|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá đồng sẽ lên mức 'cực đoan' do thiếu hụt trầm trọng nguồn cung

10:57 | 23/09/2022
Chia sẻ
Sự sụt giảm gần đây của giá đồng chỉ làm trầm trọng thêm thiếu hụt trong tương lai, khi thế giới ngày càng cần kim loại này nhưng đầu tư vào khai thác không bắt kịp với nhu cầu.

Kim loại đồng được sử dụng trọng mọi thứ của cuộc sống hiện đại, từ dây dẫn điện đến chip bán dẫn tiên tiến. (Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg).

Theo Bloomberg, đồng được sử dụng trong mọi thứ từ chip bán dẫn, lò nướng cho tới hệ thống năng lượng và điều hòa … Giá đồng đã giảm gần 1/3 kể từ tháng 3. Các nhà đầu tư đang bán ra vì lo ngại rằng một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu kim loại này.

Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến thị trường, nhiều doanh nghiệp khai khoáng và nhà giao dịch kim loại đang cảnh báo rằng chỉ trong vài năm, một trong những kim loại quan trọng nhất sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.

Sự thiếu hụt này có thể sẽ ngăn cản tăng trưởng, gây ra lạm phát và làm chệch hướng mục tiêu khí hậu. Sự sụt giảm gần đây và việc thiếu đầu tư vào ngành khai thác sẽ khiến thiếu hụt kim loại ngày càng tồi tệ.

Ông John LaForge, người đứng đầu về chiến lược tài sản thực tế tại Wells Fargo nói: “Thị trường chỉ phản ánh những lo ngại ngắn hạn. Nhưng nếu suy nghĩ về tương lai, thế giới rõ ràng đang thay đổi. Mọi thứ sẽ được điện hóa, và quá trình này cần rất nhiều đồng”.

Theo các sàn giao dịch, hàng tồn kho đang ở mức thấp kỷ lục. Đồng thời, biến động giá gần đây đồng nghĩa với sản lượng của các mỏ đồng, vốn được dự kiến bắt đầu giảm vào năm 2024, có thể sẽ còn thấp hơn nữa.

Chỉ vài ngày trước, gã khổng lồ khai khoáng Newmont đã bỏ kế hoạch đầu tư vào mỏ vàng và đồng trị giá 2 tỷ USD tại Peru. Freeport-McMoRan, công ty đại chúng cung ứng đồng hàng đầu thế giới, đã cảnh báo rằng mức giá hiện tại “không đủ” để thúc đẩy các khoản đầu tư mới.

Giá đồng đang có xu hướng sụt giảm mạnh mẽ trong năm 2022.

Các chuyên gia về hàng hóa cũng cảnh báo về thiếu hụt nguồn cung đồng trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Và sự sụt giảm giá gần đây sẽ khiến các vấn đề nguồn cung trong tương lai trở nên trầm trọng hơn, bằng cách tạo ra sự chủ quan, ngăn dòng tiền và hạn chế đầu tư.

Cần phải mất tới 10 năm để phát triển và đưa một mỏ đồng đi vào hoạt động. Bởi lẽ đó, những quyết định của các nhà sản xuất ngày hôm nay sẽ quyết định tới nguồn cung trong ít nhất là một thập kỷ tới.

“Để có nguồn đầu tư lớn vào đồng cần mức giá tốt, hoặc ít nhất là kỳ vọng giá cao trong dài hạn”, Giám đốc điều hành của Rio Tinto Group, ông Jakob Stausholm nói.

Đồng quan trọng như thế nào?

Đồng rất cần thiết đối với cuộc sống hiện đại. Một chiếc xe ô tô trung bình sử dụng 30 kilogram đồng, trong khi một ngôi nhà sẽ cần tới hơn 180 kg kim loại này.

Đồng cũng là chìa khóa cho một thế giới xanh hơn. Mặc dù đa số sự chú ý đang đổ dồn vào lithium, thành phần quan trọng trong pin điện, nhưng cuộc chuyển đổi năng lượng sẽ cần đến nhiều loại nguyên liệu thô khác, bao gồm nickel, cobalt và thép.

