Bài học từ Chile: Giàu tài nguyên có phải một lợi thế?
Là quốc gia sản xuất đồng hàng đầu thế giới và một trong những nền kinh tế mở cửa nhất Nam Mỹ, Chile đặc biệt dễ bị tổn thương khi giá đồng giảm. Giá đồng đã chạm mức thấp nhất trong năm vì lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào cuối tháng trước. Đồng chiếm hơn 43% xuất khẩu của Chile.
Theo các chuyên gia kinh tế, những thách thức Chile phải đối mặt là tín hiệu cảnh báo cho các nhà xuất khẩu hàng hóa khác trong khu vực, đặc biệt đối với đồng, kim loại được biết đến với khả năng dự đoán các bước ngoặt trong nền kinh tế toàn cầu.
"Đồng có thể được ví như một con chim hoàng yến trong mỏ than", ông Carlos Végh, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định. "Nếu có những nhân tố tắc cơ bản trong nền kinh tế thế giới khiến giá hàng hóa giảm trong tương lai gần, thì điều đó có thể chứng tỏ đồng là nạn nhân đầu tiên", ông Végh nói thêm.
Sự bùng nổ kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với Mỹ Latinh trong nhiều năm. Tuy nhiên, hiện, với sự suy thoái của Trung Quốc và các phản ứng dây chuyền từ chính sách thuế quan của Mỹ đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu của người khổng lồ châu Á đối với xuất khẩu của Nam Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng đối với Mỹ Latinh, xuống còn 1,6% trong năm nay, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đã hạ một bậc xếp hạng của Chile xuống A1 từ Aa3, vì “sự suy giảm trên diện rộng" trong hồ sơ tín dụng của quốc gia này.
Một điều chắn chắn rằng Chile đã cảm thấy ảnh hưởng từ việc giá đồng giảm, hiện giao dịch quanh mức 2,8 USD/pound. Gần đây, các quan chức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giá đồng duy trì trên ngưỡng 3 USD/pound để chương trình nghị sự kinh tế của chính phủ khả thi. Một số chuyên gia lo ngại, giá đồng giảm liên tục có thể gây rủi ro đối với chương trình cải cách đầy tham vọng của ông Piñera, gồm những thay đổi đối với hệ thống hưu trí của đất nước và các kế hoạch cơ sở hạ tầng cần thiết.
Tuy nhiên, ông Felipe Larraín, Bộ trưởng Tài chính của Chile, nhận định nếu tỷ giá hối đoái cạnh tranh hơn, một nhân tố liên quan chặt chẽ tới giá đồng, sẽ tốt cho hầu hết các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Mặc dù ngành khai khoáng chiếm ưu thế trong xuất khẩu, nhưng nó chỉ chiếm 10% tổng sản lượng của nền kinh tế.
“Các nhà xuất khẩu chế biến và nông nghiệp đang khá vui, vì lợi nhuận của họ đã tăng lên đáng kể”, ông Larraín cho biết. Ông tranh luận, tỷ giá hối đoái thả nổi là một công cụ quan trọng giảm tác động của cú sốc. Chắc chắn, điều này đã giúp Chile điều tiết sự giảm giá gần đây nhất của đồng trong giai đoạn 2015 - 2016.
Ngoài ra, Chile có thể đạt được lợi ích từ một số hiệu ứng thứ cấp của cuộc tranh chấp thương mại, theo ông Larraín. Ví dụ, nếu Trung Quốc áp đặt các khoản thuế bổ sung đối với rượu hoặc trái cây nhập khẩu từ Mỹ, chúng có thể được thay thế bằng hàng nhập khẩu từ Chile, cũng giống như đậu nành Brazil đã được hưởng lợi từ việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới áp thuế 25% lên hàng xuất khẩu của Mỹ.
“Tôi không muốn có một cuộc chiến thương mại. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta khó tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhưng chắc chắn chúng ta đã chuẩn bị tốt”, ông Larraín nói thêm. Ông cũng cho biết, việc thâm hụt ngân sách giảm từ 2,8% năm 2017 xuống 1,7% trong năm nay cũng sẽ giúp cho nhu cầu tài chính thấp hơn.
Ông nhấn mạnh một dự luật đổi mới thuế sẽ cung cấp các ưu đãi để tiết kiệm và đầu tư, cũng như các nỗ lực giảm thói quan liêu cho các dự án đầu tư lớn và kế hoạch hợp tác công tư trong những công trình công cộng.
Axel Christensen, chuyên gia phân tích chiến lược đầu tư về Mỹ Latinh và Iberia tại Viện đầu tư BlackRock, chỉ ra rằng mặc dù có nhiều lỗ hổng thương mại, Chile ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động về tài chính so với nhiều thị trường mới nổi khác như Argentina.