|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Apple mất dần 'ánh hào quang' khi người tiêu dùng Trung Quốc quyết mua hàng nội địa vì lòng tự tôn dân tộc

14:19 | 19/09/2019
Chia sẻ
Theo một khảo sát mới về thái độ của người tiêu dùng Trung Quốc, cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho Apple. Tuy nhiên, một số thương hiệu Mỹ khác như Android và Intel hiện vẫn "bình an vô sự" trước sóng gió.
picb06b25e27d522affa1a1bf70a926c104

Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Apple đã tụt xuống vị trí thứ 24 trong một báo cáo thường niên về các thương hiệu hàng đầu ở Trung Quốc, trong khi vào năm ngoái "táo khuyết" vẫn giữ hạng 11.

Năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, Apple thậm chí còn xếp hạng 5 trong danh sách trên. Cùng trong khoảng thời gian này, đối thủ lớn nhất của Apple ở thị trường tỉ dân - Huawei Technologies, lại leo hai bậc và chiếm vị trí á quân, chỉ sau dịch vụ thanh toán Alipay.

Sự xáo trộn trong bảng xếp hạng trên là một dấu hiệu cho thấy thách thức ngày càng lớn mà các thương hiệu Mỹ phải đối mặt trong năm thứ hai của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Khảo sát trên cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng lạnh nhạt với một số nhãn hàng Mỹ hơn, đặc biệt là sau khi Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei bị bắt giam tại Canada theo yêu cầu của chính phủ Mỹ vào năm ngoái.

Ngay sau đó, Tổng thống Trump còn ban bố lệnh cấm đối với sản phẩm của Huawei tại Mỹ nhưng những lệnh cấm đó lại khích lệ sự ủng hộ của người dân Trung Quốc đối với thương hiệu có trụ sở tại Thâm Quyến này, ông Jay Milliken, đối tác cấp cao của công ty tư vấn Prophet (San Francisco) tại Hong Kong, cho hay.

Theo Bloomberg, Prophet đã tiến hành khảo sát trên 13.500 người tiêu dùng Trung Quốc để đưa ra bảng xếp hạng trên. Cụ thể, Prophet yêu cầu khách hàng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc xếp hạng 258 thương hiệu trong 27 danh mục.

Mua hàng vì lòng tự tôn dân tộc

"Có rất nhiều khách hàng mua sản phẩm trong danh mục này vì lòng tự tôn dân tộc, bởi họ xem vấn đề xảy đến với Huawei như một cuộc tấn công", ông Milliken cho hay.

Chủ nghĩa yêu nước cũng góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy của các thương hiệu Trung Quốc khác. Chẳng hạn, hãng thời trang thể thao Li Ning đã lần đầu tiên lọt vào top 40, cụ thể thương hiệu này xếp thứ 34 và chỉ cách hai bậc so với "ông lớn" dẫn đầu thị trường Nike.

Được đặt theo tên người sáng lập - vận động viên thể dục dụng cụ nổi tiếng Li Ning, hãng thời trang này đã tận dụng tinh thần dân tộc của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc nhờ ra mắt một bộ sưu tập lấy hai màu đỏ và vàng làm chủ đạo tại Tuần lễ Thời trang New York hồi năm ngoái. Đỏ và vàng chính là hai màu sắc đại diện cho Trung Quốc.

Chỉ có hai thương hiệu Mỹ nằm trong top 10 năm nay, Android ở vị trí thứ ba và Intel xếp hạng 9. Trong khảo sát năm 2017, Intel từng đứng hạng 5 trong danh sách.

Không phải doanh nghiệp Mỹ nào cũng lo lắng như Apple

Theo ông Milliken, khác Apple, Android và Intel không cần phải lo lắng trước việc người tiêu dùng Trung Quốc vì lòng tự tôn dân tộc mà chuyển sang sử dụng sản phẩm của đối thủ nội địa.

Điều đó đã lí giải tại sao hai thương hiệu này vẫn duy trì thứ hạng cao trong kết quả năm nay.

"Người tiêu dùng Trung Quốc không thể sống thiếu một số thương hiệu phương Tây, họ gần như không muốn rời bỏ những sản phẩm này", ông Milliken cho biết. "Doanh nghiệp Trung Quốc không đưa ra được lựa chọn thay thế nào nên người dân vẫn gắn bó với các nhãn hàng trên".

Căng thẳng địa chính trị không phải là vấn đề duy nhất Apple phải đối mặt ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng sau Mỹ.

Mặc dù Bắc Kinh đang nỗ lực đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ với sự ra mắt của mạng 5G, các dòng điện thoại của Apple, kể cả iPhone 11 mới công bố, cũng không hỗ trợ thế hệ mạng tốc độ cao này.

Khả Nhân