Hệ thống truyền tải điện của thế giới sẽ cần thêm rất nhiều đồng, cũng như cả các trang trại năng lượng gió và mặt trời. Xe điện (EV) sử dụng lượng đồng nhiều gấp đôi so với phương tiện chạy xăng, theo Copper Alliance.

 

Thế giới sẽ thiếu bao nhiêu đồng?

Khi cả thế giới điện khí hóa, mục tiêu phát thải bằng không sẽ khiến nhu cầu tăng gấp đôi, lên mức 50 triệu tấn/năm vào 2035, theo nghiên cứu của S&P Global. Các nghiên cứu khác, chẳng hạn như của BloombergNEF, kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng hơn 50% trong giai đoạn từ 2022 đến 2040.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nguồn cung sẽ đạt đỉnh vào năm 2024, do sự khan hiếm của các dự án mới và các mỏ sẵn có dần cạn kiệt. S&P Global cho rằng những điều kiện này có thể khiến thế giới thiếu hụt tới 10 triệu tấn đồng vào năm 2035. 

 

Goldman Sachs ước tính rằng các công ty khai khoáng sẽ phải chi khoảng 150 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo để giải quyết mức thiếu hụt khoảng 8 triệu tấn. Bloomberg dự đoán rằng vào năm 2040, thâm hụt nhu cầu sẽ lên tới 14 triệu tấn, và sẽ cần được bù đắp thông qua việc tái chế.

Vào năm 2021, thế giới chỉ thiếu hụt khoảng 441.000 tấn đồng, tương đương với 2% nhu cầu toàn cầu, theo International Copper Study Group.

Chỉ với mức thâm hụt 2% đã khiến giá đồng tăng 25% trong 2021. Dự báo trường hợp xấu nhất từ S&P Global cho thấy rằng sự thiếu hụt vào năm 2035 sẽ tương đương với khoảng 20% mức tiêu thụ.

Giá đồng sẽ cao đến mức nào?

Ông Mike Jones, CEO của Los Andes Copper cho biết: “[Giá đồng] sẽ vọt lên mức cực đoan”. Goldman Sachs dự kiến giá đồng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) vào năm 2025 sẽ tăng gần gấp đôi, chạm ngưỡng 15.000 USD/tấn. Vào hôm 21/9, giá đồng ở LME chỉ là 7.690 USD.

“Nếu các nhà sản xuất không mở thêm mỏ, nguồn cung sẽ khó khăn”, ông Piotr Kulas, nhà phân tích kim loại tại CRU Group cho biết.

Tất nhiên, tất cả dự báo đều dựa trên điều kiện rằng chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát thải bằng không để chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, môi trường chính trị có thể thay đổi nhanh chóng.

Đồng thời, có một câu châm ngôn trong thị trường hàng hóa: giá cao chính là liều thuốc cho giá cao. Mặc dù đồng đã sụt giảm so với mức đỉnh từ tháng 3, giá vẫn trên mức trung bình 10 năm qua khoảng 15%.

Nếu giá tiếp leo thang, các ngành công nghiệp năng lượng xanh sẽ buộc phải giảm mức tiêu thụ kim loại hoặc tìm ra nguồn thay thế, theo ông Ken Hoffman, người đứng đầu nhóm nghiên cứu pin EV tại McKinsey & Co.

Ông Sung Choi, một nhà phân tích tại BloombergNEF, cho biết nguồn cung từ tái chế có thể giúp lấp đầy khoảng trống, đặc biệt là khi giá tăng, “thúc đẩy nhiều kim loại tái chế xuất hiện trên thị trường hơn”.

S&P Global chỉ ra rằng càng nhiều đồng được sử dụng trong quá trình chuyển đổi năng lượng càng “mở ra nhiều cơ hội cho việc tái chế”, chẳng hạn như khi những chiếc EV bị tháo rời. Các sản phẩm tái chế sẽ chiếm khoảng 22% thị trường đồng toàn cầu vào năm 2035, tăng từ 16% vào 2021, theo ước tính của S&P Global.

