Ấn Độ kìm xuất khẩu gạo làm thị trường châu Á tê liệt, giá gạo Việt Nam, Thái Lan, Myanmar tăng nhanh
Theo Reuters, các chính sách hạn chế của Ấn Độ đối với hoạt động xuất khẩu gạo đã làm tê liệt nhiều giao dịch trên thị trường gạo châu Á. Điều này khiến khách hàng tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Tuy nhiên, tại những quốc gia này, nhà xuất khẩu đang trì hoãn giao dịch do giá gạo tăng nhanh.
Cụ thể, giá gạo đã tăng 5% tại châu Á kể từ thông báo của Ấn Độ và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong tuần này.
Và khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, khách hàng đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ các đối thủ Thái Lan, Việt Nam và Myanmar, những nước đã tăng giákhoảng 20 USD/tấn đối với gạo trắng 5% tấm trong 4 ngày qua. Nhưng những nhà cung cấp này cũng không muốn vội vàng ký hợp đồng vì họ đang kỳ vọng giá sẽ tăng hơn nữa.
“Chúng tôi kỳ vọng giá sẽ tăng hơn nữa trong những tuần tới”, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo có trụ sở tại TP HCM cho biết.
Các thương nhân cho biết gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 410 USD/tấn vào ngày 12/9, tăng từ mức 390- 393 USD/tấn của tuần trước.
Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành tại Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, cho biết: "Hoạt động giao dịch gạo bị tê liệt trên khắp châu Á. Các thương nhân không muốn cam kết bất cứ điều gì một cách vội vàng. Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Vì vậy, không ai dám chắc giá sẽ tăng bao nhiêu trong những tháng tới".
Việc vận chuyển gạo cũng đã dừng tại các cảng của Ấn Độ và gần 1 triệu tấn gạo bị mắc kẹt ở đó do người mua từ chối trả mức thuế xuất khẩu 20% mới của Chính phủ so với giá hợp đồng đã thỏa thuận.
Theo ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Olam Ấn Độ, mặc dù có một số người mua sẵn sàng trả giá cao hơn cho các hợp đồng mới, nhưng các chủ hàng đang phân loại các hợp đồng để chờ xử lý.
Trung Quốc, Philippines, Bangladesh và các nước châu Phi như Senegal, Benin, Nigeria và Ghana nằm trong số các nhà nhập khẩu gạo thường nhiều nhất, trong khi Iran, Iraq và Arab Saudi nhập khẩu gạo basmati cao cấp.
Sự gián đoạn nguồn cung do đại dịch COVID-19 và gần đây là cuộc chiến Nga-Ukraine đã đẩy giá ngũ cốc lên cao nhưng gạo phần lớn đã đi ngược xu hướng do mùa màng bội thu và lượng tồn kho dồi dào tại các nhà xuất khẩu trong hai năm qua.
Người mua hiện lo ngại động thái của Ấn Độ có thể làm tăng giá gạo và khiến mặt hàng chủ lực như lúa mì và ngô trở nên đắt đỏ, một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết.
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và khi Ấn Độ cấm xuất khẩu vào năm 2007, giá toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn.
Năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt kỷ lục 21,5 triệu tấn, nhiều hơn tổng lượng xuất khẩu của 4 nhà xuất khẩu gạo lớn của thế giới gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.
Cuối tuần trước, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo từ ngày 9/9 trong bối cảnh nước này cố gắng tăng nguồn cung và hạ nhiệt giá nội địa do lượng mưa dưới mức trung bình gây ảnh hưởng đến mùa màng.
Đây cũng là mặt hàng mới nhất trong chuỗi mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu trong năm nay do các Chính phủ phải vật lộn để tăng nguồn cung và chống lạm phát trong bối cảnh gián đoạn thương mại do xung đột Nga - Ukraine gây ra.