|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Yêu cầu về hàm lượng nội địa (Local Content Requirement - LCR) là gì?

09:52 | 02/01/2020
Chia sẻ
Yêu cầu về hàm lượng nội địa (tiếng Anh: Local Content Requirement, viết tắt: LCR) là cách qui định một tỉ lệ nào đó của hàng hóa thành phẩm (final goods) phải được sản xuất trong nước.
Yêu cầu về hàm lượng nội địa (Local Content Requirement - LCR) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: allacronyms.com

Yêu cầu về hàm lượng nội địa

Khái niệm

Yêu cầu về hàm lượng nội địa trong tiếng Anh là Local Content Requirement, viết tắt là LCR.

Yêu cầu về hàm lượng nội địa là cách qui định một tỉ lệ nào đó của hàng hóa thành phẩm (final goods) phải được sản xuất trong nước. 

Yêu cầu này có thể được biểu hiện dưới dạng hàm lượng vật chất (ví dụ 75% của các phần linh kiện của sản phẩm phải được sản xuất trong nước) hoặc dưới dạng tỉ lệ giá trị (ví dụ 75% giá trị của sản phẩm phải được sản xuất trong nước). 

Thay vì vậy, chênh lệch giữa giá của hàng hóa trong nước và nhập khẩu được tính bình quân vào giá của hàng hóa thành phẩm và được chuyển sang cho người tiêu dùng.

Nội dung và qui định

Các nước đang phát triển thường sử dụng hình thức này để chuyển đổi nền sản xuất của họ từ chế tạo các sản phẩm được lắp ráp giản đơn với thành phần được sản xuất ở nhiều nước khác nhau sang sử dụng các linh, phụ kiện được chế tạo trong nước. 

Biện pháp này cũng đã từng được các nước phát triển sử dụng trong nỗ lực nhằm bảo vệ lượng việc làm của nước mình, cũng như bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. 

Đạo luật Mua hàng của Mỹ qui định rằng các cơ quan của chính phủ Mỹ cần phải ưu tiên đối với việc mua các sản phẩm do Mỹ sản xuất khi đưa các hợp đồng mua thiết bị tham gia đấu thầu trừ khi các sản phẩm nước ngoài có lợi thế hơn hẳn về giá cả. Đạo luật này cũng chỉ rõ rằng một sản phẩm được xem là “của Mỹ” nếu như 51% giá trị nguyên liệu được sản xuất tại Mỹ

Con số này thể hiện một yêu cầu về hàm lượng địa phương. Nếu một công ty nước ngoài, hoặc một công ty Mỹ muốn giành được hợp đồng cung cấp thiết bị cho một cơ quan của chính phủ Mỹ thì phải đảm bảo rằng ít nhất 50% giá trị của sản phẩm phải được chế tạo tại Mỹ.

Các qui định về hàm lượng địa phương cung cấp một biện pháp bảo vệ đối với những nhà sản xuất linh phụ kiện trong nước giống như với cách mà các hạn ngạch nhập khẩu mang lại: đó là hạn chế sự cạnh tranh từ nước ngoài. 

Các tác động kinh tế tổng thể của các biện pháp này cũng tương tự nhau: mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất trong nước, nhưng những hạn chế nhập khẩu làm tăng giá của các phụ kiện nhập khẩu. Đến  lượt mình, giá phụ kiện tăng được chuyển sang cho người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng dưới hình thức các mức giá bán ra cuối cùng cao hơn. 

Vì vậy, giống như tất cả các chính sách thương mại khác, các yêu cầu về hàm lượng địa phương/nội địa đều có xu hướng mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất chứ không phải cho người tiêu dùng.

(Theo Giáo trình Kinh doanh quốc tế, trường ĐH Ngoại thương, NXB Thống kê)

Hải Miên