ hơn. 

Khoản tiền trả trước của anh ấy là khoảng 200.000 nhân dân tệ và anh ấy đã vay 500.000 nhân dân tệ từ khoản vay ngân hàng. “Khoản trả nợ hàng tháng của tôi không nhiều, khoảng 3.000 nhân dân tệ vì căn hộ không lớn lắm,” anh nói. 

Có thể, khoản nợ chỉ chiếm gần 35% thu nhập của Ly. Nhưng đối với một người mua nhà khác là Tian, khoản thanh toán thế chấp lên tới 2.800 nhân dân tệ hàng tháng chiếm 70% thu nhập của gia đình anh.

Tian cũng đã vay của bố mẹ, một số bạn bè và được ngân hàng cho vay 400.000 nhân dân tệ. Vợ chồng anh quyết định mua một căn hộ vào năm 2018, khi vợ anh có bầu. Và lẽ ra căn nhà phải được hoàn thành và bàn giao vào tháng 8/2020. Đây cũng là dự án mà Li bỏ tiền vào.

Mọi việc trở nên phức tạp hơn khi Tian bị mất việc do đại dịch COVID-19 và anh đã thất nghiệp hơn nửa năm nay. Gánh nặng tài chính đổ dồn sang cho vợ của anh.

Để gây áp lực lên chủ đầu tư và chính quyền địa phương, anh Tian và một số người mua nhà đã chuyển đến khu chung cư chưa hoàn thiện của họ - những căn hộ không điện, không nước máy và sử dụng nhà vệ sinh cách xa gần nửa cây số.

Không còn cách nào khác, Tian cùng các chủ nhà khác đã phải gửi thư đến ngân hàng của mình vào tháng 7, đe dọa sẽ ngừng thanh toán nếu việc xây dựng không tiếp tục vào tháng 9. 

“Chúng tôi đã nói chuyện với chính quyền cũng như chủ dự án. Họ cũng không thể đưa ra phản hồi rõ ràng, chỉ câu giờ và đánh lừa chúng tôi", Tian cho biết.

Theo trang web có tên “WeNeedHome”, người mua nhà tại hơn 340 dự án ở khoảng 120 thành phố của Trung Quốc hiện đã tuyên bố tẩy chay thế chấp.  

(Tên các nhân vật đã được thay đổi)

Thùy Trang