Giá đồng giảm mạnh vì lo ngại dư cung
Theo Nikkei Asia, tâm lý tiêu cực đối với đồng đang gia tăng khi hàng chục nhà máy luyện kim mới từng lên kế hoạch nâng sản lượng vì kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch. Tuy nhiên, thực tế lại không như họ mong đợi.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Ba (1/11) ở mức 8.111 USD/tấn, thấp hơn 15% so với mức đỉnh năm nay thiết lập hồi tháng 1.
Giá các kim loại khác cũng yếu như niken, được sử dụng rộng rãi trong pin cho xe điện, giảm 43%. Kẽm và chì giảm lần lượt 31% và 10%.
Ông Takayuki Homma, chuyên gia kinh tế trưởng tại Sumitomo Corp. Global Research cho biết: “Các mỏ đã được đầu tư trước đại dịch sẽ bắt đầu cung cấp quặng từ năm 2024. Tuy nhiên, các ngành tiêu thụ nhiều đồng như năng lượng gió ngoài khơi, xe điện và các lĩnh vực khác chững lại và tổng cầu nói chung suy yếu, tạo cảm giác về tình trạng dư cung”
Suy đoán về nhu cầu suy yếu đang gây áp lực giảm giá lên thị trường. Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế dự báo thị trường đồng dư thừa nguồn cung 467.000 tấn vào năm 2024, trong khi đó, năm nay thâm hụt 27.000 tấn.
Tương tự, một số kim loại màu khác cũng được dự báo dư cung. Trong đó, Nhóm Nghiên cứu Niken Quốc tế dự báo tình trạng dư cung là 239.000 tấn. Nhóm Nghiên cứu Chì và Kẽm Quốc tế cho biết sản lượng kẽm và chì được dự đoán sẽ vượt nhu cầu lần lượt là 367.000 tấn và 52.000 tấn. Nguồn cung những vật liệu này dự kiến sẽ vượt quá nhu cầu vào năm 2023, và mức độ dư cung sẽ càng tăng lên trên năm 2024.
Nguồn cung tăng vọt xảy ra sau khi tiền được đổ nhiều hơn vào các mỏ và nhà máy luyện kim với kỳ vọng nhu cầu thắt chặt trong tương lai. Trong kịch bản đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhu cầu đồng được dự báo sẽ tăng 50% so với mức của năm 2022.
Sản lượng có thể sẽ tăng ở Indonesia. Tại đây, 53 nhà máy luyện niken và các nhà máy luyện kim khác dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2024
Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ kim loại màu lớn nhất thế giới, tiếp tục tăng cường các cơ sở sản xuất đồng và kẽm. Hiện nước này đang bổ sung nguồn cung bằng nhập khẩu. Theo Viện nghiên cứu Marubeni của Nhật Bản, sản lượng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 20%.
Triển vọng về nhu cầu là không chắc chắn, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi tiêu thụ 50% đến 60% tổng lượng đồng và kẽm toàn cầu. Theo dữ liệu công bố hôm thứ Ba (1/11), chỉ số quản lý mua hàng đã giảm trở lại vùng dưới 50 vào tháng 10, cho thấy hoạt động của nhà máy đã suy giảm.
Những khó khăn của ngành bất động sản kéo dài, với các khoản đầu tư giảm 9,1% trong giai đoạn 9 tháng 2023. Kim loại màu được sử dụng trong vật liệu xây dựng phải đối mặt với nhu cầu yếu. Mặc dù kết quả kinh doanh của gã khổng lồ máy móc xây dựng Caterpillar (Mỹ) cao hơn so với dự báo của các chuyên gia, giá cổ phiếu của công ty này vẫn giảm 7% trong phiên ngày 1/11 do giới đầu tư lo sợ trước nhu cầu u ám của Trung Quốc.
Ông Li Xuelian, nhà phân tích cấp cao tại Marubeni Research cho biết: “Nhu cầu đồng tăng trưởng một cách đáng ngạc nhiên nhờ làn sóng tăng cường đầu tư vào mảng năng lượng điện, nhưng điều này không đảm bảo sự lạc quan”.
Một số nhà đầu tư đầu cơ đang giảm bớt các vị thế mua. Vị thế của nhà đầu tư đồng đã chuyển từ mua ròng khoảng 12.000 hợp đồng vào giữa tháng 9 sang vị thế bán ròng khoảng 13.000 hợp đồng vào ngày 27/10. Vị thế mua ròng đối với kẽm đã giảm khoảng 40% kể từ cuối tháng 9, trong khi vị thế của nhà đầu tư đối với đồng đã giảm khoảng 40% kể từ cuối tháng 9, chì đã giảm 90% kể từ giữa tháng 9.
Một nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Mizuho cho biết: “Một khi việc tăng lãi suất ở Mỹ và Châu Âu dừng lại và nền kinh tế phục hồi, nhu cầu mới có thể bắt đầu tăng vào năm 2024 và xa hơn nữa. Nhưng không chắc liệu điều này có xóa bỏ được cảm giác dư thừa nguồn cung hay không”.