Lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ sẽ làm tăng giá gạo, thổi bùng nỗi lo lạm phát lương thực
Theo Reuters, quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể sẽ thúc đẩy giá gạo thế giới đi lên và kích hoạt một đợt tăng giá đối với lúa mì và ngô, từ đó làm trầm trọng thêm nỗi lo về lạm phát lương thực.
Các thương nhân và nhà phân tích cho biết giá gạo của các nhà xuất khẩu chủ chốt như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar sẽ tăng trong thời gian tới, khiến các thị trường nhập khẩu lương thực phải chịu chi phí cao hơn do thời tiết bất lợi và chiến sự Nga-Ukraine.
Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo khác trong bối cảnh nước này cố gắng tăng nguồn cung và hạ nhiệt giá nội địa do lượng mưa dưới mức trung bình gây ảnh hưởng đến mùa màng.
Ông Phin Ziebell, nhà kinh tế tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB), dự báo: “An ninh lương thực ở nhiều quốc gia có thể sắp phải chịu áp lực lớn".
Còn theo ông Ole Houe, Giám đốc dịch vụ tư vấn của công ty môi giới nông nghiệp IKON Commodities ở Sydney: “Đây là một động thái làm gia tăng lạm phát giá lương thực. Điều này có thể khiến giá lúa mì và ngô nhảy vọt".
Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar trên thị trường thế giới.
"Giá gạo Myanmar đã tăng 50 USD/tấn trong khi các nhà cung cấp ở Thái Lan và Việt Nam cũng sẽ báo giá cao hơn", một thương nhân ở Singapore cho biết.
Trước quyết định của Ấn Độ, gạo 5% tấm của Myanmar được báo giá khoảng 390- 395 USD/tấn. Tại Ấn Độ, giá gạo trắng 5% tấm được báo ở mức 348 USD/tấn.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nói với Reuters rằng động thái của New Delhi sẽ tác động đến dòng chảy thương mại vì giá gạo trắng của Ấn Độ rẻ hơn khoảng 60-70 USD/tấn so với Thái Lan.
“Sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn đối với gạo Thái Lan và Việt Nam. Chúng ta phải chờ xem chính sách này của Ấn Độ sẽ kéo dài trong bao lâu, nếu kéo dài hơn sẽ làm tăng nhu cầu đối với gạo Thái Lan...", ông nói.
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Philippines có thể sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức với giá gạo cao hơn.
Các thương nhân cho biết Trung Quốc, một trong những nhà nhập khẩu gạo tấm lớn nhất của Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi, dự kiến sẽ chuyển sang ngô.
Ông Rosa Wang, nhà phân tích của Shanghai JC Intelligence, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giảm sau lệnh cấm này. Trung Quốc sắp thu hoạch vụ ngô mới và cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu lượng lớn các loại ngũ cốc khác".
Thứ trưởng phụ trách chính sách, kế hoạch và quy định tại Bộ Nông nghiệp Philippines, ông Mercedita Sombilla, cho biết: "Thực tế đã có tin tức về một liên minh giữa Thái Lan và Việt Nam về kế hoạch tăng giá xuất khẩu. Chúng tôi đang phân tích tác động có thể xảy ra từ kế hoạch này".
Theo đưa tin trước đó từ Bangkok Post, Thái Lan và Việt Nam đã đồng ý hợp tác nâng giá bán, một động thái nhằm tăng đòn bẩy của họ trên thị trường toàn cầu và nâng cao thu nhập của nông dân.