|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm dự kiến giảm 40% trong tháng 8

07:15 | 08/09/2021
Chia sẻ
Trước những tác động của làn sóng COVID-19 lần thứ 4, dự kiến giá trị xuất khẩu tôm trong cả tháng 8 năm nay sẽ giảm từ 35-40% so với cùng kỳ. VASEP cho rằng nếu dịch bệnh COVID-19 chậm được khống chế, giãn cách xã hội kéo dài sẽ tác động nặng nề tới toàn chuỗi sản xuất và cung ứng tôm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết hững khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến đã tác động lên kim ngạch xuất khẩu tôm. Nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 119,2 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến giá trị xuất khẩu tôm trong cả tháng 8 năm nay sẽ giảm từ 35-40% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhu cầu từ các thị trường có nhiều tín hiệu tích cực. Thị trường Mỹ và EU đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại và vắc xin được tiêm diện rộng. 

Nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel, nhất là nhu cầu nhập khẩu tôm cỡ lớn. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng được ký rất nhiều, chỉ lo sản xuất không đủ để đáp ứng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ tháng 7/2021 đến nay tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn, các nhà máy chế biến tôm phải giảm hoạt động, thu mua tôm bị đình trệ...

VASEP cho rằng nếu dịch bệnh COVID-19 chậm được khống chế, giãn cách xã hội kéo dài sẽ tác động nặng nề tới toàn chuỗi sản xuất và cung ứng tôm.

Việc giá tôm giảm bắt nguồn từ đứt gãy chuỗi cung ứng, các nhà máy giảm công suất sản xuất còn 30 - 40% đồng thời thiếu hụt công nhân.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, mặc dù sản lượng tôm nước lợ 8 tháng đầu năm 2021 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giá tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với năm ngoái, thậm chí có vùng giảm hơn 20.000 đồng/kg.

Giá tôm tại Cà Mau hiện giảm liên tục, thậm chí giảm tới 30% so với thời điểm trước dịch. Giá tôm giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến tình hình thả giống nuôi tôm tại Cà Mau, hiện chỉ đạt khoảng 30-40% diện tích thả nuôi vụ mới.

Giá tôm tại Bạc Liêu cũng giảm tới 40-50%, khiến người nuôi tôm điêu đứng. Giá tôm tại Sóc Trăng giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg bởi các cơ sở chế biến không có nhu cầu nguyên liệu cao do bị thu hẹp hoạt động còn 30-50% công suất do hoạt động "3 tại chỗ".

Doanh nghiệp giảm thu mua tôm nguyên liệu do giảm công suất chế biến bởi hoạt động 3 tại chỗ. Điều này tác động tới giá tôm. Người nuôi lo lắng giảm thả nuôi, nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng trong quý cuối năm nay.

Các chuyên gia khuyến cáo bà con tiếp tục thả nuôi nhưng với mật độ thưa để thu hoạch được tôm cỡ lớn, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết nhu cầu thị trường đối với tôm cỡ lớn rất tốt với giá xuất cao. 

Để tăng công suất trong điều kiện thiếu công nhân hiện tại, nhà máy phải tăng sản xuất size lớn. Khuyến cáo bà con thả mật độ thưa 100-120 con/m2 so với mật độ cao trước đây là 250 – 300 con/m2. Hiện tại size 10-45 con/kg đang được ký hợp đồng nhiều. 

Loại 40 con/kg đang được thị trường Mỹ đặt hàng nhiều. Bà con yên tâm thả giống, khi tình hình giãn cách ổn định, doanh nghiệp sẽ đẩy giá mua tăng lên.

Trong thời gian tới, VASEP cho rằng  khi việc tiêm vắc xin đã đạt được sự bao phủ nhất định, các địa phương nên có chiến lược phù hợp, chính sách hợp lí cho từng địa phương để vừa phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất, đạt mục tiêu kép.

Các địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. 

Kiến nghị ngành Ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến bằng việc hạ lãi suất cho vay thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi, tạo điều kiện cho tái sản xuất.

H.Mĩ