|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường kim loại thở phào nhẹ nhõm khi Trung Quốc nới lỏng Zero COVID

06:36 | 20/11/2022
Chia sẻ
Thông tin Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID và hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đã tạo cú hích cho thị trường kim loại quốc tế.

Mùa xuân trở lại

Có thể thế giới sắp bước vào mùa đông, nhưng đối với ngành công nghiệp kim loại và giá kim loại nói chung thì có vẻ mùa xuân đang tới.

Chính sách Zero COVID hà khắc đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc trong hơn một năm qua.

Tuần trước, Bắc Kinh cuối cùng cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, chẳng hạn như giảm bớt thời gian cách ly bắt buộc và hạn chế xét nghiệm thường xuyên.

Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại cũng như khoáng sản lớn nhất thế giới. Do đó, quyết định mới đây của Bắc Kinh giống như một tia hy vọng cho thị trường kim loại ảm đạm trong suốt nhiều tháng qua.

Các cuộn đồng vừa ra lò. (Ảnh: Reuters).

Hôm 11/11, giá của nhiều kim loại công nghiệp đã tăng đáng kể. Thị trường đi lên không chỉ bởi vì động thái nới lỏng một số hạn chế của Trung Quốc, mà còn bởi kỳ vọng rằng đất nước tỷ dân sẽ sớm từ bỏ hoàn toàn chính sách Zero COVID.

Phản ứng của thị trường là ngay lập tức, oilprice.com nhấn mạnh. Giá đồng giao sau trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) tăng 3,4% lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 6 năm nay.

Tương tự, giá đồng trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải cũng tăng 1,5% lên mức 9.515,3 USD (tương đương 67.630 nhân dân tệ)/tấn. Đây là mức cao nhất trong khoảng 5 tháng qua.

Giá quặng sắt cũng đi lên. Kết thúc phiên giao dịch sáng trên Sàn Giao dịch Hàng hoá Đại Liên, giá quặng sắt tăng 5% lên mức 99,86 USD (tương đương 708,5 nhân dân tệ)/tấn.

Giá của thép thành phẩm và các nguyên liệu đầu vào khác để chế biến thép cũng đạt mức cao hơn. Hiện, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, oilprice.com lưu ý.

Đà tăng tiếp tục kéo dài sang tuần này. Hôm 14/11, giá đồng trên sàn LME vẫn trong xu thế đi lên và hiện đang dao động gần mức cao nhất trong 5 tháng. Giá quặng sắt giao sau tại Singapore cũng khởi sắc, tăng 5% lên mức 95,85 USD/tấn.

Ngoại trừ nhôm, hầu như toàn bộ các kim loại công nghiệp đều phản ứng tích cực với thông tin Trung Quốc nới lỏng chính sách COVID.

Trung Quốc còn nhiều việc phải làm

Oilprice.com và nền tảng MetalMiner đều nhất trí rằng các đợt phong toả của Trung Quốc đã tác động sâu sắc đến lĩnh vực chế tạo và nhu cầu kim loại công nghiệp của nước này, dẫn đến sự trầm lắng của thị trường.

Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa câu chuyện. Sự sa sút của thị trường bất động sản Trung Quốc là nửa còn lại, bởi hoạt động xây dựng nhà ở sa sút đã gây ảnh hưởng cho nhu cầu kim loại của Trung Quốc.

Điều đó đồng nghĩa rằng đợt tăng giá lần này của thị trường kim loại chỉ có thể trở nên bền vững và kéo dài lâu hơn nếu nhu cầu mua bán nhà đất của người dân Trung Quốc tăng lên.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản tại Trung Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm trong tháng 10, khiến nhu cầu kim loại trở nên yếu hơn.

Nhập khẩu đồng chưa gia công và các sản phẩm đồng khác giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với thị trường thép xây dựng, nhu cầu mất gần 30%.

May mắn là chính phủ Trung Quốc gần đây đã công bố gói giải pháp 16 điểm để hỗ trợ lĩnh vực nhà đất. Song, dù động thái này rất đáng hoan nghênh, có thể gói giải pháp vẫn chưa đủ để kéo thị trường này ra khỏi tình trạng ảm đạm.

Chưa kể, việc nới lỏng chiến lược Zero COVID có thể chưa phát huy hiệu quả ngay, đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn đang báo cáo hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, oilprice.com lưu ý thêm.

Mặt khác, nhu cầu của người tiêu dùng chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường kim loại. Đối với một thị trường đã đi xuống trong suốt 13 tháng qua, việc duy trì tâm trạng tích cực hiện tại có thể là một thách thức lớn.

Khả Nhân

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.