iPhone mới sắp ra mắt, Apple và Foxconn dính bê bối vi phạm luật lao động Trung Quốc
Ảnh: Bloomberg
Apple thừa nhận nhà máy Foxconn Trịnh Châu sử dụng vượt mức nhân viên thời vụ, vi phạm luật lao động Trung Quốc
Bloomberg đưa tin, Apple và đối tác sản xuất Foxconn đã vi phạm một qui định trong luật lao động Trung Quốc khi sử dụng quá nhiều nhân viên thời vụ trong nhà máy iPhone lớn nhất thế giới tại Trịnh Châu.
Hai công ty này đã đưa ra xác nhận sau khi một báo cáo chỉ ra điều kiện làm việc khắc nghiệt ở nhà máy nói trên được công bố.
Tổ chức China Labor Watch (CLW) là cơ quan đã khẳng định thông tin trên và tung ra bản báo cáo trước thềm sự kiện công bố mẫu iPhone mới của Apple vào ngày 10/9.
Nhóm vận động phi lợi nhuận này đã điều tra điều kiện làm việc và sinh hoạt của công nhân trong các nhà máy ở Trung Quốc, và cho biết họ đã phát hiện ra nhiều vi phạm có liên quan đến quyền lao động mà các đối tác của Apple từng bị cáo buộc trong quá khứ.
Trong báo cáo mới nhất, CLW cho biết các điều tra viên bí mật đã làm việc tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu (Trung Quốc), trong đó có một người từng làm việc ở đây trong 4 năm.
Cổng chào để đi vào nhà máy Foxconn Trịnh Châu (Nguồn: China Labor Watch)
Một trong những phát hiện quan trọng của CLW là về nhân viên thời vụ, chiếm đến khoảng 50% lực lượng lao động của Foxconn vào tháng 8. Luật lao động Trung Quốc qui định doanh nghiệp chỉ được sử dụng tối đa 10% nhân viên thời vụ.
Sau khi tiến hành điều tra, Apple cho biết họ phát hiện "tỉ lệ nhân viên thời vụ đã vượt quá tiêu chuẩn", đồng thời hãng "cũng đang làm việc sát sao với Foxconn để giải quyết vấn đề này".
Tập đoàn Công nghệ Foxconn cũng xác nhận việc vi phạm qui định về nhân viên thời vụ sau khi xem xét hoạt động của nhà máy.
Không phải là lần đầu Apple dính điều tiếng về điều kiện làm việc nghèo nàn
Chuỗi cung ứng của Apple đã vấp phải chỉ trích liên quan đến tiêu chuẩn lao động trong nhiều năm qua và hãng công nghệ Mỹ cũng từng thúc đẩy các đối tác phải cải thiện điều kiện làm việc nhà máy, nếu không sẽ có nguy cơ đánh mất cơ hội hợp tác kinh doanh với hãng.
Tuy nhiên, các nhà cung ứng và lắp ráp của Apple lại đang ra sức chế tạo nhiều thiết bị cầm tay hơn. Foxconn, hay Hon Hai Precision Industry, đã thuê hàng chục nghìn nhân viên thời vụ để đẩy mạnh sản xuất và đáp ứng nhu cầu iPhone trong suốt kì nghỉ lễ lớn mỗi năm.
"Phát hiện gần đây về điều kiện làm việc tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu đã nêu rõ nhiều hành vi vi phạm qui tắc ứng xử của chính Apple", CLW viết trong bản báo cáo.
"Apple có trách nhiệm và năng lực để cải thiện điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của họ, tuy nhiên hãng này lại thông qua nhà cung ứng mà chuyển chi phí gia tăng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sang công nhân và thu lợi nhuận từ việc bóc lột công nhân Trung Quốc".
Khu kí túc xá của công nhân nữ (Nguồn: China Labor Watch)
Bản báo cáo của CLW cho biết, vào năm 2018 có 55% công nhân nhà máy là nhân viên tạm thời và vào tháng 8/2019 là khoảng 50%, tỉ lệ này còn bao gồm cả sinh viên thực tập.
Theo CLW, vì nhiều người trong số sinh viên nói trên đã trở lại trường học vào cuối tháng 8, tỉ lệ nhân viên thời vụ hiện tại giảm xuống gần mức 30%, nhưng vẫn vi phạm qui định trong luật lao động Trung Quốc.
"Apple tin rằng tất cả nhân viên trong chuỗi cung ứng của chúng tôi đều nên được đối xử với thái độ tôn trọng", Apple tuyên bố.
"Để đảm bảo tiêu chuẩn lao động nghiêm ngặt của Apple được tuân thủ, chúng tôi hiện có sẵn một hệ thống quản lí thiết thực, bắt đầu từ khâu đào tạo nhân viên về quyền tại nơi làm việc, phỏng vấn nhân viên tại chỗ, kênh khiếu nại nặc danh và kiểm toán liên tục".
Foxconn cho biết đã phát hiện "bằng chứng cho thấy việc sử dụng nhân viên thời vụ và thời gian làm quá giờ, vốn từng được xác nhận là do nhân viên hoàn toàn tự nguyện, không phù hợp với đường lối của công ty".
Ngoài ra, Foxconn cũng tuyên bố rằng họ đang tiếp tục nỗ lực để giải quyết vấn đề phát sinh tại nhà máy Trịnh Châu và sẽ giám sát kĩ tình huống. "Chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện bất kì bước đi cần thiết nào để đáp ứng tiêu chuẩn làm việc nghiêm ngặt mà công ty đã đặt ra cho quá trình vận hành".
