|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

6 startup đình đám của Việt Nam thay tướng trong năm 2019

12:31 | 30/12/2019
Chia sẻ
Nhân sự vẫn là một bài toán nan giải của các startup, điều này đúng với cả các vị trí cấp cao nhất.

Năm 2019 chứng kiến nhiều biến động nhân sự cấp cao ở các startup đáng chú ý nhất tại Việt Nam. 

Cá biệt là trường hợp của Go-Viet khi thay CEO tới hai lần trong không đầy 6 tháng. Đến nay, "ghế nóng" CEO của công ty này vẫn còn bỏ trống.

Nguyễn Vũ Đức – Go-Viet

6 startup đình đám của Việt Nam thay tướng trong năm 2019 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Vũ Đức là người sáng lập và CEO đầu tiên của Go-Viet. (Ảnh: YouTube)

Tháng 9/2018, Go-Viet chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam với sự hẫu thuẫn từ "ông lớn" gọi xe Go-Jek. Lúc đó, ông Nguyễn Vũ Đức ngồi ghế CEO của startup này. Dù vậy, tới tháng 3 năm nay, DealStreetAsia xác nhận ông Nguyễn Vũ Đức bất ngờ thôi việc.

Đồng thời, phía Go-Viet cho biết ông Đức sẽ tiếp tục làm việc tại Go-Viet trong vai trò cố vấn. Tuy nhiên, thông tin trên LinkedIn của ông Đức lại cho thấy điều ngược lại.

Theo thông tin do chính ông cập nhật, ông Đức đã chính thức không còn làm việc cho Go-Viet từ hồi tháng 4 năm nay. Tới nay, ông Nguyễn Vũ Đức vẫn chưa chia sẻ điểm đến tiếp theo của mình.

Khi có thông tin ông Đức rời ghế CEO Go-Viet, trang DealStreetAsia dẫn lời một nguồn tin nội bộ cho biết, ông Đức cùng bà Linh Nguyễn, Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển, một nhân sự khác cũng thôi việc cùng thời điểm, đã đòi Go-Viet bồi thường tới 800.000 USD.

Trước khi đầu quân cho Go-Viet, ông Đức là Giám đốc Trung tâm Mạng xã hội của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đồng thời là giám đốc dự án ứng dụng di động BUNO của nhà băng này.

Lê Diệp Kiều Trang – Go-Viet

6 startup đình đám của Việt Nam thay tướng trong năm 2019 - Ảnh 2.

Bà Lê Diệp Kiều Trang chia tay Go-Viet ngau sau thời điểm dịch vụ này tròn một tuổi. (Ảnh: Go-Viet)

2019 quả thực là một năm nhiều sóng gió về nhân sự với Go-Viet bởi người thế chỗ ông Đức cho vị trí CEO là bà Lê Diệp Kiều Trang cũng nhanh chóng nghỉ việc sau 5 tháng. 

Điều bất ngờ là trước thời điểm thôi việc ít lâu, bà Trang vẫn hào hứng chia sẻ những kế hoạch của mình cùng Go-Viet trong dịp kỉ niệm 1 năm vận hành tại Việt Nam.

"Chúng tôi đã luôn nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên nhưng đã không có kết quả như mong đợi", Go-Viet chia sẻ về sự ra đi của bà Trang hồi trung tuần tháng 9. Trước khi gia nhập Go-Viet, bà Trang là giám đốc Facebook Việt Nam.

Trong một bài phỏng vấn mới đây, bà Trang cho biết khi gia nhập Go-Viet, bà mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty này, song bà cho biết đã "không có duyên". Ở thời điểm hiện tại, bà Trang thường xuyên xuất hiện trước công chúng với vai trò người sáng lập quỹ đầu tư Alabaster do chính bà và chồng mình, ông Sonny Vu (Vũ Xuân Sơn), sáng lập.

Nguyễn Trần Thi – Giao Hàng Nhanh Express

6 startup đình đám của Việt Nam thay tướng trong năm 2019 - Ảnh 3.

