|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

10 sự kiện nổi bật ngành thủy sản năm 2017

11:15 | 11/01/2018
Chia sẻ
Dự kiến, năm 2017, XK thủy sản cán đích trên 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2016. Trong đó, tôm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 46% tổng XK, tăng 21%, cá tra chiếm 21%, tăng gần 4%. XK cá ngừ và mực, bạch tuộc đều đạt gần 600 triệu USD, tăng 16% và 42%; XK các loại cá biển đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần 17%. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, DN thủy sản Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm với những khó khăn liên tiếp không hề nhỏ.
10 su kien noi bat nganh thuy san nam 2017 Thủy sản đạt kỷ lục xuất khẩu mới
10 su kien noi bat nganh thuy san nam 2017 Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, Hà Lan tăng mạnh
10 su kien noi bat nganh thuy san nam 2017

Nhìn lại năm 2017, Ban biên tập Bản tin Thương mại Thủy sản xin được đưa ra 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành trong năm qua.

1. Bộ NN&PTNT sửa 10 điều của Thông tư 48/2013

Sau hơn 3 năm VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT sửa đổi một số nội dung của Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT (TT48/2013) quy định về kiểm tra, chứng nhận ATTP thủy sản xuất khẩu nhằm tháo bớt khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 13/2/2017, Bộ NN và PTNT đã chính thức ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BNNPTNT (TT02/2017) sửa đổi, bổ sung một số điều của TT48/2013. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/3/2017. Thông tư này sửa đổi 10 điều và thay thế Phụ lục IV bằng Phụ lục IA; Phụ lục X bằng Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

Một số điểm đã được sửa đổi theo hướng tích cực như: Giảm bớt 1 chỉ tiêu kiểm tra đối với mẫu vệ sinh công nghiệp (Phụ lục IA), giảm tỷ lệ lấy mẫu đối với chỉ tiêu vi sinh khi xét duyệt cơ sở vào danh sách ưu tiên (Phụ lục II.A), giảm thời gian nhận hồ sơ và thông báo thẩm định tại cơ sở (mục 3); giảm thời gian DN chờ để quay lại danh sách ưu tiên từ 12 tháng xuống còn 3 tháng đối với cả DN hạng 1 và hạng 2; Giảm chỉ tiêu kiểm kháng sinh từ 25% xuống 20% của sản phẩm rủi ro - DN hạng 2 (Phụ lục IIA).... Hành động tháo gỡ “nút thắt” này của Bộ NN&PTNT đã nhận được đồng tình của cộng đồng DN thủy sản.

2. Nỗi lo tăng phí và đề xuất giảm nhiều loại phí

Sau khi Luật phí và Lệ phí được ban hành và 4 thông tư (Thông tư 230/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016; Thông tư 279/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016; Thông tư 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016; Thông tư 286/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016) quy định về phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2017, có nhiều mức phí tăng lên rất cao làm gia tăng chi phí đáng kể cho DN mà trước đó họ không phải trả chi phí này.

Ngày 22/2/2017, VASEP đã gửi Công văn số 25/2017/CV-VASEP tới Bộ Tài chính kiến nghị về mức phí quy định tại 4 Thông tư. Tại công văn này, VASEP đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, sửa đổi các quy định mới về phí kiểm tra chuyên ngành theo hướng minh bạch cách tính phí, cơ cấu của phí đảm bảo tiêu chí mức thu đủ bù đắp chi phí và chỉ áp dụng với phạm vi xuất phát từ yêu cầu của chủ hàng, trong đó cần điều chỉnh các mức phí phù hợp nhằm giảm chi phí cho DN và minh bạch trách nhiệm trả phí . VASEP cũng đã phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Bộ NN&PTNT đi khảo sát về tác động của các mức phí đối với các DN thủy sản tại khu vực ĐBSCL. Ngày 29/8/2017, Bộ Tài chính đã có công văn số 11472/BTC-CST lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Tại công văn này, Bộ Tài chính đề xuất giảm một số loại phí liên quan đến chi phí của doanh nghiệp.

