|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nikkei: Trung Quốc mở cửa và lãi suất Mỹ sẽ khuấy động thị trường hàng hóa năm 2023

16:24 | 10/01/2023
Chia sẻ
Những thay đổi về lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và việc Trung Quốc mở cửa trở lại được xem là những yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường hàng hoá năm 2023.

Theo Nikkei, chính sách tiền tệ và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là những biến số chính trên thị trường hàng hóa toàn cầu trong năm nay, sau khi nhiều mặt hàng thiết lập mức cao lịch sử vào năm 2022, do căng thẳng Nga - Ukraine và lạm phát mạnh. 

Mặc dù giới chuyên gia đưa ra những dự báo trái chiều về xu hướng giá cả hàng hoá trong năm nay, một điều có thể dễ nhận thấy là hầu hết mặt hàng khó có thể tăng mạnh như năm ngoái. 

Lấy dầu thô làm ví dụ. Giá dầu WTI đã tăng lên 122 USD/thùng vào tháng 6 năm ngoái khi nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, Nga, bị phương Tây trừng phạt. Đó là mức giá cao nhất kể từ năm 2008 khi WTI đạt mức cao nhất mọi thời đại là 145 USD/thùng. Tính đến đầu tháng 1, WTI đang giao dịch quanh mức 76 USD/thùng. 

Ông Tatsufumi Okoshi, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty chứng khoán Nomura Securities, dự báo giá dầu WTI sẽ tăng lên mức 90 USD, do nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ mở rộng khi Trung Quốc chấm dứt chính sách nghiêm ngặt Zero COVID và du lịch quốc tế phục hồi. Quốc gia này đã dỡ bỏ kiểm dịch bắt buộc đối với khách du lịch quốc tế vào ngày 8/1.

Ông Okoshi cho biết:  “Ngay cả khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc chậm lại, các nước OPEC+ có khả năng sẽ cắt giảm sản lượng để giữ giá trên 70 USD/thùng”.

Giá khí đốt cũng tăng vọt vào năm 2022. Giá khí gas hoá lỏng Japan Korea Marker (JKM - chỉ số phản ánh giá trị tại thị trường giao ngay của khí gas hoá lỏng được vận chuyển đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) vào tháng 8 đạt mức kỷ lục 69 USD/triệu BTU. 

Đến đầu tháng 1, mặt hàng này giao dịch quanh mức 29 USD/triệu BTU do tồn kho ở mức tương đối cao ở Châu Âu và Nhật Bản. Okoshi dự đoán JKM có thể tăng lên 40 USD/triệu BTU hoặc cao hơn khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.

Bất chấp sự bùng nổ các ca nhiễm COVID-19 mới, đợt bùng phát ở Trung Quốc có thể sẽ đạt đỉnh vào ngày 13/1 với 3,7 triệu ca mỗi ngày, theo công ty phân tích sức khỏe Airfinity của Anh. 

Okoshi nhận định: “Sau khi các ca nhiễm mới đạt đỉnh điểm, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế trong quý II. Động thái này sẽ tác động đến nhu cầu và dòng chảy hàng hóa trên toàn cầu”.

 

Kim loại đồng đặc biệt nhạy cảm với nhu cầu của Trung Quốc, quốc gia chiếm tới một nửa lượng tiêu thụ mặt hàng này. Tại Sàn giao dịch kim loại London, giá đồng đã tăng lên 10.375 USD/tấn trong tháng 3/2022, do sự bất ổn về địa chính trị và sự thúc đẩy giảm phát thải carbon trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện đồng giao dịch quanh mức 8.300 USD. 

Ông Takayuki Honma, chuyên gia kinh tế trưởng tại Sumitomo Corporation Global Research, dự báo giá của đồng sẽ dao động từ 7.000 đến 9.000 USD trong năm nay và khó có thể tăng vọt trên mức 10.000 USD như năm ngoái.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ là chìa khóa để dự báo xu hướng đồng và các hàng hóa khác. Trong bối cảnh lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất trong suốt năm 2022, củng cố đồng USD, đồng tiền thống trị thị trường hàng hóa. 

 

Vàng đặc biệt phản ứng nhanh với những thay đổi về lãi suất. Tăng lãi suất thường thúc đẩy các nhà đầu tư bán vàng. Giá vàng tương lai chuẩn ở New York là khoảng 1.860 USD/ounce, giảm từ mức 2.058 USD vào tháng 3/2022.

Việc liệu Fed có cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không vẫn còn là ẩn số. Các nhà phân tích cho rằng chừng nào lạm phát vẫn tiếp tục tăng, thì giảm lãi suất là điều khó xảy ra, ngay cả khi nền kinh tế chậm lại. 

Nhà phân tích thị trường vàng Koichiro Kamei tại Viện Chiến lược thị trường Tokyo cho biết: “Sau khi cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ diễn ra vào tháng 3 tới, chúng ta sẽ có thể đoán được khi nào Fed ngừng tăng lãi suất”. Kamei dự kiến giá vàng sẽ dao động từ 1.770 USD đến 2.100 USD/ounce trong năm nay khi đồng USD suy yếu.

Các yếu tố khác cũng có thể tác động đến thị trường hàng hóa.

Ông Honma chuyên gia của công ty nghiên cứu Sumitomo Corporation Global Research cảnh báo rằng "chủ nghĩa dân tộc tài nguyên" (resource nationalism) có thể tạo ra sự gián đoạn nguồn cung đối với các khoáng sản chính. Gần đây nhất, Indonesia tuyên bố sẽ cấm xuất khẩu bauxite bắt đầu từ tháng 6 như một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành khoáng sản trong nước.  

Việc thiếu đầu tư vào lĩnh vực hàng hóa là một mối quan tâm khác. 

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi cho rằng thị trường hàng hoá sẽ được tái định hình trong năm 2023 do tình trạng thiếu đầu tư”. 

Giới chuyên gia nói thêm: “Phần lớn giảm phát hàng hóa đến từ việc các ngân hàng trung ương tăng chi phí vốn và rút cạn thanh khoản thị trường vật chất và tài chính, đây không phải là giải pháp cơ bản dài hạn. Nếu không có đủ vốn đầu tư để tạo ra khả năng cung cấp dự phòng, hàng hóa sẽ vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng thiếu hụt dài hạn, với giá cả cao hơn và biến động hơn”. 

H.Mĩ

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.