|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gạo Việt Nam sẽ hưởng lợi thế nào sau lệnh áp thuế xuất khẩu gạo của Ấn Độ?

07:03 | 13/09/2022
Chia sẻ
Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu sẽ khiến nguồn cung gạo thế giới sụt giảm. Điều này thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm nguồn thay thế tăng cao, đồng nghĩa với việc giá gạo sẽ được nâng lên bởi nguồn cung khan hiếm. Và Việt Nam là một trong những quốc gia được cho là sẽ hưởng lợi trong bối cảnh này.

Giá gạo Việt Nam chờ đợi đợt tăng mới sau khi Ấn Độ 'kìm' nguồn cung

Mới đây, Ấn Độ đã ban hành quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm, đồng thời áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc, gạo. Động thái này được cho là sẽ tác động đến giá gạo thế giới bởi quốc gia này hiện chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. 

Tại Việt Nam, sau khi thông tin Ấn Độ siết nguồn xuất khẩu, một số doanh nghiệp gạo đang tạm ngừng giao dịch để theo dõi biến động mới của thị trường bởi giá gạo được cho là sẽ vào đợt tăng mới.

Chia sẻ với người viết ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết gạo Việt Nam trong nước đang tăng 200-300 đồng/kg đối với gạo trắng nên các doanh nghiệp xuất khẩu tranh thủ mua hàng vào để giao hàng cho các đơn hàng ký trước đó.

"Với đơn hàng mới, hiện công ty đang tạm ngưng ký thêm các hợp đồng gạo trắng và tấm do giá gạo đang lên. Khả năng trong 5-10 ngày tới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ chào bán tăng 15-20 USD/tấn", ông Có cho hay.

   (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hơp: Như Huỳnh) 

Trước đó, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam mặc dù vẫn tăng trưởng cả lượng và giá trị nhưng giá xuất khẩu trung bình lại xuống thấp. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu được 718 nghìn tấn gạo, trị giá gần 340 triệu USD, tăng 23,2% về lượng và tăng 19% về trị giá so với tháng 7.

Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 473,5 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng trước. Đây là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm 2022 đến nay và là mức giá thấp nhất trong 20 tháng qua của mặt hàng gạo.  

Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 4,8 triệu tấn, trị giá hơn 2,33 tỷ USD, tăng lần lượt 20,7% và 10% nhưng giá xuất khẩu bình quân đạt 486,5 USD/tấn, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Do đó, với diễn biến mới của thị trường thế giới, các doanh nghiệp cho rằng gạo Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng cả lượng và giá xuất khẩu trong thời gian tới.   

"Đây là tin vui đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác xuất khẩu gạo khác. Các hợp đồng mới có thể sẽ được đàm phán với giá tốt hơn hoặc nếu không thì doanh nghiệp sẽ tạm trữ để theo dõi tình hình thế giới, nhu cầu của các thị trường ra sao", ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Phước Thành IV, cho hay.   

Đồng thời ông lý giải rằng vụ chính của Việt Nam, Thái Lan đang ở thời điểm hết vụ nên nguồn cung không còn nhiều. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải cẩn thận hơn trong việc bán hàng để tránh tình trạng rủi ro khi bán giá rẻ bởi giá gạo sẽ điều chỉnh như thế nào vẫn còn phải chờ đợi.

Chia sẻ Reuters, ông V.K Rao, Chủ tịch hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, cho biết “Động thái của Chính phủ sẽ thúc đẩy giá gạo toàn cầu. Giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt 400 USD/tấn từ mức 350 USD/tấn hiện nay trên cơ sở giao hàng tự do”. 

Trước quyết định của Ấn Độ, gạo 5% tấm của Myanmar được báo giá khoảng 390- 395 USD/tấn. Tại Ấn Độ, giá gạo trắng 5% tấm được báo ở mức 348 USD/tấn.

"Giá gạo Myanmar đã tăng 50 USD/tấn trong khi các nhà cung cấp ở Thái Lan và Việt Nam cũng sẽ báo giá cao hơn", một thương nhân ở Singapore cho biết.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Mã:TAR), cho biết khi giá gạo thế giới tăng, gạo Việt Nam sẽ hưởng lợi một phần trong đợt biến động lần này.

