|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làm việc quá mức khiến bạn kiệt sức và mệt mỏi nhưng đừng vì thế mà bỏ dở công việc và đạp đổ thành tựu của mình

19:30 | 12/08/2021
Chia sẻ
Hãy thử tìm ra giải pháp phù hợp để duy trì sự nhạy bén và nạp lại năng lượng.
Làm việc quá mức khiến bạn kiệt sức và mệt mỏi nhưng đừng vì thế mà bỏ dở công việc và đạp đỗ thành tựu của mình - Ảnh 1.

Kiệt sức - "căn bệnh" của giới văn phòng. (Ảnh: The New York Times).

Một bài viết của Catherine Zuckerman.

Bạn có đang cảm thấy chán nản và mệt mỏi khi đối diện với hàng tá yêu cầu mỗi ngày? Bạn có đang loay hoay để sắp xếp lại thời gian biểu? Đại dịch đã gây ra cho chúng ta không ít khó khăn trong việc chăm sóc bản thân, nuôi dạy con cái mà vẫn giữ vững phong độ trong công việc.

Dù không được xem là bệnh lý, nhưng kiệt sức (burnout) đang là một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm. Và người kiệt sức trong thời gian dài sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.

Theo giáo sư tâm lý học Christina Maslach, tình trạng kiệt sức trong công việc thể hiện qua cảm giác hoài nghi, kém hiệu quả và mơ hồ. Đây là một "căn bệnh" phổ biến của giới văn phòng khi họ không thể từ chối bất kỳ lời đề nghị nào từ cấp trên. Vì nỗi lo bị khiển trách và thậm chí là bị giáng chức.

Khi đối mặt với tình trạng kiệt sức, một số người chọn cách bỏ việc. Tuy nhiên, công việc luôn là một phần thiết yếu trong cuộc sống và vẫn còn rất nhiều cách khác để vượt qua rào cản tâm lý này.

Học cách tự chăm sóc bản thân

Theo Tiến sĩ Kira Schabram, hơn ai hết, ta mới là người tự cứu mình khỏi hố sâu của sự mệt mỏi. Nghiên cứu của bà cho thấy, khi đối xử tốt với người xung quanh và chính mình, tinh thần ta sẽ được xoa dịu. Hãy học cách tử tế với bản thân và cố gắng sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi và tự chăm sóc mình bằng một bữa ăn ngon miệng mỗi ngày. 

Trong một nghiên cứu khác của Schabram được công bố vào đầu năm nay, cảm giác kiệt sức sẽ dần được chữa lành chỉ bằng năm phút thiền định mỗi ngày.

Yêu thương bản thân là giải pháp hữu hiệu cho những người mới mắc phải vấn đề tâm lý này. Nhưng đối với tình trạng kiệt sức kinh niên, ta cần một cách thức bền vững hơn. Hãy biến việc yêu thương bản thân thành thói quen bằng cách thực hiện nó vài lần trong tuần. Thử suy nghĩ về thứ khiến ta thấy dễ chịu và thư thái, dù đó có là đi bộ hay tắm táp thật lâu.

Hãy thử dùng nhật ký và viết gì đó trên mạng xã hội

Schabram cho biết, những nghề nghiệp như giáo viên sẽ có nguy cơ bị kiệt sức cao hơn. Vì họ phải thường xuyên phân phát năng lượng của mình cho các mối quan hệ xung quanh. Nghề nghiệp của họ không đơn giản là công cụ tạo ra tiền tệ mà còn là một phần quan trọng của giáo dục.

Trong trường hợp này, việc viết nhật ký và thường xuyên thể hiện lòng biết ơn sẽ giúp bạn nạp lại năng lượng tinh thần. Đừng bỏ lỡ các buổi toạ đàm chuyên môn và chia sẻ khó khăn của mình với đồng nghiệp hay bạn bè. 

Đôi khi, hãy bày tỏ vấn đề của mình thông qua mạng xã hội. Khi đối diện với gánh nặng cảm xúc, sự cảm thông và lời động viên từ những con người đồng điệu sẽ xoa dịu tâm hồn bạn.

Giảm tải khối lượng công việc

Tiến sĩ, bác sĩ Sareh Parangi đã đối diện với tình trạng kiệt sức khi phải đảm nhận trọng trách quá lớn. Theo đó, cách trả lời cộc lốc là dấu hiệu kiệt sức ban đầu của một bác sĩ. Parangi từng cảm thấy hạnh phúc vì được tiếp đón bệnh nhân nhưng giờ đây cô đã "không thể tiếp tục làm như vậy".

"Tôi đã kiệt sức", cô nói. Parangi nhận ra rằng, cô cần phải nạp năng lượng và dành thời gian cho gia đình. Cô bắt đầu thói quen làm vườn, bơi lội và dành ít nhất 5 giờ/tuần để tập thể dục. Sau những tháng ngày làm việc vất vả, cô quyết định chuyển giao công việc cho các đồng nghiệp khác. Cuối cùng, có đến tám đầu việc được loại bỏ khỏi cuộc sống của cô.

Chia sẻ để tạo ra năng lượng hỗ trợ

Lắm lúc, ta vẫn cần đến sự trợ giúp. Theo Giáo sư tâm lý học Christina Maslach, "Ở một số quốc gia, văn hóa công sở khắc nghiệt đến mức nếu bạn không cố gắng 150% thì bạn sẽ bị xem là kẻ yếu kém. Và điều đó đã khiến tinh thần của nhiều người bị sa sút trầm trọng." 

Vì vậy, hãy cố gắng chia sẻ thật nhiều với đồng nghiệp. Liên tục cập nhật trạng thái của mình cho dù bạn đang làm việc hết công suất hay đang cảm thấy mệt mỏi và quá tải. Điều này sẽ thúc đẩy tinh thần của những người xung quanh và kéo ta vào guồng quay công việc. Từ đó giúp tạo ra năng lượng hỗ trợ để xây dựng một lực lượng lao động kiên cường và mạnh mẽ hơn.

Mong bạn luôn hạnh phúc với con đường mình đã chọn.

Quỳnh Hoa