3. Cá tra bị bêu xấu ở Tây Ban Nha

Đầu năm 2017, Đài truyền hình Cuatro TV, Tây Ban Nha đã phát sóng chương trình “El Punto de Mira” với nội dung chứa đựng thông tin không chính xác và có ý bôi nhọ hình ảnh của cá tra Việt Nam được nuôi trên dòng sông Mekong. Như vậy, việc truyền thông nhằm bôi nhọ cá tra – đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa đã được thực hiện thành các chiến dịch ở nhiều nước Châu Âu từ năm 2010 đến nay lại tiếp tục.

Sau khi Đài truyền hình Tây Ban Nha phát sóng chương trình này và nhà bán lẻ Châu Âu quyết định ngừng bán cá tra Việt Nam các DN XK cá tra Việt Nam thực sự bất bình và không khỏi lo lắng. Các tổ chức chứng nhận quốc tế về chất lượng và môi trường như: BAP, ASC cũng đã lên tiếng không tán thành việc này. VASEP đã gửi thư phản đối những thông tin sai lệch của phóng sự của Đài Truyền hình Tây Ban Nha và chứng minh sự tiến bộ, tính an toàn trong mọi hoạt động nuôi đến chế biến cá tra tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc này cũng đã ảnh hưởng đến uy tín cá tra Việt Nam và làm sụt giảm giá trị XK sang thị trường EU trong năm 2017.

4. Xuất khẩu tôm thắng lớn tại thị trường EU

Năm 2017, XK tôm Việt Nam thắng lớn tại thị trường EU nhờ tôm Ấn Độ bị dính kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm NK. XK tôm sang EU năm 2017 ước tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Hơn nữa, để được hưởng thuế suất ưu đãi từ EU, DN phải mua tôm nguyên liệu trong nước dù giá cao hơn. Cũng do giá nguyên liệu tôm Việt Nam cao nên các DN đã đầu tư lớn để làm hàng chế biến sâu để gia tăng giá trị khi XK. Tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng GSP từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang chuẩn bị được ký kết. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK tôm HS 03061100 sang EU về 0% từ mức hiện tại 12.5%, thuế SP tôm mã HS 03061710 về 0% từ 20% hiện tại; tôm HS 16052110 từ 20% hiện tại điều chỉnh về 0% sau 7 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực; tôm HS 16052190 từ 20% về 0% sau 7 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực.

5. Quy định dùng muối tăng cường I-ốt làm khó doanh nghiệp thủy sản

Ngày 18/1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Theo đó, kể từ ngày 15/3/2017, các loại muối ăn trực tiếp và muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung I-ốt. Tuy nhiên, theo kết quả cuộc đối thoại giữa đại diện Bộ Y tế và các doanh nghiệp sữa do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì đã diễn ra tại Văn phòng Chính phủ chiều ngày 13/3/2017 thì, NĐ 09 chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối ăn trực tiếp và muối sử dụng trong chế biến thực phẩm và kiểm soát việc bổ sung i-ốt tại các cơ sở sản xuất muối sử dụng cho hai mục đích trên. Nhưng ngày 14/3/2017, Bộ Y tế đã Công văn số 1216/BYT-PC trả lời ý kiến của doanh nghiệp về việc triển khai điểm a, khoản 1, Điều 6 của NĐ 09, Bộ Y tế lại khẳng định rằng: “Các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt”. Đây cũng là bức xúc của không riêng các DN thủy sản nói riêng mà của cả các DN thực phẩm.

6. Thay thế Nghị định 38/2012: ‘Cuộc cách mạng’ trong quản lý về an toàn thực phẩm

Có tới 25/28 Điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (NĐ 38/2012) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Do đó, Bộ Y tế đã quyết định xây dựng nghị định hoàn toàn mới thay thế NĐ 38/2012 trình Chính phủ. Tại cuộc họp xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Nghị định thay thế NĐ 38/2012 mà Bộ Y tế tổ chức vào ngày 27/11/2017, nhiều Hiệp hội, DN cho rằng, với cách tiếp cận vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa tạo điều kiện thông thoáng, nâng cao ý thức trách nhiệm của DN, Nghị định thay thế này được coi là “cuộc cách mạng” về phương thức quản lý. Trong suốt 2 năm qua, NĐ 38/2012 được coi là nghị định “nóng” nhất vì có nhiều vấn đề bất cập, không chỉ đối với DN sản xuất kinh doanh trong ngành thủy sản mà cả các ngành thực phẩm khác. Trong đó, bất cập lớn nhất, gây khó cho DN là thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Cũng trong thời gian này, VASEP đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị sửa đổi một số điều của NĐ 38/2012 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN thủy sản, tuy nhiên không được Bộ Y tế chấp thuận, đồng thời nêu ý kiến bác bỏ.

