|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá kim loại giảm khiến các công ty khai thác thất thu

06:42 | 17/08/2022
Chia sẻ
Trong vòng chưa đầy một năm, sự hưng phấn đã nhường chỗ cho sự ngờ vực. Năm ngoái, các "gã khổng lồ" khai khoáng đã được hưởng lợi từ mức giá cao lịch sử, nhưng hôm nay họ đã vỡ mộng và triển vọng của họ kém tươi sáng hơn rất nhiều.

Bình luận về giá cả kim loại trên thị trường thế giới, nhật báo Les Echos cho biết trong khi năm ngoái các tập đoàn khai khoáng chi trả cổ tức với mức cao kỷ lục, năm nay chi phí sản xuất tăng và giá kim loại giảm, nhất là với quặng sắt và đồng, đã ảnh hưởng nặng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nửa đầu năm.

Trong vòng chưa đầy một năm, sự hưng phấn đã nhường chỗ cho sự ngờ vực. Năm ngoái, các "gã khổng lồ" khai khoáng đã được hưởng lợi từ mức giá cao lịch sử, nhưng hôm nay họ đã vỡ mộng và triển vọng của họ kém tươi sáng hơn rất nhiều.

Vào năm 2021, kim loại đã đạt mức giá kỷ lục, đẩy lợi nhuận và cổ tức của các công ty khai khoáng lên đỉnh cao. Sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau nhiều tháng khủng hoảng đại dịch đã đẩy giá kim loại lên mức cao nhất.

Quặng đồng đã vượt quá 10.600 USD mỗi tấn lúc đóng cửa trên Sàn giao dịch kim loại London vào tháng 3/2022. Còn quặng sắt cũng đạt ở mức gần 240 USD tại Singapore (Xin-ga-po) hồi tháng 5/2021.

Hiện tại, quặng đồng chỉ dao động quanh mức 7.500 USD và quặng sắt giảm quanh mức 100 USD. Căn nguyên của sự suy giảm này là xung đột ở Ukraine (U-crai-na), lãi suất tăng và sự suy thoái của môi trường kinh tế quốc tế. Thêm vào đó, chi phí sản xuất tăng mạnh, trong khi đây là chi phí chủ yếu trong cơ cấu giá đối với ngành này. Các yếu tố tiền nhân công đắt hơn hoặc giá các nguyên liệu cần thiết cho khai thác như dầu, chất nổ, hoặc hóa chất, tăng vọt đã làm xói mòn lợi nhuận của các công ty khai khoáng.

Kết quả: Mặc dù cổ tức mà các công ty trả cho cổ đông của họ vẫn ở mức cao nhưng đã giảm đáng kể so với một năm trước.
Vale Brazil đã công bố lợi nhuận thấp hơn dự kiến, ở mức 8,5 tỷ USD trong nửa đầu năm, giảm 38% so với năm 2021. Theo báo cáo của tập đoàn này, chi phí sản xuất đã tăng 11%, tuy vậy tập đoàn sẽ vẫn trả 3 tỷ USD cho các cổ đông của mình. Từ năm 2021, họ đã bỏ túi khoảng 8 tỷ USD. Đồng thời, công ty đã hạ mục tiêu sản xuất đồng hàng năm là 19%.

Về phần mình, Rio Tinto, chủ yếu liên quan đến quặng sắt, đã công bố lợi nhuận 8,9 tỷ USD trong nửa đầu năm, so với 12,3 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Công ty sẽ trả 4,3 tỷ USD cổ tức, ít hơn hai lần so với mức kỷ lục 9 tỷ USD vào tháng 9/2021. Trong khi đó tập đoàn Anglo American của Anh báo cáo doanh thu là 3,7 tỷ USD, giảm 29%, và các cổ đông chỉ được hưởng 1,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 4 tỷ của năm trước.

Trên thị trường chứng khoán, sự thay đổi của môi trường và sụt giảm cổ phiếu của các công ty đang thu hút sự chú ý của các nhà nhà đầu tư. Trong một năm, Vale đã mất 37%, Rio Tinto 16% và Anglo American 10%. Giá cổ phiếu của công ty BHP Group của Australia (Ôx-trây-li-a) cũng rơi vào trường hợp tương tự, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của họ dự kiến sẽ công bố vào cuối tháng 8, đã giảm gần 16% trong một năm.

Trong số các công ty khai thác mỏ, chỉ có Glencore giữ vững được vị trí của mình nhờ than nhiệt đã trở lại vị trí trung tâm trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Khai thác than chiếm một nửa lợi nhuận của công ty trong nửa đầu năm, không giống như các đối thủ cạnh tranh đã rời xa loại nhiên liệu đặc biệt gây ô nhiễm này.

Công ty đã đạt lợi nhuận tăng gấp 10 lần trong nửa đầu năm, từ 1,2 tỷ USD lên 12 tỷ USD, và sẽ chi trả khoảng 4,5 tỷ USD trong cổ tức và mua lại cổ phần. Giá trị cổ phiếu đã tăng hơn 3% kể từ khi công bố kết quả và tăng 25% kể từ tháng Giêng năm nay. 

 

Thu Hà