"Động thái của Ấn Độ sẽ làm cho tình hình giá lương thực thế giới càng tăng cao vì xuất khẩu áp thuế 20%, đồng nghĩa người mua hàng sẽ phải gánh chịu phần tăng này trong giá mua gạo. Giá lương thực, cụ thể là giá gạo thế giới sẽ tăng lên và đây sẽ là cơ hội cho gạo Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác khi giá gạo xuất khẩu sẽ tăng cao theo", ông Bình nhận định. 

Khách hàng sẽ lựa chọn gạo Việt Nam thay thế 

Đại diện công ty Vrice cho biết doanh nghiệp khá bất ngờ ra trước thông tin Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo bởi cách đây không lâu Bộ trưởng Bộ Lương thực Ấn Độ Sudhanshu Pandey khẳng định, với lượng dự trữ dồi dào, nước này không có kế hoạch siết chặt việc xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, ông Có cho rằng quyết định mới của nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sẽ khiến khách hàng của họ chuyển sang lựa chọn gạo Việt Nam và Thái Lan. Do đó, việc cần làm lúc này với doanh nhiệp là chuẩn bị nguồn hàng và chào giá thống nhất, tương đồng với nhau để có thể tận dụng cơ hội giá gạo tăng lên, mang về giá trị xuất khẩu cao cho ngành hàng.

Việc chuyển hướng sang các nguồn hàng khác như Việt Nam là tất yếu để các đối tác bù đắp lượng thiếu hụt khá lớn từ gạo Ấn Độ. Và điều này cũng đã được Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, chỉ ra ngay sau khi Chính phủ công bố việc áp thuế.

"Với mức thuế này, gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ trở nên khó cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Người mua sẽ chuyển sang các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam", ông BV Krishna Rao nói.

Một số nhà xuất khẩu Ấn Độ cũng cho rằng, quyết định của Chính phủ là quá bất ngờ, gây khó khăn cho các hợp đồng đã ký. Bởi người mua không thể trả thêm 20% so với giá đã ký kết trước đó cũng như bên bán cũng không đủ khả năng trả mức thuế này. Do đó, họ cho rằng xuất khẩu của nước này sẽ giảm ít nhất 25% trong những tháng tới vì thuế quan.

Thực tế, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ chi phối rất lớn đến thị trường toàn cầu. Cụ thể, trong năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo nhiều hơn tổng số gạo của 4 nước xuất khẩu lớn gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại. 

Giờ đây, Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm và áp thuế cao một số loại gạo nên thị trường gạo sẽ không tránh khỏi sự tác động.

Và ngay sau khi những thay đổi này được công bố, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (Bộ Công Thương) đánh giá việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức săn chăn nuôi tăng. Năm 2021, Việt Nam đã nhập 433.000 tấn gạo tấm nên cũng bị tác động về nguồn cung.

Vì vậy, cơ quan này khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ nhanh chóng liên hệ với họ để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.  

Trong khi đó, theo ông Phạm Thái Bình, hiệu ứng từ Ấn Độ chưa chắc có thể được doanh nghiệp Việt tận dụng bởi thực tế có một bộ phận nhà xuất khẩu thường tranh nhau, hạ giá bán khiến gạo Việt Nam không theo kịp xu hướng tăng của thị trường gạo thế giới.

"Trong khi tình hình lương thực thế giới đối diện nguy cơ thiếu hụt do ảnh hưởng dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, lương thực là một trong những mặt hàng tăng giá cao trên thế giới nhưng giá gạo Việt Nam gần đây lại không tăng, thậm chí là đi xuống.

Điều này sẽ là cản trở cho sự tăng trưởng của ngành hàng. Do đó, quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động từ sản xuất đến tiêu thụ, không nên kìm hãm giá gạo mà hãy để nó chảy đúng theo dòng chảy thị trường", ông Bình lưu ý.

Còn theo ông Phan Văn Có, khả năng trong 2 - 3 tháng tới, khi Ấn Độ thu hoạch xong vụ mới, quốc gia này sẽ xuất khẩu bình thường trở lại do lượng hàng cũ cần tiêu thụ và xuất khẩu vẫn là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của họ. Do đó, việc tận dụng cơ hội này nằm ở khả năng nội tại của mỗi doanh nghiệp.

Như Huỳnh