Sau GHN, ông Nguyễn Trần Thi về làm việc cho One Mount Group, một công ty con của VinGroup với ngành nghề kinh doanh chính đăng kí là "Đại lý, môi giới, đấu giá hàng hoá (trừ hoạt đọng đấu giá hàng hoá)". (Ảnh: GHN)

"Kết thúc chặng đường bảy năm cùng Giao Hàng Nhanh. Bắt đầu một hành trình mới", ông Nguyễn Trần Thi chia sẻ trên Facebook cá nhân hồi tháng 8 năm nay. Chia sẻ này như một lời xác nhận rằng ông sẽ rời GHN, startup do chính anh và Lương Duy Hoài sáng lập, sau 7 năm gắn bó.

Sau tuyên bố nói trên, ông Nguyễn Trần Thi chia sẻ sẽ "bắt đầu một chuyến phiêu lưu mới tại One Mount Group", một công ty con của VinGroup, với vốn điều lệ khoảng 3.000 tỉ đồng.

"Tự hào là một trong những thành viên đầu tiên ở đây. Cảm ơn vì đã có cơ hội được làm việc với những người tuyệt vời cho những cuộc chơi lớn, tạo ra giá trị cao cho Việt Nam trong những năm tiếp theo", ông Thi hào hứng chia sẻ về hành trình mới trên Facebook cá nhân.

Thời điểm ông thi rời GHN, nhiều nguồn tin nói rằng đã có những mâu thuẫn nhất định giữa ông và ban quản trị Scommerce, công ty chủ quản của startup giao hàng này.

Nguyễn Xuân Trường – AhaMove

6 startup đình đám của Việt Nam thay tướng trong năm 2019 - Ảnh 4.

Rời AhaMove, ông Nguyễn Xuân Trường chuyển sang công tác tại lĩnh vực fintech. (Ảnh: AhaMove)

Một startup khác trong hệ sinh thái của Scommerce cũng "thay tướng" trong năm qua là AhaMove cùng sự ra đi của ông Nguyễn Xuân Trường sau hơn ba năm gắn bó với vị trí CEO.

Sau khi rời AhaMove, ông Trường đầu quân cho Momo, một startup fintech đáng chú ý tại Việt Nam. Ở Momo, ông Trường nắm giữ vị trí giám đốc dịch vụ chuyển tiền.

Nguyễn Hải Ninh – The Coffee House

6 startup đình đám của Việt Nam thay tướng trong năm 2019 - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hải Ninh có nhiều mối lương duyên với cà phê. Trước The Coffee House, anh là người đồng sáng lập Urban Station. (Ảnh: Zing)

Đầu tháng 7, chuỗi cà phê The Coffee House có sự thay đổi đáng chú ý về nhân sự cao cấp khi ông Nguyễn Hải Ninh, đồng sáng lập, nhường ghế CEO cho ông Mai Hoàng Phương. 

Sau thay đổi, ông Nguyễn Hải Ninh sẽ ngồi ghế Phó Chủ tịch The Coffee House song thiên về vấn đề chiến lược, trong khi đó CEO sẽ đảm đương các vấn đề liên quan đến vận hành.

Trần Thanh Hải – beGroup

Sự ra đi của ông Trần Thanh Hải được xem là dấu hiệu cho những khó khăn nhất định mà beGroup đang đối mặt. (Ảnh: Tuệ An)

Sự ra đi của ông Trần Thanh Hải được xem là dấu hiệu cho những khó khăn nhất định mà beGroup đang đối mặt. (Ảnh: Tuệ An)

Những ngày cuối năm 2019, cộng đồng startup Việt Nam đón nhận thông tin bất ngờ về việc ông Trần Thanh Hải sẽ rời ghế CEO beGroup, đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe be tại Việt Nam. Thay thế vào ghế nóng mà ông Hải để lại là bà Nguyễn Hoàng Phương, trước đó là Giám đốc Vận hành beGroup.

Nguồn tin nội bộ cho biết sự ra đi của ông Hải được công bố trong bối cảnh beGroup đang gặp những khó khăn nhất định về tài chính. Ngay sau khi ông Hải rời ra đi, beGroup thậm chí đã sa thải tới khoảng 50% số lượng nhân sự của mình đồng thời dừng phát triển một số dự án dang dở, trong đó có beFood (dịch vụ giao đồ ăn).

Theo nguồn tin nội bộ, thời gian tới, beGroup sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực gọi xe để xoá nhoà được khoảng cách với cái tên dẫn đầu thị trường là Grab.

Thái Sơn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.