 

Nhà kinh tế trưởng của BHP Group, nhà khai thác lớn nhất thế giới cho biết đồng sẽ có con đường “gập ghềnh” phía trước do lo ngại về nguồn cung.

Citigroup kỳ vọng giá đồng sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới do suy thoái, đặc biệt tại châu Âu. Ngân hàng này cho rằng giá đồng sẽ xuống còn 6.600 USD/tấn vào quý I/2023.

Nhu cầu của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ nhiều kim loại nhất thế giới cũng sẽ có ảnh hưởng lớn. Nếu lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc thu hẹp đáng kể “nhu cầu về đồng sẽ ít đi”, bà Timna Tanners, nhà phân tích tại Wolfe Research nói.

Tuy nhiên, suy thoái kinh tế cũng chỉ có thể “trì hoãn” nhu cầu về đồng, và sẽ không làm “giảm đáng kể” dự báo tiêu thụ vào năm 2040, theo BloombergNEF.

Nguyên nhân là bởi nhu cầu đồng trong tương lai đã được các chính phủ “lập pháp hóa” thông qua các mục tiêu xanh. Bởi vậy, đồng vẫn sẽ được tiêu thụ, bất chấp tình hình kinh tế toàn cầu, ông LaForge cho biết.

Vì sao nguồn cung khan hiếm?

Tại Chile, nhà cung ứng lớn nhất của kim loại đồng, doanh thu các mỏ đồng đã giảm bởi những khó khăn trong sản xuất. Khi mỏ đã được khai thác trong thời gian dài, chất lượng của quặng sẽ giảm đi. Doanh nghiệp sẽ phải hạ sản lượng hoặc xử lý thêm nhiều quặng để có được khối lượng đầu ra như trước.

Năm Chất lượng quặng đồng
1900 2%
2000 1%
2020 0,7%
2030 0,5%

(Nguồn: BloombergNEF).

Đồng thời, việc tìm kiếm và phát triển các mỏ khai thác mới ngày càng khó khăn. Tại Peru và Chile, hai quốc gia chiếm 1/3 tổng cung toàn cầu, một số hoạt động đầu tư đã phải ngừng lại, do những lo ngại về chính sách.

Lạm phát cao cũng đang đẩy chi phí sản xuất lên. Theo Goldman Sachs, giá khuyến khích trung bình (mức giá của đồng để việc khai thác trở nên hấp dẫn) đã tăng 30% so với 2018, đạt 9.000 USD/tấn.

Tại Mỹ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xin giấy phép. Tại Congo, cơ sở hạ tầng yếu kém đang hạn chế tiềm năng phát triển của các mỏ lớn. Hơn nữa, mặc dù đồng là nguyên liệu cần thiết cho một thế giới xanh nhưng việc khai thác đồng gây hại cho môi trường.

Một mỏ khai thác đồng tại Chile. (Ảnh: Cristobal Olivares/Bloomberg).

Tính chất chu kỳ của các ngành hàng hóa cũng có nghĩa là các nhà sản xuất đang phải đối mặt với áp lực phải giữ cho bảng cân đối kế toán đẹp trước mắt các nhà đầu tư, trước khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng.

Ngay cả khi các nhà sản xuất bắt đầu đổ tiền vào những dự án mới, thì thời gian khai thác kéo dài đồng nghĩa với triển vọng nguồn cung sẽ bị hạn chế khá nhiều trong thập kỷ tới.

Ông Richard Adkerson, Giám đốc điều hành của Freeport-McMoRan, cho biết: “Tình hình ngắn hạn đang ảnh hướng đến triển vọng dài hạn thông qua nguồn cung”. Trong khi đó, “thế giới đang điện khí hóa ở mọi lĩnh vực”, và “chắc chắn sẽ mang đến một kỷ nguyên mới của nhu cầu”, ông nói. 

Minh Quang

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.