VIS Rating: Ngân hàng nhỏ đối mặt với rủi ro nợ xấu từ các khoản vay nhà ở gắn với dự án đầu cơ
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), công ty thành lập từ vốn đầu tư của Moody's và các tổ chức tài chính tại Việt Nam, nhận định các ngân hàng kết thúc năm 2024 với kết quả khả quan, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng lớn.
Báo cáo VIS Rating cho biết sự phục hồi của các khoản vay mua nhà với lợi tức cao và tỷ lệ hình thành nợ xấu chậm lại trong quý IV/2024 đã thúc đẩy lợi nhuận và cải thiện chất lượng tài sản cho các ngân hàng này.
Trái lại, năng lực tín nhiệm của một số ngân hàng nhỏ vẫn ở mức yếu, do nợ xấu cao và chi phí tín dụng tăng từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cùng với áp lực biên lợi nhuận và vấn đề thanh khoản giữa bối cảnh cạnh tranh huy động tiền gửi gia tăng.

(Nguồn: VIS Rating)
Nhóm phân tích đánh giá rủi ro tài sản của ngành đã ổn định trong năm 2024, khi tỷ lệ hình thành nợ xấu phát sinh mới giảm đối với một số ngân hàng quốc doanh (SOBs) và ngân hàng lớn. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu của ngành giảm nhẹ 0,5 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,25% trong năm 2024.
Theo ghi nhận của VIS Rating, một số ngân hàng lớn đã chủ động thắt chặt việc cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng mới như VPBank và có tỷ lệ nợ xấu các khoản vay mua nhà thấp hơn trong nửa cuối năm 2024 như Techcombank.
Trong các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới của VietinBank đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2024, trong khi BIDV và Vietcombank đã giảm nợ xấu thông qua việc đẩy mạnh xóa nợ.
Ngược lại, chất lượng tài sản của các ngân hàng nhỏ tập trung vào khách hàng cá nhân và SMEs, đơn cử như Saigonbank, ABBank và Bac A Bank bị suy giảm, chủ yếu do nợ xấu từ các khoản vay mua nhà.
Các chuyên gia VIS Rating dự báo tỷ lệ nợ có vấn đề sẽ giảm khi khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện nhờ các yếu tố như đầu tư công, FDI ổn định, thặng dư thương mại và các nỗ lực cải cách pháp lý sẽ thúc đẩy kinh doanh trong nước và cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp.
"Tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành sẽ giảm xuống 2,2% trong năm 2025 và được dẫn dắt bởi SOBs và một vài ngân hàng lớn có hoạt động cho vay thận trọng và ít cho vay các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn", báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, ngược lại một số ngân hàng nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn với các khoản vay nhà ở gắn với dự án đầu cơ. Trong thời gian tới, rủi ro quản trị vẫn ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có liên kết chặt chẽ với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản.

(Nguồn: VIS Rating)