Một kim loại đang tăng dữ dội hơn cả vàng
Chia sẻ trên một chương trình podcast của Bloomberg vào cuối tuần trước, ông Jeff Currie, chiến lược gia hàng hoá của tập đoàn đầu tư Carlyle, dự báo giá đồng sẽ còn tăng cao trong tương lai.
Kim loại này đã đi lên gần 30% trong năm 2024 - cao hơn cả mức tăng 17% của vàng. Ông Currie dự đoán giá đồng sẽ đạt 15.000 USD/tấn trong vài năm tới. So với mức giá hiện tại, giá đồng được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 46%.
“Đồng là giao dịch hấp dẫn nhất mà tôi từng thấy trong hơn 30 năm làm nghề”, ông Currie, cựu trưởng bộ phận phân tích hàng hoá tại Goldman Sachs, nhấn mạnh trên chương trình.
Theo ông Currie, động lực chính để đồng tiếp tục tăng là tình trạng mất cân bằng cung cầu chưa từng có. Ông nêu ba lý do tại sao nhà đầu tư nên giao dịch đồng, nhấn mạnh nhu cầu đang ngày càng tăng nhưng đầu tư và sản lượng vẫn còn thấp.
Vị chiến lược gia đề cập đến “RED”, cụm từ viết tắt của redistribution (tái phân phối), environmental policies (các chính sách môi trường) và deglobalization (xu hướng phi toàn cầu hoá).
Đầu tiên, ông Currie lưu ý rằng các nhóm thu nhập thấp từ lâu đã là những người tiêu thụ nhiều hàng hoá công nghiệp nhất. Do đó, những chính sách giúp phân phối lại thu nhập và của cải cho các nhóm này là một cơ hội tốt cho các vật liệu như đồng.
“Nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp thấp như hiện nay, bạn thấy ai là người hưởng lợi nhiều nhất? Đó là các nhóm có thu nhập thấp và bạn biết đấy, chính phủ các nước trên thế giới vẫn đang nỗ lực [tái phân phối thu nhập cho người dân], qua đó thúc đẩy những người thu nhập thấp tiêu thụ thêm hàng hoá”, ông Currie nói.
Thứ hai, các chính sách môi trường đang ngày càng được quan tâm, tạo ra một cuộc chạy đua để thu mua đồng. Kim loại này đóng vai trò trung tâm trong quá trình xanh hoá thế giới, là thành phần quan trọng trong mọi thứ từ tấm pin mặt trời đến pin xe điện.
“Chúng ta đang nhìn thấy Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ, kế hoạch giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch REPowerEU của châu Âu và các đề xuất về năng lượng sạch của Trung Quốc.
Một phần lý do giúp giá đồng tăng mạnh trong thời gian gần đây là chi phí vốn cho các ngành năng lượng sạch của Trung Quốc tăng 100% vào năm ngoái, dự kiến tăng thêm 30% trong năm nay”, ông Currie lập luận.
Theo vị chiến lược gia, dù không xuất hiện trong cụm từ RED, trí tuệ nhân tạo cũng đang kích thích nhu cầu đồng. Suy cho cùng, sự phát triển của công nghệ phụ thuộc vào một lưới điện hiệu quả và điều này được định đoạt bởi đồng.
Thứ ba, phi toàn cầu hoá đã trở thành một chủ đề lớn, vượt trí tưởng tượng của nhiều nhà phân tích khác, ông Currie nói. Là một hệ quả của xu hướng này, chi tiêu quân sự đang ngày càng tăng. Riêng Mỹ đã chi 95 tỷ USD cho đạn dược.
Tuy ba yếu tố này đang giúp nhu cầu đi lên, nguồn cung vẫn chưa bắt kịp. Tồn kho đồng vốn khá thấp và sản lượng khai thác cũng không khởi sắc mấy. Hoạt động khai thác bị đình trệ trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và phải đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị.
Chẳng hạn, một mỏ khai thác ở Panama hiện chiếm 1,5% sản lượng toàn cầu nhưng đã không hoạt động kể từ tháng 11 năm ngoái.
Theo nhận định của ông Currie, một phần nguyên nhân khiến sản lượng không cải thiện là các công ty lớn vẫn chưa sẵn thực hiện những khoản đầu tư mới. Trái lại, họ vẫn ưu tiên thâu tóm các mỏ đã có từ trước thông qua mua bán và sáp nhập.
“Không cần phải nhìn đâu xa mà ví dụ là những lời đề nghị mua lại Anglo-American. BHP nhận thấy mua Anglo-American rẻ hơn là đưa một chiếc máy khoan vào lòng đất. Đây là tình trạng chung của toàn ngành, đó là cách họ tăng nguồn cung...”, ông nêu ví dụ.
Song, đây là chuyện bình thường ở giai đoạn này của chu kỳ kinh doanh, ông Currie nói, đề cập đến những năm 2000. Khi đó, phải mất nhiều năm các công ty lớn mới nghiêm tục với việc đầu tư mới.