|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường kim loại ảm đạm vì nỗi lo suy thoái

18:07 | 06/09/2022
Chia sẻ
Thị trường kim loại đang đảo chiều sau đợt tăng ngắn ngủi vào tháng 8 do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu ngày một trầm trọng. Điều này khiến giới đầu tư hoảng sợ.

Theo Financial Times, chỉ số S&P GSCI của kim loại công nghiệp, đã giảm hơn 9% kể từ giữa tháng 8 do thị trường lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái. Tính chung từ đầu năm chỉ số này giảm 17%. Việc thị trường kim loại - nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm công nghiệp quan trọng từ phụ tùng ô tô, dây điện, đi xuống càng khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đang đè nặng lên ngành công nghiệp. 

 Chỉ số S&P ngành kim loại lao dốc từ đầu năm đến nay. Nguồn: Financial Times

Ông Clive Burstow, người đứng đầu bộ phận phân tích tại công ty quản lý đầu tư Barings, nhận định “Đây là hệ quả của suy thoái và cả nỗi sợ suy thoái. Nỗi sợ khủng hoảng năng lượng càng đẩy cuộc suy thoái kinh tế xuống sâu hơn”.

Giá khí đốt tại Châu Âu tăng 17% vào hôm 5/9 lên mức kỷ lục đã từng thiết lập hồi tháng 8 sau khi Nga tuyên bố sẽ đình chỉ vô thời hạn nguồn cung thông qua một số đường ống quan trọng sang Châu Âu. Giá khí đốt tăng cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các doanh nghiệp lớn và người tiêu dùng phải tăng cường “thắt lưng buộc bụng”.

Ông Peter Ghilchik, trưởng bộ phận phân tích hàng hàng tại công ty tư vấn CRU cho biết: “Nhu cầu kim loại đang giảm dần”.

Giá đồng giảm khoảng 6% xuống 7.650 USD/tấn chỉ trong một tuần, bỏ xa mức kỷ lục 10.600 USD/tấn thiết lập vào tháng 3. Giá quặng sắt giảm xuống dưới 100 USD/tấn, từ mức hơn 160 USD/tấn hồi đầu năm. 

Tình hình càng trở nên ảm đạm hơn khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, vẫn đang phong toả một số thành phố để chống dịch. 

Khảo sát của Caixin cho thấy các đơn đặt hàng của Trung Quốc trong tháng 8 lần đầu tiên giảm trong 3 tháng trở lại đây. 

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ vào tháng 8 về quyết tâm kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Điều này đã đưa đồng USD lên mức cao nhất trong 20 năm. Giá những loại hàng hoá chủ yếu giao dịch bằng đồng USD có xu hướng giảm do đồng bạc xanh mạnh lên. 

Ông Colin Hamilton, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu hàng hoá tại công ty BMO cho rằng sự suy yếu của đồng nhân dân tệ so với đồng USD tiếp tục thúc đẩy đà lao dốc của hàng hoá khiến nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. 

Những lo ngại về nền kinh tế ở Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc khiến ngân hàng Commerzbank của Đức hạ dự báo giá kim loại cơ bản trong hai quý tới. 

Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung đang hạn chế đà sụt giảm của giá những kim loại công nghiệp. Nhiều nhà máy luyện kim đã phải đóng cửa do giá khí đốt và điện ở Châu Âu tăng vọt. Cuối tuần trước, công ty sản xuất nhôm ở Hà Lan Aldel đã thông báo sẽ ngừng sản xuất một trong số các nhà máy của mình. 

Ngoài ra, công ty ArcelorMittal cho biết họ sẽ ngừng một trong những lò cao tại một nhà máy thép ở Bremen, Đức.

Ghilchik cho rằng đà bán tháo kim loại đã kết thúc nhưng trong thời gian tới thị trường vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế. 

Ông nói: “Có vẻ như giá đã chạm hoặc gần chạm đáy của chu kỳ ngành kim loại. Hiện giá vẫn đang được hỗ trợ bởi những lo ngại nguồn cung thiếu hụt”.

Ngân hàng Goldman Sachs cho biết mức độ suy thoái của thị trường hàng hoá mạnh hơn so với bất kỳ tài sản nào khác. Các nhà phân tích nhận định: “Những lo ngại về suy thoái tiếp tục kìm hãm thị trường hàng hoá”.

 

H.Mĩ