Hàng năm, Apple sẽ phát hành một báo cáo về trách nhiệm của nhà cung ứng, trong đó mô tả chi tiết điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của hãng.
Trong bản báo cáo mới nhất, Apple cho biết họ đã tiến hành phỏng vấn 44.000 nhân viên tại nhà máy của các đối tác vào năm ngoái để kiểm tra liệu họ có được đào tạo đúng chuẩn và biết cách phản ánh vấn đề hay không.
Nhà vệ sinh dùng chung trong kí túc xá (Nguồn: China Labor Watch)
Cùng lúc đó, Apple cũng thực hiện nhiều bước đi mới để ngăn chặn tình trạng lao động cưỡng bức.
Vào năm 2017, Apple phát hiện Foxconn đã thuê học sinh trung học làm việc ngoài giờ một cách bất hợp pháp để lắp ráp iPhone X. Apple đã gửi chuyên gia đến nhà máy này để làm việc với ban quản lí, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn làm việc phù hợp được tuân thủ.
Theo CLW, nhân viên thời vụ không nhận được phúc lợi tương tự nhân viên toàn thời gian, chẳng hạn như nghỉ ốm, nghỉ phép có trả lương và bảo hiểm xã hội.
Mặc dù mức lương cơ bản đối với nhân viên thời vụ có thể cao hơn, họ thường được thanh toán lương bởi bên thứ ba trong thời gian ngắn và không được tuyển dụng trực tiếp bởi Foxconn.
Cũng theo báo cáo của CLW, nhân viên thời vụ có thể trở thành công nhân chính thức sau thời gian thử việc ba tháng.
Apple và Foxconn đặt mục tiêu sản xuất khoảng 12.000 chiếc iPhone/ca làm việc tại nhà máy ở Trịnh Châu. Chế tạo mẫu iPhone XS ra mắt năm ngoái phức tạp hơn nhiều so với iPhone X, vì vậy cần có nhiều công nhân tham gia lắp ráp hơn.
Chỉ thừa nhận sử dụng vượt mức nhân viên thời vụ, Apple thẳng thừng khẳng định hầu hết cáo buộc của CLW đều sai
Theo các email Bloomberg từng xem qua, Apple đã nói với CLW vào tháng 8 rằng họ đang xem xét các phát hiện của cơ quan này và đặt nhiều câu hỏi về bản báo cáo.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng gửi một điều tra viên đến nhà máy Foxconn Trịnh Châu và gặp nhân viên Foxconn để thảo luận về việc sử dụng vượt mức nhân viên thời vụ.
Tuy nhiên, theo CLW, hai công ty này vẫn cho phép tình trạng trên diễn ra, bất chấp việc nó vi phạm mức sử dụng nhân viên thời vụ tiêu chuẩn trong luật lao động Trung Quốc là 10%.
Ngoài ra, bản báo của CLW còn nêu chi tiết một số phát hiện khác, gồm:
- Trong thời gian sản xuất cao điểm, đơn xin thôi việc không được chấp nhận.
- Một số nhân viên thời vụ không nhận được tiền thưởng như được hứa hẹn.
- Sinh viên thực tập phải làm ngoài giờ trong mùa cao điểm, mặc dù điều này bị cấm theo luật lao động Trung Quốc.
- Một số nhân viên phải làm thêm tối thiểu 100 giờ/tháng trong mùa cao điểm. Luật lao động Trung Quốc chỉ cho phép làm ngoài giờ tối đa 36 giờ.
- Nhân viên phải xin phép để không làm ngoài giờ. Nếu yêu cầu bị từ chối và nhân viên vẫn chọn không làm việc, họ sẽ bị quản lí cảnh cáo và đánh mất cơ hội làm thêm giờ trong tương lai.
- Nhân viên đôi khi phải ở lại nhà máy để tham gia các cuộc họp đêm mà không được trả thêm lương.
- Nhà máy không cung cấp thiết bị bảo hộ đầy đủ cho nhân viên.
- Thương tích trong quá trình làm việc không được nhà máy báo cáo và tình trạng xúc phạm bằng lời nói diễn ra phổ biến tại nhà máy.
"Chúng tôi đã xem xét cáo buộc của China Labor Watch và hầu hết chúng đều sai", Apple khẳng định. "Chúng tôi xác nhận rằng toàn bộ công nhân đều được hưởng mức lương xứng đáng, bao gồm lương làm ngoài giờ và tiền thưởng, toàn bộ thời gian làm ngoài giờ đều là tình nguyện và không có bằng chứng nào về lao động cưỡng bức".
Bên cạnh đó, Apple còn cho biết thêm rằng chưa đầy 1% công nhân nhà máy là sinh viên và chỉ một phần nhỏ trong số này tự nguyện làm thêm giờ hoặc ca tối. Apple và đối tác Foxconn đều khẳng định vấn đề đã được xử lí.
China Labor Watch (CLW) thành lập năm 2000 theo qui định số 501 (c) (3), với tư cách là một tổ chức chuyên điều tra các nhà máy sản xuất đồ chơi, giày dép, đồ điện tử và các sản phẩm khác cho một số công ty đa quốc gia thuộc nhóm lớn nhất thế giới.
CLW có văn phòng tại New York và Thâm Quyến, trong đó chi nhánh Thâm Quyến có cung cấp một đường dây nóng cho công nhân nhà máy tại Trung Quốc.