|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ấn Độ khuyến khích sản xuất điện tử

08:33 | 07/04/2020
Chia sẻ
Sản xuất điện thoại di động là lĩnh vực trọng tâm của Chính sách Quốc gia về Điện tử Ấn Độ 2019, với mục tiêu sản xuất 1 tỉ điện thoại di động vào năm 2025, trị giá 190 tỉ USD, trong đó 600 triệu điện thoại di động để xuất khẩu.

Ấn Độ thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất điện tử

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ vừa thông qua một chương trình khuyến khích đối với ngành sản xuất điện tử của nước này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư sản xuất tại Ấn Độ.

Sản xuất điện thoại di động là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ấn Độ. Đây là lĩnh vực trọng tâm của Chính sách Quốc gia về Điện tử 2019, với mục tiêu sản xuất 1 tỉ điện thoại di động vào năm 2025, trị giá 190 tỉ USD, trong đó 600 triệu điện thoại di động để xuất khẩu.

Ấn Độ khuyến khích sản xuất điện tử - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ce.vileda)

Để thực hiện mục đích đó, ngày 22/3, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua gói hỗ trợ, trong một động thái nhằm khuyến khích Apple của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu của họ.

Gói hỗ trợ này được gọi là Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) trị giá 710 triệu USD. Theo đó, các nhà sản xuất thiết bị điện tử sẽ được ưu đãi 4 – 6% trên doanh số gia tăng bán hàng của họ sản xuất tại Ấn Độ Trong thời gian 5 năm.

Cùng với PLI, chính phủ cũng đã công bố một kế hoạch thúc đẩy sản xuất linh kiện và chất bán dẫn điện tử (SPECS), với số tiền là 470 triệu USD và các cụm sản xuất điện tử 2.0 (EMC 2.0) với ngân sách là 537 triệu USD giải ngân trong 8 năm.

Theo SPECS, chính phủ sẽ khuyến khích tài chính 25% cho chi phí vốn để mua máy móc, nghiên cứu và phát triển, linh kiện điện tử, đơn vị chế tạo bán dẫn hoặc hiển thị, thiết bị viễn thông, lắp ráp phụ và hàng hóa vốn để sản xuất các sản phẩm đó. 

Chương trình này sẽ được áp dụng cho các khoản đầu tư vào các đơn vị mới, mở rộng năng lực, hiện đại hóa và đa dạng hóa các sản phẩm hiện có.

Với chương trình EMC 2.0, Ấn Độ sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng với diện tích tối thiểu 200 mẫu đất cùng với các cơ sở cần thiết như trung tâm cơ sở chung, nhà kho, nhà xưởng chưa lắp đặt và nhà máy hoàn chỉnh. Ngoài Ra, EMC 2.0 còn được hỗ trợ tài chính lên tới 50% chi phí dự án, tối đa là khoảng 10 triệu USD/100 mẫu đất. Đối với các trung tâm cơ sở chung (CFC), sẽ được hỗ trợ tài chính 75% chi phí dự án, với mức trần 10,7 triệu USD.

Các sáng kiến này nhằm thay thế Chương trình Xuất khẩu hàng hóa MEIS của Ấn Độ đã bị chỉ trích tại WTO và bị tuyên bố vô hiệu vào tháng 10/2019. Theo Chính phủ Ấn Độ thì kế hoạch mới này tuân thủ WTO vì nó phục vụ cho sản xuất điện thoại do nhà sản xuất nước ngoài tiến hành với giá thành tối thiểu 200 USD/chiếc.

Để được hưởng chính sách ưu đãi từ chương trình này, các công ty nước ngoài phải đầu tư ít nhất 140 triệu USD trong 4 năm tới đây (kể từ năm nay) để thành lập nhà máy sản xuất và sẽ được khuyến khích 6% trong 2 năm đầu tiên, sau đó là 5% trong 2 năm tiếp theo và 4% trong năm thứ 5.

Hiệp hội Điện tử và Điện thoại Ấn Độ (ICEA) rất hoan nghênh sáng kiến này và cho biết, PLI sẽ là một biện pháp kích thích trung hạn để khắc phục yếu kém mà Ấn Độ.

Xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 2/2020 đạt 500,32 triệu USD tăng 15,5% so với tháng 1. Tổng giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm đạt 934,25 triệu USD tăng 1% so với 925,89 triệu USD cùng kì năm trước. 

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Ấn Độ trong tháng 2 đạt 347,29 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 1, tổng giá trị nhập khẩu hai tháng đạt 719,18 triệu USD tăng 3,3%. 

Thặng dư thương mại của Việt Nam tháng 2 là 153 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm 2020 đạt 1,65 tỉ USD tăng 2% so với 1,62 tỉ USD cùng kì năm trước, Việt Nam xuất siêu 215,06 triệu USD.

Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao như chất dẻo nguyên liệu, tăng 257,2%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 135,8%; sản phẩm mây tre cói và thảm tăng 121,5%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 113,5%; giày dép các loại tăng 64,2%. 

Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, trong hai tháng qua, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 252 triệu USD, tăng 62,9% so với cùng kì năm trước.

Hai tháng qua, nhập khẩu sắt thép các loại có giá trị lớn nhất đạt 142,14 triệu USD, tăng 57,8% so với cùng kì năm trước, các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao gồm ô tô nguyên chiếc tăng 45%; hàng thủy sản tăng 38,3%; xơ sợi dệt các loại tăng 34,7%; dầu mỡ động thực vật tăng 34,1%.

Phùng Nguyệt

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.