7. EU cảnh báo thẻ vàng IUU đối với hải sản XK của Việt Nam

Ngày 23/10/2017, EU chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam XK sang thị trường này vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc nhận thẻ vàng của EU có thể gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc XK hải sản sang EU, và sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác. Trong tổng kim ngạch XK các mặt hàng hải sản của Việt Nam hàng năm với 1,9 – 2,2 tỷ USD, EU và Mỹ, mỗi thị trường chiếm 16-17% với giá trị khoảng 350 – 400 triệu USD/năm.

Việt Nam sẽ có 6 tháng (tính đến 28/4/2018) để khắc phục các thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm XK các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.

Lo ngại về tác động đối với hải sản XK sang EU, VASEP và các DN hải sản Việt Nam đã sớm vào cuộc bằng việc thành lập Ban Điều hành IUU VASEP, cùng sự tham gia chương trình cam kết chống khai thác IUU của các DN hải sản. VASEP đã xây dựng và thực hiện chương trình với một loạt các hành động trước và sau thẻ vàng đồng thời sớm đề xuất, hợp tác, chung tay với Bộ NN và PTNT, Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển… để cùng khắc phục thẻ vàng IUU trong thời gian ngắn nhất, tiến tới thực hiện chương trình dài hạn chống khai thác IUU, giữ uy tín và thị trường cho sản phẩm hải sản XK của Việt Nam.

8. Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo về IUU

Để triển khai các giải pháp cấp bách nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo của EC về khai thác IUU, giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam, ngày 13/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTG về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Năm 2008, Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành Quy định 1005/2008 về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Theo quy định này, các quốc gia xuất khẩu sản phẩm khai thác vào thị trường Châu Âu (EU) phải tuân thủ các quy định về khai thác IUU.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện các quy định về khai thác IUU của EC như: Từng bước hoàn thiện thể chế pháp lý, tổ chức điều tra nguồn lợi hải sản để quy hoạch đội tàu cá, hoàn thiện hệ thống thông tin giám sát tàu cá, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Tuy nhiên, hoạt động quản lý khai thác thủy sản của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu của EC về việc thực hiện quy định khai thác IUU. Ngày 23/10/2017, EC đã áp dụng biện pháp cảnh báo đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU (Thẻ vàng).

9. Giã cào bay tận diệt nguồn lợi hải sản

Những năm trước đây, thông tin truyền thông liên tục đưa tin phản ánh và cảnh báo về tình trang phổ biến và lộng hành của nghề khai thác thủy sản bằng lưới giã cào. Vì lợi ích trước mắt, với hình thức khai thác tận diệt, nghề khai thác bằng lưới giã cào không chỉ đe dọa đến lợi ích và an toàn của những ngư dân khai thác bằng công cụ khác như ghe mành chụp hay lưới vây… mà còn trực tiếp gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành khai thác thủy sản Việt Nam, trong bối cảnh thị trường NK thế giới ngày càng yêu cầu khắt khe về quy định khai thác bền vững.

Tuy nhiên, năm 2017, nạn giã cào bay đã trở thành điểm “nóng” tại nhiều vùng biển từ miền Trung, Nam Trung Bộ và lan xuống cả Bạc Liêu, Cà Mau. Tình trạng này không những gây bức xúc cho cộng đồng ngư dân đang tham gia khai thác bằng hình thức khác mà còn khiến cho cộng đồng DN xuất khẩu thủy sản lo ngại về uy tín sản phẩm XK cũng như nguy cơ bị cảnh báo từ các thị trường NK khó tính như EU, Mỹ…

10. EU vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản dẫn đầu

Dự báo năm 2017, giá trị XK thủy sản sang thị trường EU đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2016, chiếm 17,6% tổng giá trị XK. Với kết quả này, EU đã vượt Mỹ để trở thành thị trường XK thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017. Xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh chủ yếu nhờ XK mặt hàng tôm. Các sản phẩm khác như cá tra XK giảm 11% và hải sản tăng chậm dần trong 2 tháng cuối năm sau khi EU cảnh báo thẻ vàng IUU từ ngày 23/10/2017.

Tạ Hà